Chia Sẻ Cách Đặt Tên Truyện Hay

Thảo luận trong 'Công Việc' bắt đầu bởi Thuỳ Chi, 11 Tháng năm 2019.

  1. Thuỳ Chi

    Thuỳ Chi Well-Known Member

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    387
    Đặt tên truyện là một vấn đề không hề dễ dàng đối với một số tác giả. Có rất nhiều cây bút, mặc dù đã hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết hoặc truyện ngắn rồi nhưng vẫn không biết phải đặt tựa ra sao cho phù hợp với chủ đề của truyện cũng như thu hút độc giả.

    Một số bạn "hiến kế" lấy tên nhân vật chính hoặc biểu tượng trung tâm nào đó ra để đặt cho tác phẩm. Một số bạn lại cho rằng nhan đề cũng giống như tên của một cô gái vậy, miễn truyện hay, miễn cô ấy xinh thì cô ấy có cái tên nào thì cô ấy cũng vẫn cứ xinh. Có thực sự là như vậy không nhỉ?

    1. Vai trò của nhan đề truyện

    Nhan đề truyện hiểu theo nghĩa chung nhất là sự khái quát tư tưởng, chủ đề tác phẩm, là "chìa khóa nghệ thuật" giúp người đọc hiểu được về nội dung của truyện.

    Nhà văn đặt tên truyện có thể trước khi bắt đầu tác phẩm, có khi là khâu cuối cùng khi tác phẩm đã hoàn thành xong xuôi. Lại có lúc nhan đề truyện nảy sinh bất ngờ trong lúc viết truyện, thường do tác giả tự đặt, nhưng cũng có khi lại do chính đồng nghiệp, bạn bè, độc giả gợi ý.

    Nhưng nhìn chung, nhan đề truyện có chức năng định hướng cách đọc, sự tiếp nhận của độc giả với tác phẩm. Nhan đề giống như một dạng mã của thông điệp thẩm mỹ, một mô hình nghệ thuật, sẽ cho độc giả biết trước: Tác phẩm viết về cái gì, có thể đọc nó hoặc nên đọc nó như thế nào.

    Vì thế, hãy cân nhắc trước khi đặt tựa đề cho tác phẩm, thường thì nhan đề truyện có ấn tượng khá lớn với độc giả, một phần sẽ quyết định họ có đọc truyện của bạn nữa hay không.

    2. Các cách đặt nhan đề cho tác phẩm

    Theo Phạm Tiến Duật, có ba cách đặt nhan đề cho tác phẩm:

    Cách thứ nhất là không đặt gì cả. Thường thì lúc này, tác giả sẽ đặt hai chữ "Vô đề" hoặc "Không đề" cho tác phẩm.

    Cách thứ hai là đặt đầu đề mà như không đặt. Nhan đề lúc này có cũng được mà không có cũng được.

    Cách thứ ba là cách đặt đầu đề gợi ý, gợi tình, gợi cảm, gợi cảnh. Cách đặt tựa đề thứ ba này yêu cầu tác giả đặt đầu đề không được "treo đầu dê bán thịt chó", cũng không nên quá nghèo nàn về tư tưởng, mà nên gây được hứng thú thẩm mỹ cho độc giả.

    Cách thứ ba là cách đặt đầu đề thường gặp nhất. Thời trung đại, công thức đặt tên truyện của người xưa thường sẽ là: Nội dung + thể loại, chẳng hạn: "Hoàng Lê nhất thống chí", "Tam quốc chí", "Thượng kinh ký sự", "Phủ biên tạp lục", v. V.

    Ngày nay, viết truyện cũng được xem là một ngành nghề kiếm được ra tiền, chứ không chỉ là những ghi chép tản mạn, những cảm xúc nhất thời như xưa nữa. Nên việc đặt đầu đề cho tác phẩm thường sẽ được tác giả chú ý nhiều hơn, nhằm để thu hút nhiều nhất lượng độc giả đọc tác phẩm. Công thức đặt đầu đề cho truyện hiện đại vì thế cũng phong phú và đa dạng hơn.

