Hướng Dẫn Cách Viết Truyện Ngôn Tình Cổ Đại Việt Nam

Thảo luận trong 'Công Việc' bắt đầu bởi Zero, 6 Tháng mười hai 2019.

  1. Zero

    Zero Active Member Thành viên BQT

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    627
    "Kinh nghiệm" viết truyện cổ trang Việt

    Bài viết này dùng để hướng dẫn cách viết truyện cổ trang Việt. Nhưng nội dung xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của tôi, nên có thể phù hợp với bạn, hoặc không. Tôi chưa có khả năng nâng kinh nghiệm riêng tư của mình lên tầm phổ quát, nên kinh nghiệm này còn nhiều thiếu sót, có thể đúng, hoặc không. Nếu bạn không thể áp dụng được nó, tôi đành cáo lỗi vậy.

    Truyện cổ trang Việt mà tôi đề cập ở đây, chỉ bao gồm những truyện sử dụng bối cảnh văn hóa Việt Nam.

    I. Tìm kiếm tư liệu

    Viết một truyện cổ trang Việt, thậm chí là truyện hiện đại Việt, đối với tôi giống như làm một tiểu luận khoa học kết thúc môn, nghĩa là phải tìm tư liệu. Không nên viết những thứ mà mình không biết. Vì đó là sự cẩu thả, thiếu tôn trọng đối với tác phẩm mình tạo ra, bản thân mình và người đọc. Nếu không hiểu sâu sắc về điều định viết, cũng phải hiểu một cách tương đối.

    1. Loại hình tư liệu

    – Tư liệu thành văn: Bao gồm các loại sách, báo, tạp chí, hoành phi, câu đối, thiếp, sắc chỉ, mộc bản, văn bia..

    – Tư liệu nghe nhìn: Bao gồm tranh ảnh, phim tư liệu, phim truyện, tin vắn trên đài phát thanh truyền hình, internet..

    – Tư liệu thực tế: Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn được lưu giữ cho đến ngày nay như đình, chùa, miếu, lăng tẩm, cung điện.. chèo, tuồng, cải lương, quan họ, cồng chiêng..

    Trong 3 loại tư liệu này, tư liệu thành văn và tư liệu nghe nhìn dễ tiếp cận hơn tư liệu thực tế. Mỗi loại tư liệu đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng, tốt nhất là kết hợp cả 3 loại nếu có điều kiện.

    2. Nội dung tư liệu

    Bởi vì bài viết trước Phần 2 đã nêu định nghĩa, định vị về văn hóa Việt Nam. Cho nên, bài viết này sẽ đi thẳng vào những thành phần văn hóa Việt. Dựa vào hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần tổng quát này, bạn có thể tìm tư liệu mà không sợ bỏ sót. Tùy vào nội dung truyện mà lựa chọn thành phần văn hóa cần tìm hiểu.

    Trước khi tìm kiếm tư liệu, phải định vị được chủ thể – không gian – thời gian trong truyện. Tất nhiên, trong quá trình viết truyện, 3 yếu tố này có thể mở rộng, tùy theo diễn biến của nội dung truyện. 3 yếu tố càng rộng, yêu cầu tư liệu càng nhiều.

    Ví dụ :(1) Chủ thể: Người Kinh, cụ thể là tầng lớp quý tộc (2) Thời gian: Giai đoạn văn hóa Đại Việt, cụ thể là thời Lý (3) Không gian: Vùng văn hóa Bắc bộ, cụ thể là Thăng Long.

    Nếu không có tiền mua sách hãy đến thư viện, không thể đi khắp mọi miền đất nước hãy đến bảo tàng. Tư liệu lấy từ mạng internet phải được chọn lựa cẩn thận, wiki chỉ để tham khảo những gì cơ bản nhất chứ không phải là tư liệu đáng tin cậy nhất

    Đầu tiên là đọc những bộ sách sử của Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Quốc Triều chính biên toát yếu, Việt Nam sử lược.. Sau đó là đọc chuyên sâu lịch sử từng giai đoạn, nhân vật.

    Đọc những cuốn sách văn hóa cơ bản: Tiến trình văn hóa Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XIX, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Cơ sở văn hóa Việt Nam.. Sau đó tìm hiểu từng thành phần cụ thể của văn hóa Việt qua các tài liệu chuyên sâu khác.

