Những Nhận Định Hay Về Tác Giả Tô Hoài

Thảo luận trong 'Học Tập' bắt đầu bởi Zero, 23 Tháng hai 2023.

  1. Zero

    Zero Active Member Thành viên BQT

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    708

    Tô Hoài, người sinh ra để viết


    Tên thật: Nguyễn Sen.

    Các bút danh khác: Mắt Biển, Mai Trang, Duy Phương, Hồng Hoa.

    Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: Sông Tô và Hoài Đức.

    Sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 (tức ngày 16.8 Canh Thân) tại làng Nghĩa Đô, Từ Liêm, phủ Hoài Đức (nay thuộc phường Nghĩa Đô, Hà Nội).

    Quê quán: Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

    [​IMG]

    Phạm Xuân Nguyên nhận xét về Tô Hoài


    Đánh giá về sự nghiệp văn học của Tô Hoài, Phạm Xuân Nguyên cho rằng: "Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ. Ông cũng nổi tiếng từ rất sớm với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký . Văn chương của ông hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp, đời thường."

    Nhận định hay về nhà văn Tô Hoài


    Nhìn lại toàn bộ cuộc đời văn học của nhà văn Tô Hoài, Giáo sư Phong Lê khẳng định: "Tô Hoài là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỉ 20. Ông thuộc thế hệ vàng mà tôi quan niệm thế hệ sinh năm 20, từ năm 1920 ngược về trước. Đó là thế hệ vàng của văn chương hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học thế kỉ 20 - làm nên mùa màng 1930-1945, cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Huy Cận. Ông cũng là người hiếm hoi nhất còn lại của thế hệ ấy, cùng với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh".

    Quả thật, hơi thở cuộc sống luôn đầy ắp và hiện rõ trên từng trang viết của nhà văn Tô Hoài, đưa ông cùng nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi khác làm nên "mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học Việt Nam thế kỷ 20". Ông đã ra đi, nhưng trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, "chú dế mèn" sẽ trẻ mãi với thời gian.

    Tô Hoài từ lâu đã là mảnh ghép tuổi thơ bao thế hệ Việt Nam. Với 95 năm tuổi trời, hơn 60 năm tuổi nghề và hơn 160 đầu sách đã xuất bản, đến nay, Tô Hoài là một trong số ít nhà văn hiện đại Việt Nam đạt được nhiều con số kỷ lục trong sự nghiệp sáng tác. Hằn in trong khoảng trời tuổi thơ của những đứa trẻ Việt Nam là câu chuyện phiêu lưu của chàng dế mèn loắt choắt và khi lớn lên đôi chút ta lại bắt gặp "Vợ chồng A Phủ" với bao tâm tư mà con người sinh ra để viết ấy gửi về với miền Tây Bắc thân thương.

    1. Nhìn lại toàn bộ cuộc đời văn học của nhà văn Tô Hoài, Giáo sư Phong Lê khẳng định: "Tô Hoài là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỉ 20. Ông thuộc thế hệ 20, từ năm 1920 ngược về trước. Đó là thế hệ vàng của văn chương hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn họ thế kỉ 20 – làm nên mùa màng 1930-1945, cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Huy Cận. Ông cũng là người hiếm hoi nhất còn lại của thế hệ ấy, cùng với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh".

    2. "[..] Hơi thở cuộc sống luôn đầy ắp và hiện rõ trên từng trang viết của nhà văn Tô Hoài, đưa ông cùng nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi khác làm nên" mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học Việt Nam thế kỉ 20 ". Ông đã ra đi, nhưng trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ," chú dề mèn "sẽ trẻ mãi với thời gian" – Trích bài viết "Nhà văn Tô Hoài nặng lòng với những trang văn về Tây Bắc", Báo Mới.

    3. "Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi, trên con đường đưa họ đến với thế giới động tưởng tượng thuở nhỏ, hay đến với những miền đất mới, đến với con người đời dài rộng khi đã trưởng thành" – Phan Anh Dũng

    4. "Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết. Mà chi tiết thì không thể phịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều càng tốt" – Nhà văn Tô Hoài

    5. "Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên.. Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi". (Tô Hoài)

    6. Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên.. Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi. (Tô Hoài)

    7. "Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ". (Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội)

    8. "Có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố.. làm vinh dự cho chữ quốc ngữ. Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng" – Nhà thơ Hữu Thỉnh

    Vài nét về tác giả Tô Hoài


    Xuất thân trong một gia đình làm nghề dệt lụa. Học hết bậc tiểu học, sau đó, vừa tự học, vừa làm đủ các nghề để kiếm sống. Bắt đầu in những tác phẩm đầu tiên trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX.

    Năm 1938, tham gia Hội Ái hữu công nhân rồi tham gia phong trào Thanh niên phản đế. Năm 1943, gia nhập tổ Văn hóa cứu quốc đầu tiên ở Hà Nội.

    Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, làm báo Cứu quốc, Chủ nhiệm tờ Cứu quốc Việt Bắc, chủ bút Tạp chí Cứu quốc. Năm 1957, được bầu làm làm Tổng Thứ ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1958 đến năm 1980, tiếp tục tham gia Ban Chấp hành, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1966 - 1996: Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội.