    3. Yêu cầu và gợi ý về cách đặt nhan đề cho tác phẩm

    A. Yêu cầu:

    Về độ dài:

    Nhan đề tác phẩm có thể gồm một từ hoặc nhiều từ.

    Nhan đề gồm một từ sẽ gây ấn tượng độc và khá mạnh, như "Lụa".

    Tuy nhiên, nhan đề cũng không nên quá dài, quá mười từ trở lên. Vì nhan đề dài sẽ gây khó khăn cho độc giả trong việc nhớ tên tác phẩm, và khi in thành sách, tựa đề quá dài sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ trong việc trình bày bìa của truyện.

    Theo các thống kê, hầu hết các tác phẩm nổi tiếng đều có tựa đề nằm trong khoảng 2-5 chữ: "Chí Phèo", "Phiên chợ Giát", "Trăm năm cô đơn", "Chiến tranh và hòa bình".. Đây được xem là khoảng dễ thuộc nhất nằm trong ngưỡng nhớ của độc giả.

    Về nội dung:

    Nhan đề nên hé lộ một chút, tạo sự tò mò về nội dung tư tưởng của tác phẩm. Nhan đề nên gây được hứng thú cho độc giả, có thể độc, lạ, nhưng tuyệt đối không được rời xa mạch truyện, không có một chút gì liên quan đến câu chuyện mà tác giả đã viết ra.

    B. Gợi ý về cách đặt nhan đề cho tác phẩm

    Các nhà văn có rất nhiều cách đặt nhan đề cho tác phẩm. Nhưng có một số khuynh hướng chính đặt tên cho tác phẩm như sau:

    Đối với tự truyện, nhan đề thường bộc lộ rõ cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư hoặc nhấn mạnh tiểu sử, sự trải nghiệm như: "Thời thơ ấu", "Kiếm sống", "Những trường đại học của tôi" (Gorki).

    Đối với các truyện không thuộc dòng tự truyện:

    Thường hay nhấn mạnh đến dòng ý thức, tức chú ý nhiều hơn đến bề sâu nội tâm, như: "Sống mòn", "Đi tìm thời gian đã mất";

    Thông báo nhân vật trung tâm của tác phẩm: "Chí Phèo", "Lão Hạc";

    Nêu lên một nhận xét, quan điểm nào đó của tác giả hay của nhân vật trong truyện: "Trẻ con không được ăn thịt chó", "Cái mặt không chơi được", "Đời là một cuộc chiến đấu", "Lít, người gác chắn can đảm";

    Hé mở một phần nội dung câu chuyện: "Số đỏ", "Ông tiên ăn mày", "Giấc mơ của bà nội", "Đứa con trở về";

    Nêu thời gian, không gian cụ thể: "Trăm năm cô đơn", "Phiên chợ Giát";

    Nêu tình huống, sắc điệu thẩm mỹ: "Vợ nhặt";

    Nêu sự kiện gặp gỡ: "Từ Thức gặp tiên";

    Giới thiệu địa vị, quyền tước, xuất xứ nhân vật: "Bá tước Monte Cristo";

    Là câu thành ngữ, ca dao hoặc luận đề nào đó: "Sống chết mặc bay", "Đôi mắt";

    Là câu hỏi, sự giả định: "Làm gì?";

    Là sự kết hợp của các ngôn ngữ khác nhau: "I am đàn bà", "Oẳn tà roằn".

    Ngoài ra, còn có muôn hình vạn trạng cách đặt nhan đề khác nhau, thể hiện phong cách riêng của từng tác giả.

    Đặt nhan đề hay sẽ tạo điểm nhấn cho tác phẩm, thu hút nhiều độc giả tiếp cận với tác phẩm hơn. Vì thế, các tác giả hãy tự lựa chọn cho mình những nhan đề hợp lý nhất cho các tác phẩm của mình nhé, và nhớ đón đọc các bài kỹ năng viết trong những kỳ tiếp theo.

    Nguồn: Tổng hợp
     

Chia sẻ trang này

Đang tải...