    Nếu viết thể loại thần tiên huyền ảo nên đọc những sách này trước: Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Nam hải dị nhân, Truyền kỳ mạn lục, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.. Các sách về tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam.. Đặc biệt nên tìm hiểu tín ngưỡng, thần thoại, sử thi, truyền thuyết.. của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

    2.1. Văn hóa nhận thức

    + Nhận thức về vũ trụ :(1) Tư tưởng xuất phát về bản chất của vũ trụ: Triết lý Âm Dương, Tứ tượng (2) Cấu trúc không gian của vũ trụ: Mô hình Tam tài – Ngũ hành – Bát quái (3) Triết lý về thời gian của vũ trụ: Lịch Âm Dương, hệ Can Chi

    + Nhận thức về con người: Tâm lý, diện mạo, tính cách

    2.2. Văn hóa tổ chức

    + Văn hóa tổ chức đời sống tập thể:

    – Tổ chức nông thôn :(1) Theo huyết thống: Gia đình và gia tộc (2) Theo địa bàn cư trú: Xóm và làng (3) Theo nghề nghiệp và sở thích: Phường và Hội (3) Theo truyền thống nam giới: Giáp (4) Theo đơn vị hành chính: Thôn và xã

    – Tổ chức quốc gia :(1) Địa lý hành chính (2) Bộ máy quan lại (3) Hệ thống pháp luật (4) Chế độ khoa cử (5) Quân sự

    – Tổ chức đô thị

    + Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân:

    – Tín ngưỡng :(1) Tín ngưỡng phồn thực (2) Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên: Tam phủ tứ phủ, linh thú, linh vật.. (3) Tín ngưỡng sùng bái con người: Thờ cúng tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc, các vị nhân thần và nhiên thần..

    – Tôn giáo: Nho giáo, Phật giáo, Đạo Giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo

    – Phong tục :(1) Hôn nhân (2) Tang ma (3) Lễ tết truyền thống (4) Nghi lễ quốc gia

    – Nghệ thuật ngôn từ :(1) Ngôn ngữ và cách thức giao tiếp (2) Văn chương

    – Nghệ thuật thanh sắc và hình khối: Âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu, hoa kiểng, trò chơi

    2.3. Văn hóa ứng xử

    + Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên: Ẩm thực, trang phục, giao thông, kiến trúc

    + Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội:

    (1) Sĩ gồm các nghề Nho (thầy đồ, thư sinh) Y (thầy thuốc) Lý (thầy địa lý) Số (thầy bói)

    (2) Nông gồm các nghề ngư (đánh bắt cá) tiều (đốn củi, đốt than) canh (trồng trọt) mục (chăn nuôi)

    (3) Công gồm các nghề thủ công truyền thống như đúc đồng, rèn dao, đồ gốm, dệt vải, in khắc, đan mây tre..

    (4) Thương nghề buôn bán, lớn và nhỏ

    (5) Những nghề hèn hạ gồm có con hát, kỹ nữ, đòi nợ, làm mõ, đi hầu, trộm cắp.

    II. Sử dụng tư liệu

    Phần này, tôi chỉ nêu những điều quan trọng cần chú ý, không phải là tất cả đối với việc viết truyện cổ trang Việt. Bởi vì tôi mặc định bạn đã đọc Craft Of Writing – Nghệ thuật viết của Kal Kally. Văn hóa Việt Nam so với Trung Hoa là kiểu "đại đồng tiểu dị" cho nên hãy cố gắng tìm những nét "tiểu dị" về văn hóa để viết.

    1. Ngoài lề

    + Thể loại truyện đã được quy định bởi một hệ thống thuật ngữ chuẩn mực. Nếu ai chưa đọc thì hãy đọc Fiction/Fan Fiction: Glossary & References và The world of fan fiction của Kal Kally. Từ khi trào lưu đam mỹ ngôn tình xuất hiện, một dạng giới thiệu khác được hình thành với các từ mới như: Văn án, tiết tử, huyền huyễn, ngôn tình, đam mỹ, cường thủ hào đoạt, trọng/trùng sinh, dị giới, xuyên không, xuyên việt, tu tiên, cung đấu..

    Có thể nói, chỉ cần nhìn vào phần giới thiệu sẽ nhận ra tác giả bị ảnh hưởng bởi trào lưu văn học nào. Thông thường, hệ thống thể loại fiction sẽ gây thiện cảm nhiều hơn hệ thống từ mới. Vì sao? Vì những từ mới thường là thuần túy phiên âm chữ Hán, vì sự định kiến của người đọc với đam mỹ ngôn tình xuất phát từ vấn đề "thuần Việt"

    Như vậy, để tránh ác cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên, có 2 lựa chọn (1) Sử dụng hệ thống thể loại của fiction bằng tiếng Anh mang tính phổ quát gần như toàn cầu (2) Tự tạo hệ thống thể loại của bạn bằng cách dịch những từ chỉ thể loại của fiction ra tiếng Việt, chuyển từ "thuần túy phiên âm chữ Hán" sang tiếng Việt.