    Tác phẩm chính: Dế Mèn phiêu lưu ký (truyện dài-1942, tái bản nhiều lần), Quê người (1943, tái bản nhiều lần), Truyện Tây Bắc (1954, tái bản nhiều lần), Mười năm (tiểu thuyết-1958), Miền Tây (tiểu thuyết-1960), Tự truyện (hồi ký-1965, tái bản nhiều lần), Quê nhà (tiểu thuyết-1970), Cát bụi chân ai (hồi ký-1991, tái bản nhiều lần), Tuyển tập Tô Hoài (3 tập- 1993), Tuyển tập truyện ngắn Tô Hoài (3 tập-1994), Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi (2 tập, 1994), Chiều chiều (hồi ký-1999)..

    Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I-1996.

    Nhận xét đánh giá về Tô Hoài


    Nhìn vào khối lượng tác phẩm đồ sộ của Tô Hoài, người ta thấy ngốt vì sức làm việc dẻo dai cần mẫn của ông. Thật lạ, Tô Hoài làm đủ thứ việc, từ tổ trưởng dân phố đến phụ trách một tờ báo, từ việc đi thực tế đến việc lãnh đạo Hội văn nghệ.. Toàn những việc mà nhà văn nào cũng thấy ngại vì thấy nó rất dễ làm lười đi cái nghiệp viết lách. Vậy mà ông vẫn cứ viết đều. Hơn thế, viết hay. Không hiểu ông đã làm đầy cái bồ chữ của mình từ bao giờ để có được sự trường sức đáng nể ấy. Mà nhìn ông, cấm có thấy cái vẻ ta đây đang suy nghĩ về những vấn đề lớn lao vĩ đại hay đăm chiêu như thể đang ấp ủ một sự nghiệp văn chương khiến thiên hạ phải lác mắt. Đơn giản, viết, với ông, như hít thở khí trời, như một hình thức dưỡng sinh. Bởi thế, bề ngoài ông vẫn nhỏ nhẹ, nụ cười vẫn tủm tỉm.. Thi thoảng, ta mới bắt gặp trong đôi mắt ông lóe lên những ánh nhìn tinh quái. Thần tướng của ông có lẽ bắt đầu những những cái lóe nhìn ấy chăng?

    Phần mình, tôi nghĩ, Tô Hoài mang phẩm chất của một cây bút chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở chỗ, ngày nào ông cũng sờ đến bút, ngày nào cũng viết, mà viết kỹ chứ không sản xuất công nghiệp như người hùng Lê Văn Trương viết văn kèm thư ký. Cách làm việc của ông làm ta nhớ đến lời Stendhal: "Viết mỗi ngày một ít, thiên tài hay không cũng vậy". Hóa ra, những việc linh tinh mà Tô Hoài đảm nhiệm cũng là một kiểu "đi thực tế", một kiểu tạo phù sa cho ngòi bút của ông. Đấy là chưa kể đến chuyện, Tô Hoài là người tốn.. báo. Báo nào cũng đọc, từ những tin thời sự đến những tin giật gân nhất. Nói chuyện với Tô Hoài, đọc văn ông, ta ngạc nhiên bởi trước mắt ta là một pho từ điển bách khoa về đời sống, đặc biệt là những chuyện cũ mà ta đã quên béng tự thời nào! Những chuyện ấy, qua ngòi bút Tô Hoài, bỗng nhiên trở nên cựa quậy, sống động, nói cười, tươi mới.. Đó không phải là thứ "xác ướp Ai Cập" quay về mà là những câu chuyện ngủ vùi đâu đó trong thời gian, qua năng lực đánh thức của Tô Hoài, bỗng nhiên hiện về như là chuyện của hôm nay, rồi từ hôm nay mà ám mãi vào mai sau.

