Cách tính đường kính gốc cây Tỷ lệ chu vi p (Pi) được nhà toán học người Trung Quốc Tổ Xung Chi tính ra đầu tiên, sớm hơn người phương Tây khoảng 1000 năm. Có được khái niệm tỷ lệ chu vi, chúng ta biết được nó là tỷ lệ so sánh giữa độ dài đường tròn với đường kính, vì vậy có thể dùng số Pi để tính ra giá trị của độ dài chu vi hoặc bán kính. Nhưng vào thời cổ đại khi số Pi chưa ra đời thì người ta làm thế nào để đo đường kính của cây, của ao hồ đây? Thực ra, ngay từ xa xưa người dân lao động đã biết được nguyên lý "đường kính một chu vi ba". Câu này có nghĩa là độ dài của chu vi bằng khoảng 3 lần độ dài của đường kính. Nếu độ dài của đường kính là 1 thì chu vi của đường tròn sẽ là 3. Khi đó do nhu cầu sản xuất nhiều lúc phải đo đường kính của những vật thể hình trụ tròn như cây cối, ao hồ.. có lúc không thể trực tiếp dùng thước đo được. Bởi vì đo đường kính của cây thì phải xuyên qua tâm của thân cây, mà muốn đo đường kính của một cái ao thì về cơ bản là không có chiếc thước nào dài như vậy. Về sau người ta nghĩ tới cách dùng dây thừng để đo, sau đó dùng thước để đo từng đoạn một của dây thừng để có được kết quả. Tổ tiên của chúng ta đã dùng một biện pháp vô cùng đơn giản mà đầy tính khả thi, họ dùng một chiếc dây thừng vòng 1 vòng quanh vật thể, từ đó lập tức tính được đường kính của cây. Bởi vì độ dài mà dây thừng vòng một vòng quanh cây chính là độ dài của chu vi đường tròn; lấy độ dài chia cho 3, tính theo công thức "đường kính một chu vi ba" chính là độ dài của đường kính. Cách làm của người cổ đại xa xưa quả thực là rất thông minh. Ngày nay, chúng ta còn có nhiều cách hơn nữa để có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đo được đường kính của vật tròn. Ví dụ như trong công xưởng dùng các dựng cụ đo như thước kẹp, thước đo góc để đo được đường kính của vật thể tròn; đường kính của trái đất cũng có thể dùng cách chụp ảnh không gian để đo được. Cho nên con người càng ngày càng có nhiều cách để đo được đường kính vật thể tròn, hơn nữa kết quả đo được cũng ngày càng chính xác.