Nguyện Đổi Cả Thanh Xuân Để Lấy Hạt Hồng Đậu Hồng Đậu Sinh Nam Quốc Hán Việt: Hồng đậu sinh nam quốc Thị ngận diêu viễn đích sự tình. Tương tư toán thập yêu, Tảo vô nhân tại ý. Túy ngọa bất dạ thành, Xử xử nghê hồng. Tửu bôi trung hảo nhất phiến lạm lạm phong tình. Tối khẳng vong khước cổ nhân thi, Tối bất tiết nhất cố thị tương tư. Thủ trứ ái phạ nhân tiếu, Hoàn phạ nhân khán thanh. Xuân hựu lai khán hồng đậu khai, Cánh bất kiến hữu tình nhân khứ thải, Yên hoa ủng trứ phong lưu chân tình bất tại. Dịch thể lục bát: Đậu hồng sinh ở nước nam, Chuyện xưa kể lại mấy lần chửa thông. Hỏi tương tư có gì không, Từ lâu đã chẳng bận lòng chút chi. Ta say giữa phố cuồng si, Tình say men rượu tràn ly phong tình. Thơ xưa quên hết làm thinh, Tương tư tủi hổ riêng mình đắng cay. Dám đâu nhân thế tỏ bày, Sợ người thấu tỏ, sợ đời cười chê. Sang xuân, mùa đậu chín về, Chẳng ai dang hái như thề nguyện xưa. Mới hay khói sóng gió đưa, Mới hay tình cũ đã vừa phôi phai. Thi thoại: Hồng đậu sinh nam quốc là bài nhạc được ưa thích do ca sĩ Đồng Lệ hát. Cốt truyện được lấy từ một tích cổ. Truyện rằng ngày xưa, giặc giã triền miên, đi lính rất nhiều, một đi không trở lại. Có người thiếu phụ nhớ thương chồng chinh chiến xa xôi, than khóc khôn nguôi dưới tàng cây, đổ cả huyết lệ. Lệ đỏ tưới cho cây đậu sinh ở chỗ đấy, cho nên hạt đậu nảy ra đều có màu đỏ, được gọi là hồng đậu. Vì lẽ đó, loại đậu này gọi là đậu tương tư, ám chỉ cho những lương duyên xa cách. Truyện này được đưa vào thi thoại nhờ bốn câu thơ của Thi Phật Vương Duy đời Đường trong bài Tương Tư của mình: "Hồng đậu sinh nam quốc, Xuân lai phát kỷ chi. Nguyện quân đa thái hiệt, Thử vật tối tương ti tư." Tự dịch thành lục bát: "Đậu hồng sinh ở nước nam, Xuân về trổ hạt trăm ngàn cành xiêu. Mong người thương hái cho nhiều, Bao nhiêu hạt đậu, bấy nhiêu hạt tình."