    Viết nhiều, nhưng trước sau, Tô Hoài vẫn trở đi trở lại với hai vùng đất: Con người, phong thổ ngoại ô Hà Nội và vùng đất Tây Bắc, nơi ông đã gắn bó sâu sắc trong thời kháng Pháp và sau đó còn trở lại nhiều lần. Cắm sâu vào những miền đất đã nên duyên nên số với mình, Tô Hoài điềm tĩnh bóc từng lớp một, và khi "người thợ khâu" ấy nối liền các mảnh văn hóa, các số phận trong một sinh thể nghệ thuật, ta bỗng ngạc nhiên về sự giàu có của đất và người, của thời gian và không gian, của văn hóa và tâm linh dân tộc. Đó là cái điềm tĩnh, lặng lẽ và nhẫn nại của một người tin vào cái căn cốt văn chương và sự trải nghiệm của mình. Riêng về Hà Nội, Tô Hoài là một cây bút cự phách. Cùng với Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng.. Tô Hoài đã để lại nhiều trang văn xuất sắc vì câu chữ của ông không những thể hiện được văn hóa, phong tục mà còn thể hiện được hồn vía của người Hà Nội. Không chỉ Hà Nội hôm nay mà cả Hà Nội "chuyện cũ" đều được Tô Hoài quan tâm thể hiện. Không ai hơn Tô Hoài về vùng đất ngoại ô đã đành, nhưng cũng hiếm người vượt được Tô Hoài về đời sống văn nghệ sĩ Hà Thành. Ông kể về họ bằng cái chất giọng quai quái một chút, nhưng chân thành yêu mến. Có vẻ như Tô Hoài đã tự chuẩn bị cho một thế nhìn: Đời sống nó thế, lên gân quá, tô vẽ quá cũng chỉ vậy mà thôi. Sự hóm hỉnh trong ngòi bút Tô Hoài có lẽ xuất phát từ thế nhìn ấy. Về Tô Hoài, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh có một nhận xét chính xác: "Có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của người thường, của chuyện thường, của đời thường" (1). Đúng thế, Tô Hoài không viết về những đôi lứa lá ngọc cành vàng, không thi vị hóa đời sống, không vẽ vời, lý tưởng hóa các chân dung. Ông chỉ viết về những điều mà ông đã nhìn thấy: "Tôi đã miêu tả tâm trạng của tôi, gia đình tôi, làng tôi, mọi cái của mình, quanh mình" (Tự truyện). Những cây bút nào trước khi viết về người khác lại biết mang mình ra để tự trào, để giễu chơi cái tôi của mình một chút là những tay ghê gớm, tinh tường. Lập tức, mọi thứ nghi lễ, rào cản về khoảng cách biến sạch, chỉ còn lại ta với mình, y với thị, tôi với hắn như đang nói chuyện, tán gẫu trong cuộc sống thường ngày. Theo ý tôi, viết về cái của mình, quanh mình là định hướng nghệ thuật và cũng là kênh thẩm mỹ của Tô Hoài. Đúng hơn, đây là yếu tố cốt lõi làm nên quan niệm nghệ thuật của ông. Nó khiến cho văn Tô Hoài có được phong cách, giọng điệu riêng. Đó là một giọng kể nhẩn nha, hóm hỉnh và tinh tế. Rất hiếm khi ta thấy Tô Hoài cao giọng. Những triết lý về đời sống của Tô Hoài bắt nguồn từ những câu chuyện đã từng xảy ra đâu đó trong đời chứ không phải là sản phẩm của những tư biện xám màu. Đây cũng là một bí quyết chinh phục độc giả của Tô Hoài. Đọc ông người ta không thấy gượng, không thấy giả cũng vì lẽ đó. Có cảm giác như Tô Hoài biết nuôi dưỡng một bí mật: Những chuyện kể, những hồi ức trong tác phẩm của ông là những chuyện mà ông đã nhập tâm, đã biết tỏng tự đời nào, bây ông "mới hé cho khách hồng trần thử soi". Sự đời nó thế, dâu bể cũng là đấy mà ngọt ngào phởn chí cũng từ đấy. Chuyện về đời cũng là chuyện về chính bản thân ông. Thì đấy, chàng Dế mèn trong Dế mèn phiêu lưu ký là hình bóng của tuổi trẻ Tô Hoài đi tìm kiếm tư tưởng đại đồng, những câu chuyện mà Tô Hoài hồi nhớ lại trong Cát bụi chân ai và Chiều chiều là những câu chuyện được ông thể hiện qua cái nhìn của mình về những câu chuyện quanh mình. Đọc Tô Hoài, tôi hay nghĩ đến Nguyễn Tuân. Văn hai ông rất khác nhau. Một bên cố gắng tạo cái vân chữ của mình bằng những cách nói độc đáo, bằng trùng điệp liên tưởng, bằng những nét vẽ phóng khoáng, những ấn tượng mạnh, một đằng văn nhẩn nha, chi tiết đặc chất tiểu thuyết, khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật là khoảng cách gần gũi, suồng sã, phi sử thi. Nhưng cả hai cây đại thụ này đều có cái nhìn riêng về đời sống. Nguyễn Tuân truy tìm cái đẹp đượm màu lý tưởng. Đó có thể là cái đẹp vang bóng, có thể là cái đẹp trong hiện tại nhưng trên cái nền hiện tại ấy, mọi cái đẹp đều hiện lên kỳ vĩ, khác lạ. Còn Tô Hoài, cái đẹp hiện ra chính trong đời thường. Tô Hoài không chuốt văn theo cách ép hoa trong tủ hay cầu kỳ một cách thái quá để tạo nên kiểu bonsai chữ nghĩa mà ông cắt tỉa, gọt giữa câu văn, tạo nên những cấu trúc cú pháp mới cũng là để văn gần hơn với đời. Đúng hơn, với ông, bản thân ngôn từ cũng chính là một thực thể sống, nó không hề đóng vai trò như một thứ vật liệu tải chở nội dung theo cách hình dung cơ giới giản đơn. Bởi thế, ngôn ngữ của ông mềm mại, tung tẩy, nẫu nục chất dân gian. Đó là sự tinh tế của một cây bút cao tay, là ý thức đạt tới sự giản dị của một sự khéo léo lớn. Chính vì thế mà văn Tô Hoài không bị mòn cũ theo thời gian.