    Ví dụ: Supernatural = siêu nhiên, horror = kinh dị, xuyên không = vượt thời gian, cung đấu = cung đình, văn án = giới thiệu, huyền huyễn = huyền ảo/ huyền bí/ kỳ bí..

    Nếu truyện của bạn thật sự được viết theo kiểu truyện Trung Quốc thì bạn hoàn toàn được quyền ghi thể loại với hệ thống như của truyện Trung Quốc, và hãy cảnh báo người đọc đừng xem xét truyện của bạn bằng văn hóa Việt Nam. Nhưng điều này sẽ không được chấp nhận với thể loại truyện mà nguyên tác là nhân vật Việt Nam như: Sơn Tinh, Thủy Tinh, Lưu Bình, Dương Lễ, Tiên Dung, Chữ Đồng Tử..

    + Tên truyện cổ trang có thể dùng từ thuần Việt, nhưng người viết có xu hướng dùng từ Hán Việt nhiều hơn, vì có cảm giác cổ kính và trang trọng hơn; có thể dùng một câu phiên âm chữ Hán, nhưng câu này phải đóng một vai trò quan trọng nhất định trong truyện.

    Ví dụ: Tên truyện là "Đình tiền tạc dạ nhất chi mai", thì nội dung truyện phải có hoa mai xuất hiện xuyên suốt hoặc những đoạn quan trọng, câu thơ mang ý nghĩa hẹn ước giữa các nhân vật chính, nhành mai duy nhất được họ tặng nhau..

    + Khuyến khích thêm những chú thích nho nhỏ về văn hóa Việt, tư liệu tham khảo ở cuối chương truyện, vì điều đó thể hiện sự đầu tư một cách nghiêm túc tử tế của bạn cho truyện, nâng cao giá trị truyện và gây thiện cảm.

    2. Văn phong

    + Tuyệt đối không sử dụng từ thuần túy phiên âm chữ Hán. Để biết từ nào là thuần túy phiên âm, từ nào là Hán Việt có trong tiếng Việt, hãy tra từ điển cẩn thận. Tra Từ điển tiếng Việt chứ không phải Tự điển Hán Việt, vì "từ" và "tự" khác nhau, tự điển Hán Việt chỉ dùng nghiên cứu tra từ nguyên gốc. Trong tiếng việt có từ đơn và từ ghép. Việc bạn ghép hai từ đơn có nghĩa, chưa hẳn tạo ra từ ghép có nghĩa được công nhận trong tiếng Việt.

    Ví du: Kinh diễm, ôn nhu, băng lãnh, âm trầm, lãnh khốc.. những từ này tính ra khá hay, thậm chí không có từ mang nghĩa tương đương thay thế trong tiếng Việt. Nhưng chúng chưa được công nhận trong tiếng Việt. Khi nào được, hẳn tính.

    Chú ý sử dụng cấu trúc câu đúng ngữ pháp tiếng Việt. Để làm điều này phải đọc sách ngữ pháp tiếng Việt, đọc nhiều tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.

    Ví dụ: 2 câu cùng nói về 1 việc, nhưng sử dụng cấu trúc và từ ngữ khác nhau, câu nào Việt Nam hơn?

    "Như thế nào không thể cứu sống hắn?" – "Tại sao không thể cứu sống hắn?"

    "Tôi hơn ai hết chính là đang dùng sức mình" – "Tôi đang dùng chính sức mình hơn bất cứ ai"

    + Xưng hô trong truyện giữa các nhân vật dựa vào nhân vật đó thuộc tầng lớp nào của xã hội, thuộc thời đại nào, với đối tượng nào. Các sách sử đều dùng chữ Hán, cho nên tạm thời sử dụng kiểu xưng hô từ thời Nguyễn về sau.

    Sử dụng các từ Hán Việt như đại nhân, lão gia, phu nhân, tiểu thư, thiếu gia, công tử, cô nương, mẫu thân, phụ thân, huynh đệ tỷ muội.. cho các gia đình phú quý, tuy có thể chấp nhận ở một chừng mực nhất định, nhưng bạn sẽ vô cùng vất vả để tạo không khí cổ trang Việt bằng những chi tiết khác.

