Bánh mì là món ăn chính của phương Tây, xét về mặt biểu tượng thậm chí được đồng nhất với thánh thể của chúa Kitô: Bánh mì là bí nhiệm nhỏ, rượu vang là bí nhiệm lớn. Có lẽ, bánh mì đã xuất hiện ở xứ ta trước cái mốc 1859, nhưng được biết đến nhiều là sau khi đội quân viễn chinh chiếm thành Gia Định. Bánh mì Việt Nam có nguồn gốc từ đâu? Bánh mì Việt Nam du nhập từ Pháp, khi Pháp đi xâm chiếm vùng đất này. Từ ổ baguette hay bánh gối (bánh tròn, to như bánh bao), người Việt đã khéo léo cải biên, chế biến thành ổ bánh mì đặc trưng của đất Sài Gòn, ngắn hơn, hai đầu thuôn, ở giữa phình ra, lớp vỏ giòn rụm, trong ruột xốp mềm. Lịch sử xuất hiện món bánh mì tại Sài Gòn Ngoài người Pháp, cách làm bánh mì (hay còn gọi là bánh mì Baguette) đầu tiên được người Hoa tiếp thu, sản xuất bán ra thị trường và trong số khách hàng mua bánh mì thời kỳ đó có cả người Việt: Bồi bàn, thông ngôn, thầy lý có lẽ là những người nếm bánh mì đầu tiên; kế đó là công chức tân trào, rồi đến tầng lớp Tây học, thị dân và dần dần tỏa rộng phổ biến cả thành thị lẫn nông thôn. Loại thức ăn này tồn tại trong cái nhìn của dân ta là bánh – hiểu là món ăn chơi, không phải là thực phẩm thường xuyên như cơm, thế nhưng dần dà đã trở thành "cơm tay cầm", tức không ăn bằng chén đũa và ăn bánh mì thay cơm được định danh theo kiểu nói lóng là "thổi kèn", hàm nghĩa là ăn tùng tiệm qua bữa, không đầy đủ đàng hoàng như bữa cơm thường lệ. Thế mà đến nay, các loại bánh mì đều có đủ mặt (bánh mì rế, bánh mì đũa, bánh mì cóc.) và việc ăn bánh mì có nhiều biến tấu đa dạng. Bánh mì ăn theo kiểu Tây có cơm Tây, bánh mì ăn với súp, bittết, ốp-la (oeufsurplat), bánh mì ôp-lết (omelette: Trứng rán), bê-cơn (bacon của Ăng lê). Có thể kể thêm cách ăn bánh mì với patê, jămbông, xúc xích, bơ, mứt. Khởi thủy của bánh mì Sài Gòn cũng như tất cả bánh mì ổ ở Việt Nam chính là bánh mì Baguette do người Pháp mang đến những năm đầu thế kỷ 19. Những sự biến đổi về hình thức cũng như chất lượng đến cách chế biến phong phú cho bánh mì Sài Gòn đã nói lên nhu cầu ẩm thực cầu kỳ của người Sài Gòn. Trước năm 1975, với chương trình tài trợ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bộ giáo dục đã chu cấp cho các trường tiểu học tư thục và công lập một bữa ăn nhẹ với bành mì và sữa tươi, sữa thì do hãng sữa Fore Most cung cấp và bánh mì do các lò cung cấp. Đứng trước nhu cầu đó, giới sản xuất bánh mì Sài Gòn coi đây là một thách thức "tuyệt diệu". Những lò gạch truyền thống theo kiểu Pháp từ những năm của thập niên 50-60 thiếu khả năng đáp ứng, sang những năm đầu 70 được thay thế dần bằng những loại lò điện, tiêu biểu như "Matador" hay "Anwator" của Nhật được biết qua tiếng Anh là deck ovens, là loại lò có nhiều tầng/ngăn nướng. Sau năm 1975 kinh tế tư nhân bị tiêu diệt (1975-1986) nhu cầu cung cấp điện bị hạn chế tối đa, một số lò điện và lò gạch chỉ hoạt động dưới dạng hợp tác xã và sản xuất "chui/lậu" ra thị trường, cũng