    Thực ra, thời đầu Tô Hoài cũng làm thơ. Mà chẳng riêng gì ông, Nam Cao, Nguyễn Tuân đều thế. Nó có ý nghĩa như một kiểu thử bút, dò tìm. Sau những dò tìm ấy, Tô Hoài nhận ra mảnh đất dụng võ của mình là văn xuôi, là những câu chuyện của mình, quanh mình như ông đã nói. Ngay cả những chuyện về loài vật cũng là những chuyện về cuộc đời. Hơn hai mươi tuổi (thực ra gần đây ông tiết lộ mới chỉ mười bảy tuổi), ông đã tạo được một kiệt tác ở thể đồng thoại: Dế mèn phiêu lưu ký. Chuyện viết cho thiếu nhi nhưng cũng là viết cho người lớn vì ẩn trong tác phẩm này là những bài học nhân sinh sâu sắc. Tại đây, ta nhận thấy sự mẫn cảm và óc quan tế tinh tế của Tô Hoài. Ông tả loài vật nào đúng với bản chất và đặc điểm của loài vật ấy. Cuộc sống của chúng hiện lên trong trang viết của Tô Hoài thật sinh động: "Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông. Nước đầy và nước mới thì cua cá cũng tấp nập xuôi ngược, thế là bao nhiêu cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng, két ở các bãi sông xơ xác tận đâu cũng bay cả về vùng nước mới để kiếm mồi. Suốt ngày, họ cãi cọ om bốn góc đầm, có khi chỉ vì tranh một mồi tép, có những anh Cò gầy vêu vao ngày ngày bì bõm lội bùn tím cả chân mà vẫn hếch mỏ, chẳng được miếng nào. Khổ quá, những kẻ yếu đuối, vật lộn cật lực thế mà vẫn không sống nổi. Tôi đứng trong bóng nắng chiều tỏa xuống ánh nước cửa hang mà nghĩ việc đời như thế". Ống kính của Tô Hoài vừa sắc nét trong việc tái hiện lại các chi tiết, vừa có khả năng tạo ra sự lưu chuyển hợp lý giữa các trường đoạn, màu sắc du ký và màu sắc tự truyện hòa vào nhau hết sức sống động. Với Dế mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài thực sự là cây bút hàng đầu về nghệ thuật miêu tả thế giới loài vật. Biệt tài ấy còn được Tô Hoài mài sắc mãi về sau. Chung quy lại, nó xuất phát từ khả năng quan sát sắc sảo và khả năng liên tưởng phong phú, cách tạo hình độc đáo của Tô Hoài.

    Sau Dế mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài cho in hàng loạt tác phẩm đậm chất hiện thực: Quê người (1941), Nhà nghèo (1942), Xóm Giếng ngày xưa (1944), Cỏ dại (1944).. Đã có lúc, Tô Hoài tự nhận ông thích đọc Nhất Linh, Khái Hưng.. nhưng rõ ràng, văn ông khác xa với văn chương Tự lực văn đoàn. Điều này cũng chẳng có gì khó hiểu. Tô Hoài không thật quen với tầng lớp trên, ông chỉ gần gũi với đám bình dân, vì thế, ông thông thuộc tâm tính của họ, những người sinh ra trong nhếch nhác, khổ nghèo. Nói về họ, kể về họ thực chất cũng là nói về mình, kể về mình. Tô Hoài là thế, chỉ viết về những điều gì ông thật quen, những gì ông đã nhìn thấy. Trong Tự truyện, Tô Hoài cho biết, thậm chí "cả những chuyện loài vật tưởng như xa lạ kia cũng không ngoài cái rộn ràng hay thầm lặng của khu vườn trước cửa". Điều mà Tô Hoài gần với Vũ Trọng Phụng, Nam Cao chính là ở đó: "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời" (Lời Vũ Trọng Phụng trên Báo Tương lai số 9, ngày 25.3. 1937). Chỉ có điều, là những cây bút tài năng nên sự thực hiện lên trong mắt họ khác nhau. Với Vũ Trọng Phụng, đó là chuyện nhố nhăng, rởm đời, bịp bợm thời Âu hóa trong môi trường đô thị. Với Nam Cao, đó là sự khốn cùng của người nông dân, là sự tha hóa của nhân cách và tấn bi kịch bị từ chối quyền làm người trong xã hội nông thôn trước cách mạng. Còn Tô Hoài, đó là những chuyện thường ngày mà ông từng gặp, từng nhìn thấy ở vùng đất ngoại ô Hà Nội. Cái vùng đất ấy, tự trong bản chất, vẫn là một vùng quê thuần túy. Nhưng chỉ bước ra một loáng là chạm vào đời sống thị thành. Vì thế, chuyện hương đồng gió nội bay đi ít nhiều, chuyện phải đối mặt với những huyên náo và chịu sự tác động, chịu ảnh hưởng lối sống thị thành nhanh hơn các vùng nông thôn khác cũng là điều dễ hiểu. Và thế là có bao nhiêu chuyện đau lòng đã diễn ra ở đất kẻ Bưởi trong buổi giao thời đầu thế kỷ XX. Tô Hoài đã nhìn nó từ góc nhìn thế sự - đời tư, bởi thế, các chi tiết của ông sắc nét, chuyện trong sách mà ngỡ như chuyện ngoài đời. Đây là một đoạn văn ông bố mượn rượu dạy con khi bố con ông bị dán vè nói xấu ở cột đình trong tiểu thuyết Quê người:

    - Con mẹ mày chết rồi, không ai dạy mày cho nên mày mới làm cho nó chửi ông. Ối con ôi là con ôi! Ông nghĩ ông căm lắm. Tao phải cho mày một trận, nghe chưa? Nằm xuống đây.. Nằm xuống đây..

    Ngây vẫn đứng yên. Ông Nhiêu giơ gậy lên, vụt một gậy ngang lưng. Ngây kêu rú, chạy vào khung cửi. Ở dưới nhà, bà Ba nghe tiếng, nháo lên thì thấy hai bố con đang đuổi nhau quanh cái phản giữa. Bà xô vào.. À con mụ này lại muốn lôi thôi cái gì. Ông phang hụt một gậy..

    - Con bà cô! Ông quật chết tươi đong đỏng bây giờ!

    - Làm cái gì thế? Hàng xóm người ta nghe tiếng..