    Ví dụ: Chi tiết trao đổi giữa cô chủ và người làm trong nhà, sử dụng cách nào là lựa chọn của bạn

    "Lão Lý, phụ thân của ta đâu?" – "Thưa tiểu thư, đại nhân vừa sang nhà Phương lão gia"

    "Bác Lý, cha của ta đâu?" – "Dạ bẩm cô, quan lớn vừa sang nhà cụ Phương"

    Việc sử dụng đại từ xưng hô tôi hay ta không có sự bắt buộc. Tạo sự cách biệt thân phận lớn sử dụng ta, tạo sự bình đẳng hơn dùng tôi, còn vua chúa chỉ là ta, trẫm. Hạn chế dùng ta – ngươi, trừ khi tỏ thái độ khinh miệt, trịch thượng.

    + Văn thơ trong truyện phải phù hợp với không gian, thời gian và chủ thể đã định vị. Nếu viết lịch sử hay dã sử Việt thì vấn đề này càng khắc khe hơn. Không thể dùng thơ có thời gian ra đời ở giai đoạn văn hóa sau, để đặt vào một truyện thuộc giai đoạn văn hóa trước. Nếu là thơ bạn sáng tác, hoặc cốt truyện được viết theo kiểu "tự tạo thế giới riêng" không phải chú ý vấn đề này. Khuyến khích sử dụng thơ lục bát, song thất lục bát, cao dao, đồng dao..

    Ví du: Định vị thời gian của truyện là Giai đoạn văn hóa Văn Lang – Âu Lạc. Thơ bạn cho vào truyện là: "Nhân diện bất tri hà xứ khứ. Đào hoa y cựu tiếu đông phong". Bạn cảm thấy có hợp lý không?

    3. Nhân vật

    Xây dựng nhân vật gồm các yếu tố: Lý lịch, xuất thân, tính cách, ngoại hình.. Tầng lớp quan lại quý tộc Nho học tiếp thu văn hóa Trung Hoa nhiều hơn bình dân.

    + Ngoại hình nhân vật là một điểm để thể hiện trang phục Việt, một yếu "tiểu dị" thuộc văn hóa vật chất không nên bỏ qua, như việc nhuộm răng, ăn trầu, xăm mình.. Mỗi giai đoạn văn hóa Việt đều có đặc điểm trang phục riêng, các tầng lớp trong xã hội trang phục cũng khác, nghiên cứu để không nhầm lẫn. Trong đó, lớp văn hóa bản địa có trang phục khác hơn hắn.

    Ví dụ: Trang phục giai đoạn văn hóa Văn Lang – Âu Lạc dùng thổ cẩm như các dân tộc miền núi chứ không phải vải lụa tơ tằm, kiểu cách cũng khác. Trang phục của người Mường có thể dùng làm hình mẫu, hoặc theo những thiết kế kiểu fantasy như Vài hình ảnh trang phục theo phong cách Đông Sơn

    + Từng nhân vật chính, kế chính và phụ đều phải được xây dựng và định hình rõ ràng. Bạn có quyền tạo ra nhân vật chính toàn năng, nhưng các nhân vật khác cũng phải toàn năng không kém. Tuyệt đối không xây dựng kiểu nhân vật bị ác cảm như Mary Sue hay Harry Stup; Kiểu nhân vật nữ/nam chính trong sáng thánh thiện, người gặp người yêu, hoa gặp hoa nở; Kiểu nhân vật nữ/nam chính ngu ngơ mà luôn gặp may mắn, ngoài một dàn nam/nữ chính phụ yêu thì người nào cũng ghét..

    + Nói đến nhân vật, không thể bỏ qua tính cách của người Việt thể hiện trong nhân vật đó. Những đức tính như Trung – Hiếu – Tiết – Nghĩa.. là hình mẫu cổ điển xuyên suốt văn học Việt, kiểu nổi loạn trong một chừng mực cũng được chấp nhận. Tôi không khuyến khích các bạn viết kiểu tuyên huấn, nhân vật một bề thiện hoặc ác. Các nhân vật phải hợp lý khi xét bằng phương diện tâm lý con người.

    Ví dụ: Nữ chính ở hiện tại con nhà bình thường, thậm chí tiểu thư đài các được cưng chiều, vượt thời gian về quá khứ giết người không chớp mắt, điều binh khiển tướng đánh đâu thắng đó.. Nếu muốn cho nữ chính được như vậỵ, hãy xây dựng lại xuất thân của cô ấy là đã từng giết người như trộm cướp khét tiếng, phục vụ quân đội thâm niên, tham gia thực chiến, cảnh sát hình sự.. Hoặc xây dựng một quá trình nữ chính bị đày ải thê thảm, bị đẩy vào đường cùng, bị tước bỏ nhân tính.. trước khi trở thành như vậy. Bạn đừng quên, cảnh sát quân nhân giết người lần đầu tiên đôi khi phải điều trị tâm lý, nói chi người bình thường, trừ khi nhân vật của bạn là thái nhân cách bẩm sinh, mà thái nhân cách thì không biết yêu thương bất cứ ai, tức là không có lương tâm và độc ác toàn tập.

