Truyện Nam Cao thuộc loại truyện tâm lý, ít có biến cố nhưng giàu chất truyện, có sức ám ảnh, khơi gợi. Nhà văn đã đụng chạm đến vấn đề con người. Đề tài chính của ông là người nông dân nghèo và trí thức nghèo. Tác phấm Sống Mòn viết xong năm 1944, xuất bản năm 1956 ban đầu với tên gọi Chết Mòn - Nhà xuất bản Văn nghệ. Nội dung của tác phẩm nói lên bi kịch của người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ, cái xã hội tàn nhẫn đã vùi dập mọi ước mơ, hoài bão của mình, tước đi ý nghĩa sự sống chân chính của con người. Tóm tắt sơ qua nội dung tác phẩm Sống Mòn Thứ là một thanh niên được học hành, có hoài bão, chí hướng. Sau khi lấy được bằng Thành chung, y vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Nhưng sau 3 năm, nghèo khó, bệnh tật, y phải về quê, chịu cảnh thất nghiệp. Trong thời gian đó, Đích – anh họ đồng thời cũng là bạn của Thứ cùng vợ chưa cưới là Oanh mở một trường tư ở ngoại thành Hà Nội. Do phải công tác xa, Đích mướn Thứ đứng tên hiệu trưởng và dạy ở trường. Cùng dạy với Thứ, Oanh còn có San. Ban đầu Thứ hết lòng vì công việc nhưng sau đó, việc nhiều mà chỉ được trả những đồng lương còm cõi, lại bị bớt xén khẩu phần ăn hằng ngày, y khó chịu, chán nản, đôi khi muốn trả miếng nhưng rồi tự cảm thấy xấu hổ và ân hận. Nhiều lần Thứ muốn nói chuyện dứt khoát với Oanh nhưng do bản tính nhút nhát, do dự, ngại va chạm nên y đã không làm. Cuộc sống chung đụng khiến cho mâu thuẫn giữa Oanh với San và Thứ ngày càng gay gắt. Không thể chịu đựng thêm, hai người đã nhờ Mô – cậu giúp việc của trường tìm một nơi ở mới. Ở đây, họ sỗng dễ chịu hơn và Thứ đã có dịp nhìn nhận, suy nghĩ về những người sống quanh mình. Y nhận thấy cuộc sống của mình và những người xung quanh chẳng có ý nghĩa gì. Kiếp sống nghèo khổ đã thui chột ước mơ, hoài bão và đẩy y đến cảnh "sống mòn". Y trở nên ti tiện với bạn bè, nhỏ nhen với vợ. Khi nghe Đích ốm nặng, y đã thầm mong Đích chết nhưng sau đó lại khóc, khóc cho cái chết của tâm hồn. Kỳ nghỉ hè, Thứ tưởng được thanh thản nhưng nào ngờ lại phải đối mặt với những chuyện khó chịu, làm khổ nhau một cách vô lý ở thôn quê và ở ngay trong gia đình. Đến khi ra Hà Nội, y lại gặp những tình huống bất ngờ: Trường phải đóng cửa vì thành phố luôn trong tình trạng báo động, Đích đang hấp hối trên giường bệnh.. Thứ đành phải trở về quê. Anh chua chát hình dung đời mình sẽ mục ra, và sẽ "chết mà chưa kịp sống". Nhưng nghĩ đến cuộc chiến tranh đang diễn ra, lòng Thứ đột nhiên lóe lên tia hy vọng về một cuộc sống công bằng, tốt đẹp hơn. Nếu ta tìm hiểu bên trong tiểu thuyết sẽ thất tần suất của các sự kiện, biến cố trong Sống mòn không nhiều thậm chí những sự kiện, biến cố này chỉ mang tính chất vụn vặt, tủn mủn với những vấn đề hết sức đời thường, quen thuộc. Ví như sự kiện khi thấy San được Dung quý mến và có cảm tình thì Thứ ganh tị, so đo vì y nghĩ một người như y xứng đáng có được tình cảm ấy hơn San. Một con người luôn muốn cư xử tốt với mọi người nhưng cuộc sống đã khiến y trở nên ích kỉ, nhỏ nhen. Có thể nói những sự kiện, biến cố trong Sống mòn không lớn lao mà chỉ là những xung đột quẩn quanh