    - Mặc cha bố con ông ".

    Đúng là một đoạn văn đặc khẩu ngữ, lời và giọng đích thị là lời và giọng của kẻ nhà quê - cái lối văn rất khó tìm thấy trong Tự lực văn đoàn!

    Không phải ngẫu nhiên mà trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã xếp Tô Hoài vào đội ngũ các cây bút tả chân. Trong tiểu thuyết Quê người, Tô Hoài đã tái hiện lại một cách chân thực cuộc sống của con người vùng kẻ Bưởi quê ông. Bức tranh ấy xoay quanh hai cặp vợ chồng Hời và Ngây, Thoại và Bướm. Mở đầu tác phẩm này, Tô Hoài vẽ lại những ngày thơ mộng chốn thôn quê. Thuở ấy, cuộc sống thật êm đềm, những đêm trăng thanh, trai gái xóm Đuối, xóm Giếng làng Nha tụ tập hát cho nhau nghe, nói với nhau những lời ý nhị, chân tình. Nhưng tình thế đổi thay thật nhanh chóng. Nếp sống thanh bình biến mất. Đói khát, cùng quẫn, tệ nạn đã khiến làng Nha trở nên tiêu điều. Những thành viên của làng Nha tồn tại một cách lay lắt trên quê mình mà ngỡ như đang phiêu bạt ở quê người. Như vậy, từ góc nhìn đời tư, Tô Hoài đã mở rộng ống kính của mình để khái quát cả những biến thiên xã hội. Quê người là một tác phẩm mang tính khái quát cao vì nó đã thể hiện được sự rạn vỡ về cấu trúc văn hóa, tâm lý và đời sống của con người trong đà quay của lịch sử. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nói đến là cái cách viết ấy vẫn được Tô Hoài kiên trì mãi về sau. Bỏi thế, đọc Tô Hoài, người ta có thể dễ dàng hình dung lại một cách chân xác chân dung của lịch sử, không khí của mỗi thời. Có lẽ, vì mỗi chi tiết dẫu là nhỏ nhất trong văn Tô Hoài chính là một tế bào của đời sống được Tô Hoài cấu trúc lại theo quan niệm nghệ thuật của mình. Dường như, trong mỗi một thông điệp mà ông trao đến cho người đọc, lẩn quất một nụ cười hóm hỉnh, một cái nheo mắt của Tô Hoài: Cái thời ấy, cái hồi ấy, nó là thế, cả cái hay lẫn cái dở, cả cái cao cả lẫn cái nhem nhuốc thường ngày.

    Tô Hoài đặc biệt giỏi trong nghệ thuật tạo không khí. Đặc sắc của nhà văn, theo tôi nghĩ, phụ thuộc rất lớn vào cách tạo các lớp không khí của họ. Có nhiều lớp không khí khác nhau: Không khí của thời đại, không khí như một môi cảnh giao tiếp, không khí để độc thoại và đối thoại, không khí để tái dựng các chân dung, không khí để thực hiện các xen ngoại đề, bình luận.. Viết về người hay vật, viết về cổ hay kim, Tô Hoài đều biết cách đặt chúng trong không khí nào. Màu sắc đời sống, không khí lịch sử trong truyện của Tô Hoài ám rất sâu vào tâm trí người đọc vì đó là thứ không khí toát lên từ tình thế, từ các chi tiết rất gần gũi đời thường. Trong những sáng tác của Tô Hoài sau cách mạng, khi mà nhiều nhà văn đang say sưa với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, Tô Hoài vẫn giữ được cách nhìn đời rất riêng của ông. Thực ra mà nói, Tô Hoài không thoát khỏi áp lực tư duy nghệ thuật của thời đại mà bằng chứng là không hiếm các nhân vật của ông đều có quá trình vận động từ khổ sang vui, từ u buồn đến hạnh phúc và cuộc sống đương nhiên cũng chuyển từ bĩ sang thái. Truyện Tây Bắc là một ví dụ điển hình. Trong tập truyện này, có lẽ chỉ còn Vợ chồng A Phủ là trụ được với thời gian vì ba lẽ cơ bản sau đây: A, Tô Hoài là người đầu tiên miêu tả một cách sâu sắc tấn bi kịch của con người trong xã hội phong kiến miền núi, nhất là tệ cho vay nợ lãi; b, nghệ thuật phân tích tâm lý sâu sắc và tinh tế của nhà văn đã cứu được nhân vật khỏi mô hình định sẵn của" một thời lãng mạn "; c, những trang viết về thiên nhiên và phong tục của Tô Hoài hết sức hấp dẫn. Theo ý tôi, chính sự am hiểu sâu sắc về phong tục và văn hóa đã trở thành một yếu tố hết sức quan trọng trong nghệ thuật tạo dựng không khí truyện của Tô Hoài. Không phải ngẫu nhiên mà Tô Hoài được coi là nhà văn phong tục. Ở ta, cái danh xưng nhà văn phong tục nghe không thật oai lắm. Nó thường quá, nó không vươn tới những mơ tưởng cải tạo thế giới. Nhưng với những cây bút thực tài, rất có thể những cái gọi là phong tục kia biết đâu lại đánh đổ những cây bút luôn gồng mình nuôi những ý tưởng cao siêu nhưng văn chương lại nhàn nhạt, hoặc mùi mẫn, sên sến theo kiểu tân cổ giao duyên. Vấn đề là qua những chi tiết về phong tục, văn hóa, nhà văn làm nổi bật lên được những cá tính nghệ thuật đặc sắc, những" con người này "trong tương quan với hàng loạt người khác. Qua đó, người đọc có thể hình dung lại được một cách chân xác, sống động về các thời đại, nhìn thấy các lớp trầm tích văn hóa nằm sâu trong con chữ của nhà văn. Không phải ngẫu nhiên mà khi đọc Thackerey, Lep Tolstoi, Jac London.. ta thấy các cây tiểu thuyết này rất am hiểu phong tục, tập quán của từng vùng, nết tính của từng loại người. Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng cũng thế. Nhưng so với hai cây bút hiện thực xuất sắc này, màu sắc phong tục trong văn Tô Hoài đậm hơn. Hình ảnh những đêm tình mùa xuân trong Vợ chồng A Phủ chẳng hạn, một mặt, cho ta hiểu hơn vẻ đẹp văn hóa vùng cao Tây Bắc, mặt khác, trở thành môi trường để nhân vật bộc lộ tính cách và chiều sâu bản ngã của nhân vật. Những bát rượu mà Mỵ đã uống trong ngày Tết, âm hưởng của tiếng sáo lơ lửng đầu ngõ, âm thanh của tiếng hát huê tình đã trở thành tác nhân thức dậy niềm khát sống trong người con dâu khốn khổ kia. Cứ ngỡ như Mỵ đã bị tê liệt hoàn toàn, đã chán sống đến mức không còn biết đến thời gian, cảm giác.. nhưng hóa ra, những đốm lửa khát sống vẫn âm ỉ sau lớp tro lạnh bề ngoài. Và chỉ cần một ngọn gió đánh thức, những đốm lửa ấy sẽ cháy thành ngọn lửa, giục giã, hối thúc Mỵ thèm đi.. Chỉ cần một bước chân thôi, ngoài kia đã là tự do và ánh sáng. Rõ ràng, màu sắc phong tục đã trở thành một yếu tố thẩm mỹ quan trọng trong thế giới nghệ thuật của Tô Hoài. Cũng cần phải nói thêm rằng, trong các tác phẩm của Tô Hoài, văn hóa, phong tục thường gắn với những trang viết về thiên nhiên rất đỗi tài hoa. Tại đây, ta nhận thấy chất thơ trong duyên kể Tô Hoài. Thiên nhiên trong văn Tô Hoài không kỳ vĩ như thiên nhiên của Nguyễn Tuân. Nó như những đóa hoa thấp thoáng nhưng rất giàu sức gợi. Nó góp phần làm cho những câu chuyện đời thường có thêm những nét nhạc trữ tình. Dĩ nhiên, để có được những nét nhạc ấy, Tô Hoài phải rất tinh trong quan sát. Sự tinh tường và nhạy cảm ấy, khỏi phải nói, chính là ưu thế của Tô Hoài.