    + Tuyệt đối không xây dựng kiểu nhân vật tôn thờ tình yêu như thần thánh, bỏ qua các loại tình cảm khác như tình thân, tình bạn, tình yêu quê hương đất nước.. Nếu có chuyện giành giật trong tình yêu mà bất chấp thủ đoạn, phải đưa thêm nguyên nhân lợi ích nào đó khác, thể hiện được bộ mặt xã hội.

    Ví dụ: Truyện dã sử viết về Trần Thủ Độ. Bạn có thể diễn tả Trần Thủ Độ bất chấp mọi thứ vì Trần Thị Dung, nhưng nguyên nhân giành lợi ích quyền lực cho họ Trần phải được đề cao, cùng với nguyên nhân Đại Việt loạn lạc vì triều Lý sa sút nên cần một dòng họ thống trị khác tài năng hơn bảo vệ đất nước..

    3. Cốt truyện

    Những tình tiết của truyện phải được triển khai phù hợp với tính cách nhân vật. Có thể dựa vào thể loại để phân biệt 3 kiểu truyện như sau: Lịch sử và dã sử, cổ trang dựa vào sử nhưng được biến tấu, cổ trang tự sáng tạo.

    3.1. Lịch sử và dã sử

    + Đối với truyện lịch sử phải đảm bảo tính chân thực, độ chính xác của truyện lịch sử cao hơn dã sử rất nhiều, tức là phạm vi mà bạn có thể "xuyên tạc chém gió" sẽ vô cùng hẹp, thậm chí bạn không được thêm bất cứ một nhân vật nào không có trong sử chính thống, những yếu tố huyền ảo, siêu nhiên, thần kỳ.. đều bị loại bỏ. Cho nên, khuyến khích viết truyện dã sử.

    Nếu viết truyện về bất cứ nhân vật nào có thật trong lịch sử Việt Nam, nội dung những bộ sử bạn đã đọc sẽ được đưa vào đây. Bởi vì sử sách ghi chép về một triều đại có rất nhiều sự kiện, nên bạn phải lựa chọn những chi tiết chính để không làm truyện bị loãng. Ngoài nhân vật có thật trong lịch sử, truyện dã sử sẽ có những nhân vật được thêm vào để làm nội dung truyện hấp dẫn hơn

    Ví dụ: Viết về Lý Chiêu Hoàng, nếu như bạn là fan của cặp đôi Trần Cảnh – Phật Kim, không chịu được cái kết như lịch sử, có thể thêm một nhân vật khác có ngoại hình như Phật Kim, được Trần Cảnh gả cho Lê Tần.

    + Đối với truyện dã sử thuộc lớp văn hóa bản địa, đặc biệt là giai đoạn Văn Lang – Âu Lạc, vì sử liệu còn nhiều khiếm khuyết nên việc "chém gió" là không thể tránh khỏi. Viết về thời này vừa dễ vừa khó? Dễ vì có hơn hai ngàn năm để bạn chém. Khó vì phải tự xây dựng cốt truyện, tư liệu văn hóa không chuẩn xác nhưng rất nhiều và cần chọn lọc cẩn thận. Cho nên, đối với giai đoạn này, khuyến khích viết theo kiểu huyền ảo, phép thuật, thần linh..

    + Bởi vì kiểu truyện dã sử tương đối nhạy cảm, cho nên phải đặc biệt chú ý, đối với những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử dân tộc, như các vị vua nổi tiếng, những vị tướng tài, những anh hùng có công với đất nước.. bạn không nên "xuyên tạc" quá nhiều.

    3.2. Dựa vào lịch sử nhưng được biến tấu

    Bạn có thể mượn những tình tiết, nhân vật, địa danh trong lịch sử văn hóa của Việt Nam nhưng nhớ đổi tên và biến tấu cho phù hợp với thế giới mà bạn xây dựng. Làm như vậy bạn đỡ phải suy nghĩ nát óc, cũng không sợ các cụ về vặn cổ. Việc vừa đọc truyện vừa tự hỏi hình mẫu nguyên gốc của nhân vật trong truyện là ai cũng rất thú vị.

    Ví dụ: Nguyễn Xuân Hương, một thiếu nữ tài hoa chốn kinh thành, là con gái quan Gián nghị đại phu Nguyễn Trung. Nàng từng làm thơ đề đền một tướng giặc rằng "Ví đây đổi phận làm trai được. Thì sự anh hùng há bấy nhiêu". Năm 23 tuổi, được Quan gia phong chức Lễ nghi học sĩ tự do ra vào cung cấm, dạy dỗ cung nữ. Ba năm sau, nàng tiến cung với tước hiệu Ỷ Đào Nguyên phi. Vì lần đầu tiên Quan gia gặp nàng, Xuân Hương đứng tựa vào gốc cây đào. Khi Quan gia băng hà, thái tử là con trai nàng mới 10 tuổi lên ngôi, nàng buông rèm nhiếp chính, đưa đất nước vượt qua 2 lần xâm lược của quân Nguyên.

    Đối với cốt truyện này cũng có thể viết theo kiểu Parody kết hợp với Out of character những nhân vật trong lịch sử hoặc trong nguyên tác của một tác phẩm văn học khác. Bạn đưa tất cả những nhân vật đó vào trong một truyện, giữ nguyên tên họ và thân phận hoặc thay đổi ít nhiều cho phù hợp nội dung truyện. Nhưng phải chú ý cảnh báo trước cho người đọc, cũng như phải biết giới hạn của việc bôi bác hoặc gây cười, đừng làm truyện trở nên lố bịch và phản cảm, đặc biệt với những nhân vật có vai trò lớn trong lịch sử Việt Nam, những khuôn mẫu đã trở thành kinh điển.

    Ví dụ: Trường Mộng của Lạc Ngân Thiên có yếu tố Parody và Cross-over một vài nhân vật lịch sử như Hồ Nguyên Trừng, Chiêu Thánh, Trần Cảnh.. Thanh của Nguyễn Dương Quỳnh có yếu tố Parody nhân vật Kim Trọng và Thúy Vân của Truyện Kiều.

    3.3. Hoàn toàn tự sáng tạo

    + Tạo ra thế giới của riêng mình, không thuộc bất cứ không gian văn hóa, thời gian văn hóa nào của Việt Nam. Thời gian truyện có thể cho ở tương lai, bối cảnh truyện ở một chiều không gian khác.. Với cách làm này, bạn không cần phải sợ những nét văn hóa Việt Nam sai niên đại, không sợ xuyên tạc lịch sử Việt một cách phi lý.. Nhưng khó khăn là xây dựng truyện làm sao để người ta thấy văn hóa Việt, chứ không phải văn hóa Trung Hoa, hay quốc gia nào khác.

    Nói chung, với kiểu viết này bạn hoàn toàn tự do về mặt tư tưởng và sáng tạo. Nhưng phải đảm bảo sự hợp lý, hoàn chỉnh và thống nhất của toàn bộ câu chuyện, nếu không sẽ tạo ra một sản phẩm thất bại.

    Ví dụ: Nội dung của những tuồng tích cổ như Lưu Bình Dương Lễ, Thoại Khanh Châu Tuấn, Phạm Công Cúc Hoa.. đều là kiểu được sáng tạo hoàn toàn.

    + Những truyện ngôn tình đam mỹ cổ trang mà các bạn đọc hiện giờ phần lớn được viết theo kiểu này. Những truyện đó chỉ thể hiện một phần rất nhỏ của văn hóa Trung Hoa, là kiểu văn hóa đại chúng pha tạp không có hệ thống, chuyên sâu và chính xác. Đọc giải trí bình thường thì hoàn toàn có thể, nhưng xin đừng xem ngôn tình đam mỹ là tinh hoa đỉnh cao của văn hóa Trung Hoa, hoặc dựa vào truyện đó để hiểu về văn hóa Trung Hoa.

    4. Bối cảnh

    Tạo không khí cổ trang cho truyện là một điều khó, tạo không khí cổ trang Việt lại càng khó hơn. Khá nhiều tác giả chỉ chú ý đến nhân vật và cốt truyện mà bỏ qua hoặc xem nhẹ phần bối cảnh, làm cho nét Việt của truyện vô cùng mờ nhạt.

    + Dựa vào cốt truyện để xây dựng bối cảnh phủ hợp. Có thể chia ra bối cảnh chung và bối cảnh riêng.

