Review Cảm Nhận Truyện Người Thầy Đầu Tiên - Chinghiz Aitmatov

Thảo luận trong 'Sách Truyện' bắt đầu bởi Thuỳ Chi, 30 Tháng mười một 2019.

  1. Thuỳ Chi

    Thuỳ Chi Well-Known Member

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    387
    Dành tặng: Người thầy đầu tiên

    Trong suốt những năm tháng của tuổi học trò, bạn đã được bao nhiêu thầy cô dạy dỗ? Liệu bây giờ bạn còn nhớ tới người giáo viên đầu tiên cầm tay bạn viết từng nét chữ, học từng câu ca? Tôi không quên được cô giáo đầu tiên của mình. Antưnai không quên được người thầy đầu tiên của cô ấy. Và hẳn những ai đã từng đọc qua tác phẩm "Người thầy đầu tiên" chắc cũng không thể quên được hình ảnh của thầy Đuysen.

    Lần đầu tiên tôi "gặp" thầy Đuysen là khoảng 10 năm trước, khi tôi còn là một cô bé hay tằm lục tủ sách cũ để tìm sách đọc giết thời gian. Tình cờ làm sao tôi tìm được cuốn sách giáo khoa văn học (sách cũ chưa cải cách, đã bị gián gặm lỗ chỗ) có đăng hai đoạn trích nhỏ về tác phẩm: Người thầy đầu tiên.

    [​IMG]

    Ấn tượng đầu tiên về thầy có lẽ là nụ cười ấm áp. Trong hoàn cảnh phải vất vả, tự mình dọn dẹp nhà kho cũ để làm trường học nhưng khi thấy Antưnai và các bạn ghé qua trường, thầy vẫn cười nhiệt tình giới thiệu với các em, khuyến khích các em đi học. Ấn tượng đó càng sâu đậm hơn khi ở đoạn thầy cõng học trò qua suối trong mùa đông lạnh giá. Làn nước lạnh băng, tay thì bế, lưng thì cõng, người qua lại thì cười nhạo báng, ấy thế mà thầy vẫn mỉm cười, động viên học trò bằng những câu chuyện cười dí dỏm. Nụ cười ấy vẫn không tắt như niềm tin của thầy vậy.

    Sau này khi đọc toàn bộ tác phẩm, tôi đã hình dung về thầy một cách rõ ràng hơn và càng thấy cảm phục thầy hơn bao giờ hết. Một người thanh niên trẻ tuổi không nhà cửa, ruộng vườn, học chưa hết bảng chữ cái vậy mà lại có ý định xây một ngôi trường ở nơi heo hút xa xôi. Người thanh niên ấy đã tự mình dọn dẹp nhà kho cũ, sửa chữa lại, chuẩn bị mọi thứ cho ngôi trường mới. Người thanh niên ấy vượt qua những phản đối của dân làng, thuyết phục người dân cho bọn trẻ được đến trường học cái chữ. Người thanh niên ấy chẳng hề có sách giáo khoa hay chương trình dạy học nhưng đã dạy lũ trẻ bằng tất cả vốn hiểu biết, bằng cả niềm tin và lòng nhiệt tình. Kiên nhẫn chỉ bảo học trò cách cầm bút sao cho đúng, giảng giải những từ chúng chưa hiểu, đem lại một thế giới rộng lớn bao la cho những đứa trẻ chưa hề bước chân ra khỏi làng.

    Động lực gì đã khiến thầy có quyết tâm như thế? Tại sao thầy có thể kiên trì đến vậy, chịu đựng những lời châm chọc nhạo báng của dân làng? Điều gì đã thúc đẩy thầy thoát khỏi đàn sói dữ trong đêm bão tuyết? Là bổn phận, là nhiệm vụ của người cộng sản? Hẳn là không phải. Tôi nghĩ lý do đầu tiên chính là tình yêu của thầy dành cho quê hương mình. Làng Kukurêu của thầy, làng Kukurêu nghèo khó bao đời nay chỉ biết có trồng trọt và chăn gia súc. Dưới ánh sáng của chế độ mới, thầy hy vọng và mơ ước những đứa trẻ mình dạy hôm nay có thể trưởng thành, xây dựng một tương lai tươi sáng không chỉ cho nơi chôn rau cắt rốn của mình mà còn cho cả đất nước Nga Xô- viết đầy yêu thương. Niềm tin ấy và lòng nhiệt tình vô bờ bến đã biến thành sức mạnh giúp thầy vượt qua tất cả, truyền tải đến những người học trò thân yêu.

    Nhưng cũng có lúc sức mạnh ấy tỏ ra không hữu dụng. Một người thầy chỉ có phấn, vở, bút viết và bảng đen chống lại những tàn dư của xã hội cũ mới khó khăn làm sao. Thầy đã thất bại trong việc bảo vệ Antưnai khỏi cuộc hôn nhân cưỡng ép. Tôi đã bật khóc khi đọc đến đoạn thầy bị bọn người xấu hành hung, đánh gãy tay, còn bị gậy nhọn đâm vào người. Thầy tuy đã gục ngã nhưng vẫn cố đứng dậy đuổi theo nhưng không thành công. Antưnai phải trải qua những ngày thánh nhơ nhớp, khốn khổ nhất trong cuộc đời. Tiếng hét cuối của thầy trước khi cô bị bắt đi nghe thật thê lương mà bất lực.

    Với những nỗ lực của mình, thầy không chỉ cứu Antưnai thoát khỏi cuộc hôn nhân kia mà còn giúp đỡ cô được đi học ở tỉnh. Gột rửa qua khứ, dẫn đường cho cô trở lại với cuộc sống mới tốt đẹp hơn bằng niềm tin của mình. Thầy vẫn luôn tin rằng rồi có ngày Antunai sẽ lớn lên đầy hoài bão, thành công rực rỡ như hai cây phong mà hai người đã trồng trên đồi.

    Buổi chiều chia ly cuối cùng dường như thầy vẫn chưa nói hết được lòng mình.

    An-tư-ư-na-ai!

    Đuysen gọi như thể vừa quên nói với tôi một điều gì vô cùng quan trọng bỗng sực nhớ ra, tuy biết rằng bây giờ đã muộn mất rồi.. cho đến nay trong tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng gọi ấy, thốt lên tự đáy lòng, từ những nơi sâu kín nhất của tâm hồn Đuysen..


    Điều thầy muốn nói là gì?

    Tôi vẫn luôn nghĩ thầy có tình cảm với Antưnai, nhưng vì sao thầy lại không nói ra? Là vì thầy hối hận khi không bảo vệ được cô khỏi bị bắt? Là vì sợ mình sẽ cản trở con đường phát triển của cô? Để rồi cuối cùng, Antưnai cũng đã có một gia đình êm ấm, còn thầy trở về làng sau bao năm xa cách, làm một người đưa thư nhiệt tình có trách nhiệm của làng mà không kết hôn, sống một cuộc sống bình lặng không cầu danh lợi.

    Thôi, đành giữ lại những tình cảm chôn giấu dưới đáy lòng. Những kỷ niệm về ngôi trường, về người thầy đầu tiên sẽ vẫn mãi còn đó cùng hai cây phong trên đồi cao.

    [​IMG]
     
    Last edited by a moderator: 10 Tháng bảy 2020
Từ Khóa:

Chia sẻ trang này

Đang tải...