    Sau thành công của tập Truyện Tây Bắc, vào năm 1958, Tô Hoài cho xuất bản Mười năm. Tác phẩm này viết về thời kỳ 1936-1945 ở làng Hạ, tức vùng Nghĩa Đô quê ông. Khi ra đời, Mười năm không được chào đón nồng nhiệt. Người ta thấy Tô Hoài không ca ngợi cuộc sống mới một cách trực tiếp như nhiều nhà văn khác. Tô Hoài đã chịu không ít phiền toái vì đứa con" trái mùa "này. Nhưng ngẫm lại, đây lại là một tác phẩm đáng chú ý về tư duy nghệ thuật. Trong khi nhiều cây bút khác hướng tới cảm hứng sử thi thì Tô Hoài vẫn chú ý đến cuộc sống thường nhật. Nói đúng hơn, ngay cả khi miêu tả những cơn trở dạ của lịch sử, Tô Hoài vẫn giữ được cái chất giọng nhẩn nha, hóm hỉnh, vừa tinh tế, vừa không có ý định nghiêm trọng hóa vấn đề của mình. Theo tôi, cái nhìn không nghiêm trọng hóa là thế mạnh của Tô Hoài, nó khiến cho nhà văn, dù viết thể loại nào đi chăng nữa, vẫn thổi được vào đó cái chất tiểu thuyết mà M. Bakhtin từng nói đến. Cái nhìn ấy càng rõ nét hơn trong hai thiên hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Đây là hai tác phẩm khiến người đọc ngạc nhiên. Tại sao, đã đến độ thất tuần, bát tuần, Tô Hoài vẫn còn dẻo dai đến thế? Mà nghe đâu, cái Chiều chiều Tô Hoài viết ở Đà Lạt, không sổ sách ghi chép gì nhiều, vậy mà sau một thời gian ngắn, mấy trăm trang đã được lấp đầy. Đây là hai tác phẩm vào loại xuất sắc nhất trong văn nghiệp Tô Hoài. Nhưng cái mà người đọc ngạc nhiên hơn cả là Tô Hoài hé ra một số chuyện ít ai dám nói: Chuyện tình trai của Xuân Diệu, chuyện về cái hấp ha hấp háy của Nguyên Hồng trước những người đẹp độ tuổi xồn xồn, mấy vụ văn nghệ và những lần kiểm điểm, chuyện Nguyễn Tuân một mình một tính, khắt khe đến quá quắt mà rộng lượng cũng thật bất ngờ, chuyện Nguyễn Sáng mồng một Tết bị chàng Nguyễn đuổi khỏi nhà vì hai kẻ ngông ngạo khinh bạc đầy mình ấy không anh nào chịu nhường anh nào.. Giờ thì những người thân yêu ấy người còn kẻ mất, nhưng họ là người của một thời, cũng đầy ưu đầy nhược như ai. Nhưng chính trong lấm láp đời thường mà họ hiện lên trong văn Tô Hoài thật hơn, gần gũi hơn. Vậy là ở tuổi gần đôi mươi, Tô Hoài cho ra cái ký về Dế Mèn, Dế Trũi, còn ở độ xưa nay hiếm, ông cho ra liền những cái ký về bè bạn, người thân, từ đó mà nói về thế thái nhân tình. Những chú Dế Mèn hăm hở đi tìm thế giới đại đồng ngày nào giờ đã trải nếm hết những vinh nhục, đắng cay lẫn ngọt bùi, loanh quanh với những cú hờn giận rồi làm lành.. Tóm lại, tuy là những nhân cách lớn, tài thì tài thực nhưng ai cũng đã phải loay hoay giữa bao nhiêu thứ linh tinh của cuộc sống bình thường. Đặc sắc trong hồi ký của Tô Hoài, theo ý tôi, vẫn không ngoài ba điều cơ bản đã nói ở trên: Trước hết là nghệ thuật dựng không khí, thứ hai, đặt nhân vật trong muôn mặt đời thường, và thứ ba, các chi tiết rất giàu chất tiểu thuyết. Thật đấy mà cứ như tiểu thuyết. Tiểu thuyết mà cứ như là thật. Những ai hay băn khoăn về chuyện phản ánh hiện thực theo cách nào thiết nghĩ có thể tham khảo ít nhiều kinh nghiệm ở Tô Hoài. Muốn nên hồ, đương nhiên phải có bột. Nhưng vấn đề còn phụ thuộc ở chất lượng bột thế nào. Tô Hoài biết trang bị cho mình thứ bột lấy từ phù sa cuộc sống nên rất giàu sức thuyết phục. Tuy nhiên, cái xuyên suốt, cái neo giữ các yếu tố ấy thành một thể thống nhất chính là cách kể, giọng kể của Tô Hoài. Tô Hoài biết nói theo cách của ông. Ông không bao giờ nhẹ dạ đi tin vào những điều mà không thấy, không nghe, không nếm trải. Cái chất giọng trong văn chương của ông cho ta thấy rất rõ điều đó. Tôi cứ nghĩ, giá như một ai đó, chỉ cần quan tâm đến cái cách kể, giọng kể trong hơn một trăm năm mươi tác phẩm của Tô Hoài cũng thừa sức làm thành một chuyên luận khoa học sang trọng. Nó không chỉ soi tỏ nét riêng của văn chương Tô Hoài mà còn soi tỏ nhiều vấn đề của văn xuôi nước nhà thế kỷ XX. Đơn giản, Tô Hoài là một ngọn núi trong văn chương Việt ngữ thời hiện đại.