cuộc sống thường nhật với những nỗi lo, mối quan tâm hết sức quen thuộc. Chỉ là những đòi hỏi mong ước thỏa mãn thói ích kỉ cá nhân tức thời như hành động y vét sạch đĩa rau để trêu tức Oanh. Nhân vật trong tiểu thuyết Sống mòn được đặt trong những xung đột được triển khai trên nhiều bình diện. Từ đó tính cách và bản chất của họ được hình thành, phát triển. Oanh ngoài mặt tỏ vẻ đồng cảm, thương xót cho số phận của hai bạn đồng nghiệp nhưng ngày ngày bớt xén từng bữa ăn của họ, thậm chí trả lương không xứng với công sức mà hai người bạn bỏ ra. Bản chất, tính chất giả nhân giả nghĩa của Oanh hiện ra cụ thể hơn qua thái độ, cách ứng xử của thị. Hay như tính cách con người thật của Thứ ngày một rõ nét trong các mối quan hệ khác nhau. Nhận ra bản tính xấu xa của Oanh, Thứ thấy nếu mình sống với người nhỏ nhen thì mình cũng thành nhỏ nhen. Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm thì Thứ và San quyết định chuyển phòng trọ. Ở nơi ở mới, Thứ có dịp nhìn nhận, suy nghĩ về cuộc đời. Những lo lắng tủn mủn khiến họ chìm vào trong chuỗi ngày sống vô nghĩa. Nó khiến y phải rơi vào cảnh "sống mòn", trở nên vô cảm trước tin người thân bị bệnh nặng. Khi nhận được tin Đích bị bệnh nặng, khó lòng qua khỏi thì phần "con" trong Thứ lộ ra "Thứ chẳng rỏ giọt nước mắt nào", thậm chí tàn nhẫn hơn là thầm mong cho Đích chết "giá Đích chết ngay đi". Y vô tình như vậy phải chăng phần "người" trong y đã bị chết yểu? Song có thể khẳng định là nó không bị chết "yểu" bởi Thứ đã đau đớn "tột cùng" và đã khóc cho sự ra đi, cằn cỗi của tâm hồn mình. Nhìn chung các sự kiện nêu trên đều chỉ là những thay đổi nho nhỏ, quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Nó là nguyên nhân của những thay đổi trong đời sống tâm lý của nhân vật. Nhân vật Thứ trong truyện đã luôn phải thực hiện những động tác phân tích, tự nhận thức, lựa chọn. Không hài lòng trước sự giả dối, keo kiệt của Oanh, Thứ cũng muốn nói cho Oanh biết rõ nhưng rồi lại thấy tự xấy hổ, ân hận, vừa lên án, vừa biện hộ cho những tính xấu của Oanh. Hay kiếp sống nghèo khổ khiến Thứ nhỏ nhen, ti tiện với bạn bè, tàn nhẫn, nghi ngờ vợ, ghen bóng, ghen gió, làm khổ vợ và chính mình. Và cứ thế tâm lý nhân vật triền miên, nối tiếp nhau cho đến hết truyện. Thông qua các sự kiện, tình tiết, tính cách nhân vật được hình thành và phát triển. Từ đó Nam Cao làm nổi bật tư tưởng của tác phẩm: Nỗi đau xót trước bi kịch vật chất và bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ, những người phải chịu kiếp "sống mòn", "chết mà chưa sống". Có thể nói Sống mòn có một cốt truyện đơn giản. Cốt truyện này đơn giản đến nỗi giống như: Không có cốt truyện, hiểu theo nghĩa không có sự kiện, biến cố gì đáng kể làm thay đổi số phận nhân vật - Nhận xét của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh. Một tác phẩm văn học bao giờ cũng gồm nhiều yếu tố, nhiều bộ phận khác nhau: Sự kiện, tính cách, cảm xúc, hình ảnh, hình tượng.. Nhà văn trong quá trình sáng tạo tác phẩm đã sắp xếp, tổ chức các yếu tố, các bộ phận khác nhau đó theo một hệ thống, một trật tự nhất định, gọi là kết cấu. Bởi vậy, có thể