    (1) Bối cảnh chung thuộc phần định vị chủ thể – thời gian – không gian của truyện. Dựa vào phần định vị này, tìm hiểu sơ lược toàn bộ nền văn hóa Việt Nam thuộc giai đoạn mà bạn định viết

    Ví dụ: Chủ thể: Người Kinh, thương nhân, Thời gian: Văn hóa Đại Nam, thời Nguyễn, Không gian: Miền Nam, vùng Gia Định. Tức là, bạn phải tìm hiểu sơ lược toàn bộ nền văn hóa Việt Nam theo định vị chủ thể – thời gian – không gian như trên, bao gồm tất các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần như cấu trúc ở phần 2. Nội dung tư liệu.

    (2) Bối cảnh riêng dựa vào từng nhân vật và tình tiết cụ thể của truyện để tìm kiếm tư liệu chuyên sâu.

    Ví dụ: Tô Châu là thương nhân buôn tơ lụa ở thành Gia Định. Chàng yêu một cô đào hát nên không được mẹ chấp thuận vì cho rằng nàng là thân gái "xướng ca vô loài".. Như vậy, tư liệu cần tìm hiểu là cuộc sống, nghề kinh doanh ở thành Gia Định, nghề kinh doanh, nghề trồng dâu nuôi tằm, các loại tơ lụa, nghệ thuật hát tuồng..

    + Với phần này văn miêu tả sẽ giữ vai trò quan trọng vô cùng. Tả nhiều sẽ thành liệt kê khô khan, phô diễn kiến thức; tả ít không làm nổi bật được bối cảnh Việt. Thường xuyên luyện tập bằng việc đọc và viết là cách duy nhất để làm tốt việc này.

    Thông thường thì việc xây dựng bối cảnh giống như vẽ một bức tranh, đầu tiên là phác thảo những nét cơ bản, sau đó tùy theo tình tiết truyện mà đi sau vào nét văn hóa quan trọng. Nên chọn những biểu tượng thường là đại diện điển hình cho văn hóa Việt Nam.

    Ví dụ: Viết về làng quê Việt Nam có những đặc trưng như lũy tre, cây đa, cây gạo, cổng làng, ao làng, giếng làng, bến nước.. nhà của người Việt như nhà rường ở Huế, nhà 3-5-7 gian và 2 chái, mái đình đài lầu các đều vút cong..

    + Quan điểm thông thường là Việt thì phải giản dị mộc mạc, nhưng điều này không chính xác. Vì xã hội nào cũng có nhiều giai tầng, tạm chia ra là giàu và nghèo. Như vậy, tùy vào xuất thân của các nhân vật mà miêu tả bối cảnh cho phù hợp.

    – Quý tộc, người giàu bạn có quyền tả theo kiểu lộng lẫy, mỹ lệ, lung linh, hào nhoáng, xa hoa

    – Thường dân, người nghèo thì đơn sơ, bình dị, nhưng cũng không nên nghèo rớt mồng tơi, trừ khi xuất thân nhân vật và nội dung truyện đòi hỏi như vậy.

    + Nói riêng về bối văn hóa thời Hùng Vương Đông Sơn, trước nay chúng ta đều nghe tổ tiên mình đóng khổ cởi trần, mặc váy áo chui đầu. Bản thân tôi sẽ không viết theo kiểu đó. Viết về thời đại thiếu tư liệu như thế là tôi đã chấp nhận sai lầm. Và tôi chọn sai khi xây dựng một bối cảnh hoành tráng, bi hùng và mỹ lệ.

    Tóm lại, để làm tốt việc xây dựng bối cảnh thì bạn phải nắm chắc về tư liệu văn hóa.

    III. Cách "ném đá" và "né đá"

    Điều kiện tiên quyết để đọc phần này là đọc trước bài viết Nghệ thuật phản hồi của Kal Kally, bài viết này rất chi tiết về các kiểu bình luận của người đọc và cách phản hồi của người viết để không gây ra những cuộc chiến luẩn quẩn vô nghĩa, những thứ tiêu tốn thời gian đôi bên.

    Ở đây, tôi chỉ nêu một vài điều cần chú ý khi người đọc bình luận một truyện cổ trang Việt, và cách người viết phòng tránh gạch đá.

    1. Cách "ném đá"

    Các bình luận này là đi từ góc độ văn hóa Việt. Có thể nói vui là "nghệ thuật vị văn hóa", chứ không phải kiểu "nghệ thuật vị nghệ thuật" hoặc "nghệ thuật vị nhân sinh". Bởi vì đánh giá một truyện có nhiều góc độ, nhiều lý thuyết khoa học của các ngành khác nhau, ví dụ như tâm lý, xã hội, nhân học, lịch sử, ngôn ngữ..