    Có một lĩnh vực mà mỗi khi nhắc đến Tô Hoài ta không thể không nhắc đến là những truyện ông viết cho con trẻ. Thực ra, nếu chỉ cần nêu ra những tên sách về đề tài này, Tô Hoài đã đủ tồn tại với tư cách là một tác giả đáng nể. Ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký, lứa tuổi thiếu nhi còn say mê với Chim chích lạc rừng, Đàn chim gáy, Con mèo lười, Chuyện ông Gióng, Đảo hoang.. Yếu tố quan trọng nhất là Tô Hoài không giả giọng trẻ con để kể chuyện trẻ con như nhiều cây bút khác từng làm. Ông rất hiểu tư duy trẻ thơ, kể với chúng theo cách nghĩ của chúng, lý giải sự vật theo lô gíc của trẻ. Hơn thế, với biệt tài miêu tả loài vật, Tô Hoài dựng lên một thế giới gần gũi với trẻ thơ. Khi cần, ông biết đem vào chất du ký khiến cho độc giả nhỏ tuổi vừa hồi hộp theo dõi, vừa thích thú khám phá. Truyện thiếu nhi của Tô Hoài không rơi vào tình trạng dạy dỗ cho con trẻ những bài học luân lý cứng nhắc, không bắt chúng tập làm người lớn từ thưở còn bé thơ. Từng bước một, lũ trẻ sẽ hiểu dần được đời sống từ những bài học đường đời đầu tiên. Có lẽ nhờ thế mà dẫu cho Đoremon hay những truyện tranh khác của nước ngoài mặc dù được nhập vào nước ta khá nhiều trong những năm gần đây nhưng tôi tin, tuổi thơ vẫn thích đọc Tô Hoài như cha anh chúng đã từng say mê trong suốt mấy chục năm qua. Đây là một vinh dự mà không phải cây bút chuyên viết cho thiếu nhi nào cũng có được.