từ đó xuất hiện một loại bánh mì có tên "bánh mì lò thùng phi/phuy", người dân Sài Gòn sống trong thời "bao cấp" đều biết đến "danh xưng" bánh mì thùng phuy (lò được chế biến từ những thùng phuy 200l, lò có 2 phần chính: Phần vỏ bên ngoài được dùng nguyên vẹn 1 thùng phuy) Tiệm bánh mì đầu tiên tại Sài Gòn Tiệm bánh mì Hòa Mã năm 1960 Gần ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiểu có một tiệm bán bánh mì nhỏ với bảng hiệu cũ kỹ, phai màu theo năm tháng. Bánh mì Hòa Mã đã tồn tại 50 năm kể từ ngày thành lập. Nhiều người khẳng định chủ nhân ở đây là người đầu tiên bán những ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn. Bà Nguyễn Thị Dậu, chủ nhân của hiệu bánh mì Như Lan hiện nay, cho biết ngày xưa bà rất mê bánh mì Hòa Mã. Lúc nhỏ, bà thường đến mua bánh mì ở đây và ước ao ngày nào đó mình cũng có một cửa hàng bán bánh mì như ý thích. Sài Gòn từ trước năm 1958 đã có những cửa hiệu bán bánh của người Pháp. Họ bán bánh ngọt, bánh mì theo gu Pháp để phục vụ chủ yếu dân Tây. Bánh mì Tây là loại đặc ruột, tùy hình dáng mà được gọi tên (bánh mì gối là do tròn lớn như cái gối.). Và thịt nguội được bán riêng theo nhu cầu của người mua. Năm 1954, vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh di cư vào Nam. Trước đó, bà Tịnh đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội để cung cấp cho người Việt trong khu vực. Thế là năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q. 3). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng cho đến nay. Ban đầu, tiệm cũng bán bánh mì riêng, thịt nguội riêng, ăn tại chỗ hoặc mang về. Nhưng người mua thường là công chức, thợ thuyền, sinh viên, học sinh không có nhiều thời gian vào buổi sáng để nhẩn nha ngồi ăn ở tiệm. Thế là Hòa Mã làm ổ bánh mì vừa đủ cho suất ăn sáng dài hơn gang tay, nhét thịt, chả lụa, pa–tê vào giữa để người mua tiện mang theo vào nơi làm việc, lớp học. Lúc đó, tiệm Hòa Mã gọi một ổ bánh mì thịt của mình là cát–cút, có lẽ dùng theo từ Pháp casse-croûte, tức bữa ăn lót dạ, bữa ăn qua loa (thật ra, tên gọi đúng của bánh mì kẹp thịt là sandwich). Giá bán một ổ là 3 – 5 đồng, ổ lớn có bơ tươi thì 7 – 10 đồng. Ngày xưa, các vị công chức ở vùng Bàn Cờ, cư xá Đô Thành rất thích ăn bánh mì Hòa Mã. Bà Tịnh vốn xuất thân làm thịt nguội cho hãng Tây nên vẫn giữ gu Pháp cho bánh mì Hòa Mã suốt 50 năm. Không ít người ở nước ngoài về thăm quê hương thường ghé lại Hòa Mã để thưởng thức hương vị bánh mì thịt không thể nào quên. Hương vị bánh mì Sài Gòn Bánh mì thịt kiểu Sài Gòn bắt đầu định được dáng vẻ, hương vị riêng của mình. Vì ổ bánh mì vừa đủ cho một khẩu phần ăn nên không cần lớn lắm, nhưng vỏ bánh phải giòn, ruột bánh đặc vừa phải để bột không quến khi nhai làm mất ngon. Người miền Nam thường thích cái gì cũng có tí rau. Vì vậy ổ bánh mì được cho thêm vài lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, ngò để có hương thơm, vài khoanh ớt cay vừa ăn vừa hít hà