    – Xác định truyện có phải là "rác phẩm" hay không, dựa vào bài viết Phần 1: "Rác phẩm" dưới góc nhìn văn hóa. Tiếp tục xác định tính Việt của truyện, dựa vào bài viết Phần 2: Truyện "thuần Việt" là như thế nào, và Phần 3: "Kinh nghiệm" viết truyện cổ trang Việt

    – Tuyệt đối không dùng chữ "thuần Việt" chung chung để đánh giá, phải nêu được truyện sai ở chỗ nào: Văn phong, nhân vật, tình tiết, bối cảnh. Chỉ rõ cho tác giả, như vậy mới thuyết phục được người khác.

    – Đề xuất cách khắc phục dựa vào những lỗi sai, nếu bạn có khả năng.

    Quan điểm của tôi đối với bình luận là giúp đỡ người viết nhận ra cái sai, viết được một truyện Việt thành công, chứ không phải chửi cho sướng miệng, thể hiện cái tôi giỏi giang của mình.

    Cần phân biệt việc bình luận bằng "lý trí khách quan" và bình luận bằng "tình cảm chủ quan" như được nói đến ở Phần 4 Vấn đề review và văn phong ngôn tình

    2. Cách "né đá"

    + Cảnh báo có quyền năng tuyệt đối, nghĩa là nếu bạn không muốn bị đánh giá là "rác phẩm" hoặc "không phải truyện cổ trang Việt" chỉ cần nêu cảnh báo ở phần giới thiệu truyện. Bạn sẽ không bao giờ nhận gạch đá, còn kẻ nào ném đá bạn, chỉ cần dùng cảnh báo để phản hồi.

    Ví dụ: Tôi viết vì sở thích, không cần bình luận đánh giá chất lượng hay không; Đừng đem vấn đề truyện cổ trang Việt để đánh giá truyện của tôi; Đây là truyện ngôn tình chứ không phải truyện cổ trang Việt; Đừng xem xét truyện của tôi bằng góc nhìn văn hóa Việt Nam..

    Nhược điểm của cách làm này là khả năng viết của bạn sẽ rất khó, thậm chí không bao giờ tiến bộ. Truyện của bạn sẽ được gọi là lai căng, pha trộn mà trở thành lố lăng. Và nhìn theo cách nào đó, bạn đang sỉ nhục truyện mình viết.

    Ngoài ra, cảnh báo cũng có tác dụng khác, chính là giúp cho người đọc không ghét bạn. Nếu như bạn cho chuyện tình tay ba tay tư, nhân vật chính chết, kết thúc bi kịch, tình yêu nam nam hoặc nữ nữ.. thì hãy cảnh báo trước. Điều này sẽ không khiến bất cứ ai tốn thời gian.

    Nếu bạn sử dụng một nền văn hóa khác để viết truyện, ví dụ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hy La, Ai Cập, Bắc Âu, Nam Mỹ, Lưỡng Hà, Anh, Pháp.. thì hãy ghi cảnh báo rõ ràng. Khi đó, truyện của bạn sẽ được xem xét bằng nền văn hóa của quốc gia, khu vực mà bạn đã chọn, chứ không phải bằng văn hóa Việt Nam.

    Ví dụ: Legend of Porasitus của Thảo Dương, Helel và Hộp cát giữa thiên hà của Nguyễn Dương Quỳnh sử dụng văn hóa phương Tây, nhưng đều là những truyện chất lượng.

    + Tạo ra thế giới của riêng mình, viết truyện theo kiểu 3.2. Dựa vào lịch sử nhưng được biến tấu, hoặc 3.3. Hoàn toàn tự sáng tạo. Như đã nói là 2 kiểu viết này vừa dễ vừa khó. Dễ vì khó dùng văn hóa Việt chính thống để ném đá bạn. Khó vì dễ trở thành một thứ tạp nham, nửa nạc nửa mỡ nếu truyện không xây dựng được bối cảnh văn hóa Việt.

    Và kiểu viết Parody, Cross-over kết hợp với Out of character rất dễ khiến những độc giả nhạy cảm quay lưng với bạn, nếu hình tượng nhân vật mà họ yêu thích bị bạn xuyên tạc quá đáng.

    Ví dụ: Nguyễn Trãi là một nhà tư tưởng lớn của dân tộc, được ca ngợi về đức và tài, nhưng bạn lại xây dựng Nguyễn Trãi thành một kẻ tham quan, lộng quyền, háo sắc, đê tiện, mưu đồ soán ngôi..

    Tác giả: Bạch Tử
     
Đang tải...