    Nói đến Tô Hoài không thể không nói đến tài năng sử dụng ngôn ngữ của ông. Tô Hoài rất ít khi dùng thứ ngôn ngữ óng ả, sặc mùi sách vở. Chữ nghĩa của ông cất lên từ đời sống. Nhưng đó là thứ ngôn ngữ được chắt lọc," thôi xao "kỹ lưỡng. Các chi tiết nghệ thuật trong văn Tô Hoài thường là kết quả của một quá trình quan sát tinh và sắc. Muốn thế, chữ nghĩa phải giàu khả năng tạo hình và có khả năng biểu đạt các tình huống, các sự kiện một cách chính xác nhất. Nhưng tôi nghĩ, điều đáng nói nhất là việc Tô Hoài thực sự đã xác lập được một nhãn quan ngôn ngữ tự sự cho chính bản thân ông. Cũng giống như chàng thợ sơn guốc Kim Lân, thưở nhỏ, Tô Hoài không có điều kiện học hành. Đó là một thiệt thòi lớn. Nhưng ông đã biết cách bù lại bằng khả năng tự học mà nếu không bền chí, hẳn ông đã rất khác so với một Tô Hoài vạm vỡ hôm nay. Những bài học, những kinh nghiệm ấy được Tô Hoài bày tỏ, đúc rút trong các tác phẩm: Một số kinh nghiệm viết văn của tôi (1959), Người bạn đọc ấy (1963), Sổ tay viết văn (1977), Nghệ thuật và phương pháp viết văn (1997). Tô Hoài cho biết, ông là người chịu khó ghi chép. Với ông:" Học chữ và tiếng nói là cần thiết. Trong ba cửa: Tiếng nói quần chúng, tiếng nói trong vốn cũ và trong vốn nước ngoài, học tiếng nói quần chúng là quan trọng hơn cả "(Sổ tay viết văn). Quan niệm này của Tô Hoài rất gần gũi với quan niệm của người xưa: Thơ ca sơ học tang ma ngữ. Nhờ ý thức bám lấy ngôn từ của đời sống và dám tạo nên những cách nói mới mà văn Tô Hoài có khả năng gây ám ảnh. Ai kia viết văn có thể tùy hứng, Tô Hoài thì không. Ông có ý thức nghệ thuật riêng. Trong lần trò chuyện với nhà văn Nguyễn Công Hoan về kiến trúc câu văn, Tô Hoài cho biết:" Trước tiên, khi viết văn, bao giờ tôi cũng nghĩ là mỗi câu văn là do từng hình ảnh xuất hiện liên tiếp, từng chữ mang hình ảnh nối vào nhau. Chữ của câu văn phải như gõ vào, nó kêu được. Chữ phải làm nổi hình ảnh liên tiếp. Cho nên tôi cố gắng, một là chỉ cho người đọc thấy được dáng câu, chứ không thấy được kiến trúc câu; hai là cách cấu tạo câu phải là hình ảnh, hình ảnh liên tiếp. Người ta đọc bằng mắt, chữ vào trong óc, bao giờ cũng trở thành hình ảnh trước, tôi cố gắng làm theo những cách trên ". Có thể, cái kinh nghiệm này của Tô Hoài chưa chắc đã ứng hoàn toàn với các nhà văn khác. Nhưng với ông, đó là một quan niệm, và quan niệm ấy hiệu quả với con đường viết văn của chính ông.

    Thời gian mới gần đây, vì có tham gia các đề tài liên quan đến chương trình nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, thi thoảng tôi được gặp nhà văn Tô Hoài tại trụ sở Hội Nhà văn Hà Nội - 19 Hàng Buồm. Trước mắt tôi là cây đại thụ của văn học Việt Nam hiện đại, người đã khiến chúng tôi say mê từ thời thơ ấu với những chú Dế Mèn hào hiệp thích ngao du. Ông vẫn rất kín tiếng, ít nói, mà có nêu nhận xét thì cũng rất ngắn. Chỉ thấy, ông cứ hý hoáy với mấy tờ giấy. Nhưng xem ra, không một câu nói nào tại cuộc họp thoát khỏi đôi tai vẫn còn rất thính của ông. Có lẽ, Tô Hoài vẫn nghe, và vẫn viết. Hoặc, tan họp, ông về ngay để viết nốt những dòng còn dang dở. Ngày nào không viết hẳn ông sẽ buồn chân buồn tay đến độ bứt rứt. Còn nhớ, ngày mừng thọ Tô Hoài lên bảy mươi, Tế Hanh đã có một nhận xét thật chính xác về bạn mình:" Có những người như Picasso sinh ra để vẽ. Ở một mức độ nào đó, cũng có thể nói Tô Hoài sinh ra để viết"(2). Thì tôi vẫn thấy Tô Hoài đang hý hoáy, ngay giữa cuộc họp đó thôi. Cách chiếc bàn ông ngồi độ vài sải chân là chiếc cửa sổ sơn xanh. Từ đó, có thể nhận ra những cây cổ thụ của phố phường Thăng Long hãy còn xanh lá trong màu vàng hổ phách của nắng thu.

    NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP

    Nguồn: Tạp chí Nhà văn (6/2011)

    * * *

    1. Nguyễn Đăng Mạnh: Nhà văn Việt nam hiện đại - Chân dung và phong cách, NXB Trẻ. Tp HCM. 2000, tr 288.

    2. Chi tiết này dẫn theo Vương Trí Nhàn trong bài viết Tô Hoài và muôn mặt đời văn, In trong Tô Hoài - về tác gia và tác phẩm (Phong Lê giới thiệu, Vân Thanh tuyển chọn), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000, trang 582.


    Xem thêm:

    Đăng bài viết kiếm tiền cho học sinh *hot*

    Hướng dẫn kiếm tiền trên Binance

    Hướng dẫn kiếm tiền trên Remitano
     
    Admin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng bảy 2023

Chia sẻ trang này

Đang tải...