mới khoái. Ăn ổ bánh mì thịt có đủ mùi thơm giòn của vỏ bánh, vị ngọt của bột mì, béo của bơ, hương vị thịt, chả, pa–tê như một bản phối tròn trịa sắc màu nhưng không hề ngán bởi có rau dưa tươi mát. Và điều quan trọng của ổ bánh mì thịt Sài Gòn là ngon, rẻ, tiện lợi cho tất cả mọi tầng lớp. Một thời gian sau, nhiều hiệu bánh mì thịt bắt đầu xuất hiện ở thành phố. Bánh mì không dừng lại ở món điểm tâm nữa, nó được dùng cả ở bữa trưa, chiều, tối. Hằng ngày những chiếc xe được sắp đầy những ổ bánh vàng ươm thơm phức và được chở đi khắp mọi nẻo đường khắp Sài Gòn để phục vụ cho người dân Sài Gòn. Có lẽ bánh mì là một món ăn không thể thiếu và không thể không bắt gặp ở Sài Gòn. Ngoài bánh mì kẹp thịt nguội thì ở Sài Gòn bạn còn có thể bắt gặp những biến tấu của nhân kẹp bánh mì với các loại như: Bánh mì thịt nướng: Nhân bánh mì được làm từ thịt heo ướp với các loại gia vị và đem nướng lên, ăn kèm với dưa chua và nước mắm, món này các bạn có thể bắt gặp ở khắp nẻo đường Sài Gòn trên những chiếc xe bán bánh mì dạo. Bánh mì xíu mại: Món này được người Hoa ở Sài Gòn chế biến mang một nét đặng trưng với thứ nước sốt cà huyền bí và màu sắc hấp dẫn của những viên xíu mại chắc chắn sẽ làm xiêu lòng mọi thực khách từ già tới bé. Bánh mì ốp la: Món bánh mì này là một trong những món khoái khẩu của giới học sinh, sinh viên, vị thơm và béo của trứng hòa quyện cùng vị chua ngọt của dưa chua và độ giòn của bánh mì làm biết bao giới trẻ si mê, vừa rẻ lại vừa bố và thơm ngon. Bánh mì chả cá: Những miếng chả cá nóng giòn vàng ươm được nhồi vào trong ổ bánh mì nóng giòn thì quá tuyệt Bánh mì heo quay: Heo quay giòn rụm mà ăn chung với bánh mì giòn sẽ tạo ra những âm thanh nghe rất vui tai và hương vị cực kì ngon. Bánh mì Việt – món ăn đường phố ngon nhất thế giới Được ưu ái giữ nguyên tên tiếng Việt, bánh mì Việt Nam được các báo nước ngoài giới thiệu là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Vào năm 2011 từ "banh mi" được đưa vào từ điển danh tiếng của Oxford. Bánh mỳ Việt Nam được giới thiệu là một trong những món đường phố ngon nhất thế giới. Chuyên trang du lịch The Gardian miêu tả, tại Việt Nam ổ bánh dài được nướng qua trên than hồng cho giòn lớp vỏ. Người ta mổ chiếc bánh ra, thoa một ít sốt mayonnaise, patê, sau đó nhồi thịt, rau ngâm chua, rau sống vào, có thể chan thêm nước tương, gia vị cay. "Một điều bí mật mà không mấy người biết là món sandwich ngon nhất thế giới không phải được tìm thấy ở thành phố Rome, Copenhagen hay New York mà ở Việt Nam", bài báo viết. Xét về nguồn gốc, bánh mì Việt Nam là sản phẩm giao lưu hóa ẩm thực của nhiều quốc gia. Chẳng hạn chiếc bánh mì nướng rất giống với các loại bánh mì Pháp, trong khi thành phần nguyên liệu gồm xá xíu, thịt lợn nguội lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Riêng các loại thảo mộc và gia vị thì rõ ràng là đặc trưng của vùng Đông Nam Á. Giá trung bình của một ổ bánh mì khoảng 15.000 đồng.