Chiếc giày đánh rơi của MỘT THƯƠNG GIA Tình yêu thương giữa con người với con người là vô cùng thiêng liêng, thể hiện sự gắn bó và sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Khi mà xã hội ngày càng phát triển, đôi khi chúng ta đã quên đi mất cái gọi là TÌNH NGƯỜI, dù chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất. Chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn một câu chuyện ngắn về sự chia sẻ trong cuộc sống. Niềm hạnh phúc đôi khi cũng có thể đến từ một hành động nhỏ.. Nếu bạn đang cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng, bạn hãy thử làm một việc gì có ý nghĩa và xứng đáng, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn. Nếu lâu nay bạn vẫn cảm thấy hoặc tự cho mình là một người bất hạnh trong cuộc sống, bạn hãy thử làm cho người khác hạnh phúc, bạn sẽ thấy được điều kỳ diệu xảy ra. Những thứ không còn lợi ích với mình đôi khi lại là niềm hạnh phúc vô bờ đối với người khác. Hãy trân trọng mọi thứ mình có và chia sẻ niềm hạnh phúc với mọi người. Khi giúp người khác hạnh phúc, bản thân chúng ta sẽ cảm thấy bình yên bởi điều tốt đẹp mà chúng ta đã làm. Người đàn ông vứt bỏ đôi giày Chuyến xe lửa đang chạy trên đường cao tốc, Gandhi không cẩn thận làm rơi một chiếc dép mới mua ra ngoài cửa sổ, mọi người chung quanh đều cảm thấy tiếc cho ông. Bất ngờ, ông liền ném ngay chiếc giày thứ hai ra ngoài cửa sổ đó. Hành động này của Gandhi khiến mọi người sửng sốt, thế là ông bèn từ tốn giải thích: "Chiếc giày này bất luận đắt đỏ như thế nào, đối với tôi mà nói nó đã không còn có ích gì nữa, nếu như có ai có thể nhặt được đôi giày, nói không chừng họ còn có thể mang vừa nó thì sao!" Bài học: Đối với nỗi thống khổ đã định sẵn là không thể vãn hồi, chi bằng hãy buông bỏ từ sớm. Thông tin: Mahatma Gandhi là nhà lãnh đạo, vị anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ, tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi, sinh ngày 2/10/1869 tại Porbandar, bang Gujarat, Ấn Độ. Từ cuối năm 1910, Gandhi là một trong những người tiên phong tìm đường lật đổ ách thống trị của thực dân dân Anh. Với triết lý đấu tranh "Bất bạo động", Gandhi và những người ủng hộ ông đã phát động nhiều cuộc biểu tình vào những năm 1930, 1940 và phải chịu tù đày không ít lần cho tới khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, trong đó nổi bật nhất là hành trình đi bộ liên quan tới muối kéo dài 24 ngày, tháng 3/1930. Ngày 30/1/1948, Gandhi đã bị sát hại ở New Delhi bởi một tay súng người Hindu cực đoan phản đối quan điểm đoàn kết giữa người Hồi giáo với người Hindu do ông đề xướng. Ngày 15/6/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày sinh của ông (2/10) hằng năm là Ngày Quốc tế Bất bạo động. Nhân dân Ấn Độ gọi ông bằng những tên gọi thể hiện tấm lòng tôn kính, trìu mến như: Babuji (Cha kính yêu), Mahatma Gandhi (Tâm hồn vĩ đại Gandhi), hay "the Father of the Nation" (Cha già dân tộc). Đến nay, hơn 70 quốc gia trên thế giới đã dựng tượng Gandhi và hơn 100 nước đã phát hành con tem có in hình của ông. Suy nghĩ của em về câu chuyện người đàn ông vứt bỏ đôi giày: Đây là một câu chuyện rất hay và bổ ích. Nó không chỉ dạy ta cách sống, cách làm người mà còn để lại một bài học nhân văn vô cùng sâu sắc. Ông lão trong câu chuyện, khi biết mình đã rơi mất một chiếc giày mới mua ra ngoài con tàu, ông ấy không những không buồn phiền mà còn vứt luôn chiếc còn lại. Hành động của ông ấy khiến mọi người ban đầu thật khó hiểu và sửng sốt. Nhưng sau khi được giải thích một cách tỉ mỉ, mọi người đã dần hiểu ra và thầm cảm phục tấm lòng nhân hậu của ông. Trong cuộc sống, thứ gì cho được ta hãy cứ cho đi, hãy biết san sẻ với mọi người để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Hãy biết yêu thương nhiều hơn. Trong thế giới bao la rộng lớn này, còn vô vàn những mảnh đời cơ nhỡ, thiếu thốn hơn ta rất nhiều. Hãy biết trân trọng, giúp đỡ người khác nhiều nhất khi có thể. Đừng ích kỉ, tham lam vô độ, cuộc đời có luật nhân quả. Giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình. Cho đi ta sẽ nhận được sự yêu thương, tin tưởng từ người khác và cũng là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của mỗi người trong cuộc sống.