Cảm nhận bài thơ làm anh Đọc bài thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, hẳn các bạn nhỏ - nhất là những em nam đang giữ "vai trò" như vậy trong gia đình sẽ thấy ngay được một điều: Làm anh kể cũng lạ, vừa dễ mà cũng lại vừa khó. Dễ, là bởi những điều tác giả đặt ra hoàn toàn các em có thể thực hiện được. Khó, là vì chấp nhận những điều ấy cũng có nghĩa chấp nhận một phần thua thiệt, kể cả việc phải từ bỏ sự hiếu thắng kiểu con nít, nói tóm lại là phải học cách sống có phần "người lớn". Điều này xem ra không phải bạn nhỏ nào cũng dám "đăng ký" để mà thực hành đâu. Trước nhất, khi em bé khóc, thì động tác ban đầu của các em là ra sao? Nên nhớ, các em bé chưa thể hiểu được mọi lẽ như chúng ta khi đã lớn, lại được đi học, được bố mẹ thầy cô giảng giải cho nhiều điều. Mà vì còn bé, các em lại chưa biết nói nữa chứ, hoặc giả có biết thì cũng bập bẹ, chưa thể diễn đạt được hết những ý nghĩ, những mong muốn của mình. Thành thử, khi em bé khóc, việc đầu tiên của "những người anh" là phải tìm cách dỗ dành, vừa là để em nín, vừa là để tìm xem nguyên nhân đó tại đâu. Tất nhiên, trẻ con thường chỉ khóc bởi hai lẽ: Hoặc vì bị đau, hoặc để vòi vĩnh này khác. Mà chỉ có hai anh em chơi với nhau, nếu em bé khóc, thì ít nhiều lỗi này thuộc về "ông anh" trông coi kia thôi. Mọi người sẽ nghĩ như thế và cả bố mẹ cũng sẽ trách như vậy. Còn "khi em ngã" thì nhất thiết phải đỡ em lên rồi. Kể ra khi em "ăn vạ" và lăn ra cũng vậy. Lăn ngã không chỉ làm đau em mà còn làm bẩn quần áo, làm bận lòng cha mẹ. Nhưng tại sao, sự thể chỉ có thế mà tác giả lại phải viết, phải nhắc kỹ: Nếu em bé ngã Anh nâng dịu dàng Là vì tiếng thế, chứ cũng có những "ông tướng" làm thì làm, nhưng mà bất đắc dĩ, thậm chí chỉ vì sợ nữa, nên trông "nâng" em gì mà cứ như lôi em lên vậy, lôi xềnh xệch. "Trẻ em như búp trên cành". Với chúng, cần phải nâng niu gượng nhẹ thôi. Nếu không cẩn thận, dễ "xảy một li đi một dặm", sau này có những biến chứng gì thì thật nguy hiểm. Một cái khó nữa - với những cậu bé thực sự muốn xứng đáng những người anh gương mẫu - là phải nhường nhịn em bé - kể cả những gì mình ham thích. "Mẹ cho quà bánh" biết tính em bé bao giờ cũng thích phần hơn, thì chia cho em nhiều hơn. Chia như vậy, nếu có mất thì mất ít, mà được thì lại được thật nhiều. Được mọi người khen ngoan, "thảo" tính, được bố mẹ quý trọng (các em yên chí, chẳng bố mẹ nào để những đứa con ngoan chịu thiệt cả. Mọi sự sẽ được bù đắp sau). Rồi đến khi có đồ chơi cũng vậy. Các em bé chúng ta đang ở thời kỳ tập phân biệt màu sắc, rồi phân biệt xấu đẹp. Nếu cái gì em thích - mà đẹp thật - thì cứ nén nhịn nhường em, để khuyến khích em vui chơi, như vậy là các em đã đỡ được cho bố mẹ nhiều biết bao nhiêu. Đọc Làm anh, chúng ta thấy giọng thơ của tác giả thật mềm mại, ấm áp. Cách nói sao mà khéo, dỗ dành đến ngọt. Ở đoạn thứ ba, chỗ phải "chia chác" ấy, có lẽ là khéo nhất. Chia quà bánh - tác giả không bắt em phải chia hết. Nhường đồ chơi, tác giả chỉ nhắc nên "nhường đồ chơi đẹp" chứ không phải nói nhường cả. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chẳng khác gì một người mẹ rất hiểu rõ tâm lý của từng đứa con ở vào những giây phút như vậy, nên đòi hỏi cũng ở mức độ vừa phải. Thế đấy, "Làm anh khó đấy/ Phải đâu chuyện đùa". Nhưng, đúng như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nói lại ở đoạn kết, khó thì khó vậy "Nhưng mà thật vui" và "ai yêu em bé/ Thì làm được thôi". Bởi vì, suy cho cùng, thì "Làm anh" khó nhất cũng là ở lý do này: Đất nước ta đang thời kỳ kế hoạch hóa gia đình, sẽ ngày càng ít cậu bé có điều kiện để "làm anh", trở thành "anh" khi mà khẩu hiệu đặt ra là "Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có một hoặc hai con". Nói thế, để các bạn nhỏ càng phải biết nâng niu, quý trọng những gì mình đang có và cố gắng sao cho xứng đáng với danh hiệu ấy.