nói, kết cấu đóng vai trò rất quan trọng trong viếc tổ chức và xây dựng một tác phẩm cũng như trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác giả. Trên bước đường ra đời và phát triển của mình, tiểu thuyết đã trải qua nhiều kiểu kết cấu khác nhau: Kết cấu xâu chuỗi các sự kiện theo trình tự thời gian, kết cấu theo quy luật tâm lý, kết cấu đơn tuyến, kết cấu song tuyến, kết cấu đa tuyến.. Sống mònlà tiểu thuyết phác họa một cách chân thực, rõ nét cuộc sống mòn mỏi, bế tắc cả về vật chất lẫn tinh thần của tầng lớp trí thức tiểu tư sản trước Cách mạng tháng Tám. Những mòn mỏi, bế tắc này hiện lên sinh động qua kết cấu tâm lý. Kết cấu tâm lý giúp Nam Cao đi sâu vào những biến động tinh vi, đời sống nội tâm của Thứ cũng như bi kịch tinh thần của cả giới trí thức nghèo trong cuộc đời tù túng, chật hẹp, bị áo cơm ghì sát đất. Sống mònkhông phải là một tiểu thuyết bộn bề sự kiện, biến cố mà tập trung miêu tả cuộc sống tinh thần của Thứ trước các sự kiện ấy. Có thể nói Sống mòn là chặng đường mà Thứ từ một chàng trai trẻ tuổi đầy mơ mộng, đầy hoài bão, hăm hở sống, hăm hở phấn đấu "Còn chút thì giờ thừa nào, y học rất chăm. Y đợi một dịp may mắn để có thể xin xuống làm bồi tàu để đi sang Pháp. Y sẽ sang đấy, để nhìn rộng, biết xa hơn để tìm cách học thêm. () Tạng người y không cho y cầm súng, cầm gươm. Y sẽ cầm bút mà chiến đấu.." trở thành một Thứ "nhu nhược quá", "hèn yếu quá", buông xuôi, "không bao giờ cưỡng lại", "chỉ để mặc con tàu mang đi". Trongchặng đường ấy, những gương mặt dù có tác động trực tiếp, quan trọng đến cuộc đời Thứ hay chỉ là thoáng qua đều được nhìn qua con mắt, cảm nhận, qua trăn trở, suy nghĩ của y. Những tính toán của Oanh, Đích, những phản ứng quyết liệt của San, thứ tình yêu chân chất, bộc trực của Mô – Hà, hay cuộc sống nghèo đói của gia đình Thứ thấp thoáng sau ba lần về quê.. đều đi liền với diễn biến tâm trạng, đi liền với những nhìn nhận, đánh giá của y. Kết cấu tâm lý khiến Sống mòn phác họa thành công không chỉ cuộc sống mòn mỏi, ngày càng đen tối của tầng lớp trí thức tiểu tư sản nghèo mà còn nhấn mạnh sự "chết mòn" của họ về tinh thần, trí tuệ. Sống mòn đã vẽ nên cụ thể bi kịch của Thứ, từ một người đầy lí tưởng, muốn sống có ích hơn cho xã hội, muốn thể hiện những khát vọng tốt đẹp lại bị tống về xó nhà quê ăn bám vợ, trở thành ích kỉ, nhỏ nhen, sĩ diện hão; từ một người muốn lấy tình thương để đối xử với người khác lại có lúc mong người bạn – người anh họ của mình chết để được cả cái trường y đang dạy.. Kết cấu tâm lý vì thế không những giúp chủ đề tư tưởng của tác phẩm hiện lên đặc sắc mà còn góp phần quan trọng vào việc thể hiện thành công tính cách nhân vật. Trong Sống mòn, những bi kịch không có lối thoát của Thứ còn được Nam Cao miêu tả qua lối kết cấu vòng tròn – một vòng tròn luẩn quẩn mà nhân vật ở trong đó đối diện với nó nhưng không thoát ra được. Đó là những chuyện ghen tuông, những nghèo túng, đố kị, tự ái và những chuyện thèm đi để đổi đời. Đọc Sống mòn, những ai mới tiếp xúc lần đầu đều dễ cảm thấy uể oải, chán chường bởi các tình huống tương tự như nhau, những ghen tuông, tự ái, nhỏ nhen cứ trở đi trở lại, Những trang văn của Sống mòn bày ra trước mắt người đọc cuộc sống nghèo khổ của Thứ, của San, của gia đình Thứ, gia đình Mô; những ghen tuông của Thứ với Liên; những ghen tị nhiều lúc đến thành ích kỉ, độc ác của Thứ với Oanh, Đích; những hi vọng le lói rồi lại thất vọng tràn trề của y.. Quanh quẩn bởi vòng tròn đó, với những đoạn độc thoại nội tâm dài, Sống mòn khiến người đọc như được nếm trải cụ thể cái không khí ngột ngạt, bức bối, khó chịu mà nhân vật đang sống. Kiểu kết cấu này khiến những bế tắc trở nên đậm đặc hơn, thể hiện đầy đủ hơn tư tưởng của tác giả. Sử dụng kết cấu tâm lý, kết cấu vòng tròn, Nam Cao đã tổ chức một cách chặt chẽ cấu trúc tác phẩm, giúp Sống mòn diễn tả được cái bi kịch chết dần chết mòn về mặt tinh thần của tầng lớp trí thức nghèo trước Cách mạng tháng Tám bằng nét hấp dẫn, độc đáo riêng không lẫn với một ai khác. Trong Sống mòn Nam Cao xây dựng nhân vật trên chất liệu đời thường. Cuộc sống của từng nhân vật đều được khắc họa từ những chuyện vặt vãnh, nhí nhách trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, từ trí thức đến nông dân. Đó là một thế giới nhân vật sống động, vừa gần gũi vừa mới lạ, mang đậm dấu ấn đặc sắc trong bút pháp miêu tả. Các nhân vật đi vào cuộc sống tự nhiên như thực tại đang diễn ra và con người hiển nhiên phải sống với hoàn cảnh đó. Sống mòn một tác phẩm hiện thực đã kết tinh và thành công nổi bật trong cách xây dựng nhân vật đặc biệt là nhân vật điển hình đại diện cho tầng lớp trí thức thời đó. Có thể nói nhân vật điển hình trong Sống mòn là Thứ – một thanh niên trí thức nghèo luôn luôn suy nghĩ, dằn vặt giữa nỗi lo tồn tại với khát vọng cao xa về một lý tưởng tốt đẹp. Nhưng trong bản thân Thứ lại tồn tại những mâu thuẫn khó lý giải. Y vừa tự ti nghĩ "mình chỉ là một anh giáo khổ trường tư, lương kém lương anh bồi khách sạn to", không dám vào nhà Hải Nam vì y là người vốn "hãi người" như gia đình hay mắng nhưng có lúc lại táo bạo đến mức cố ý "rẽ vào con đường tối.. ước ao được một cô gái giang hồ ngăn lại khoác tay lên vai..". Có lúc y có những hành động trả miếng lại Oanh ích kỉ, đê tiện, nhưng có lúc lại tế nhị đến mức cứ áy náy mãi chỉ vì sự có mặt của mình và San trong nơi trọ mới gia đình ông Học "làm vướng víu cái hạnh phúc giản dị của gia đình họ". Đó là sự giằng xé nội tâm, một sự trộn lẫn nhiều tính cách trong một con người ở từng hoàn cảnh cụ thể. Nhân vật Thứ được minh họa đầy sức thuyết phục đúng như Rubinsten đã nói "mỗi người là cả một nước cộng hòa nhiều chủ thể". Trong mỗi nhân vật trí thức của Nam Cao, họ luôn tự đối mặt và đối thoại với nhau. Đó là thế giới của những dằn vặt, những suy tư, ao ước, trăn trở của một anh trí thức nghèo. Thứ đã từng có khát vọng lý tưởng, hăm hở đón một chuyến đi Tây không biết nản, náo nức ý nguyện cải tạo và xây dựng cái trường. Nhưng chỉ mới sau vài năm sống trong cuộc sống tù tùng, nghèo đói con người Thứ đã trở nên ti tiện, ích kỉ và tính toán. Cuộc sống đã vùi dập ước vọng của Thứ, khiến y một mặt muốn đối xử với mọi người bằng tình thương nhưng một mặt y lại hẹp hòi, tàn nhẫn vì sĩ diện hão. Chứng kiến cảnh người ta nói vợ San ngoại tình, trong lòng Thứ cảm thấy hả hê và vừa lòng lắm. Thứ đã nhanh chóng trở thành một anh nhà giáo lù rù, xo xúi, an phận. Những ước mơ cao rộng của y dần dần bị lụi tắt, mọi suy tính của y không vượt ra nổi vòng vây áo cơm cứ thít chặt quanh cái gia đình lớn bé của anh, rộng ra là cả một quần thể người sống quanh anh – nơi một cái làng quê, và một xóm nhỏ ngoại ô, "kiếp chúng mình tức lạ. Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tí.. Như vậy thì sống làm gì cho cực?". Đó là hình ảnh một con người trí thức bị bào mòn dần về nhân cách và tinh thần, họ như đang chết mòn trong cái cuộc sống chật hẹp khốn khổ không thể thực hiện được chí hướng của chính mình. Trong Sống mòn, tác giả đã miêu tả một cách sâu sắc diễn biến tâm lí nhân vật Thứ. Thông qua những giằng xé nội tâm, những ngờ vực, tự thú, tự lên án và tự vượt mình để hướng tới cộc sống xứng đáng cho con người thật sự là người hơn. Nhân vật tự độc thoại với bản thân, chỉ dám nghĩ chứ không dám bộc lộ ra cho người khác thấy "y chỉ nghĩ rằng: Mình ở chung với những người nhỏ nhen lắm, tất có ngày cũng đến thành nhỏ nhen như họ mất thôi". Với nhân vật Thứ tác giả đã góp phần làm phong phú thêm về các nhân vật điển hình của văn học hiện thực mà nổi bật ở đây là tầng lớp trí thức nghèo. Trong từng nhân vật, Nam Cao đã phanh phui, bóc trần mọi ngõ ngách sâu kín vốn có trong lòng dạ con người. Tâm lí nhân vật được thể hiện qua những cảnh cắn rứt hành hạ lẫn nhau, giữa cái chật hẹp của hạnh phúc và tự làm tình làm tội mình qua một chuỗi ân hận, dằn vặt, xót xa. Thứ đã nhiều lần nghĩ xấu về Đích, khi thấy Đích bệnh nặng không qua khỏi một mặt Thứ mong cho hắn chết ngay đi, một mặt lại thấy cảm thương cho Đích. Hay khi y nghi ngờ vợ, tát vợ một cái để rồi lại tự mình đau khổ. Chính nghèo hèn đã đẩy nhân vật vào cuộc sống chạy theo cơm áo gạo tiền mà không biết mình đang bị bào mòn bởi chính cái nghiệt ngã đó. Và từ đây, con người có những hành vi ích kỉ, hẹp hòi, nghi ngờ lẫn nhau: Thứ nghi ngờ Oanh, Đích lừa công sức bạn bè mình để kiếm tiền, nghi ngờ cả Oanh ở nhà không chung thủy.. Nhân vật của Nam Cao nếu nhìn rộng ra nữa không chỉ nói về riêng trí thức. Trong Sống mòn, cuộc sống của những người dân lao động cũng hiện ra rất rõ nét. Luôn luôn song hành cùng nhân vật trí thức Thứ là Mô, gia đình ông Học, anh xe.. Tất cả họ đều sống vất vả ngày đêm làm việc mong kiếm miếng ăn đủ no. Cuộc sống nghèo ấy không chỉ ở thành thị mà ở thôn quê lại càng khổ cực hơn. Trong gia đình Thứ, từ người già đến trẻ em họ không được ăn no mà mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cầm chừng. Hình ảnh những nhân vật khác còn được tác giả miêu tả rất sinh động trong cuộc sống hằng ngày của họ, như gia đình ông Học với nghề đậu phụ. Họ có một mái ấm với hạnh phúc đơn sơ cùng những tiếc cười của trẻ thơ, của bà vợ khi nghe ông học thổi kèn tàu để giải trí. Rõ nét hơn, tác giả khắc họa tính cách của ông Học lúc thì hiền lành trong việc hòa giải mâu thuẫn giữa vợ anh xe và chồng cũ của cô, có lúc lại khó tính đến nỗi cứ chửi sa sả vào anh xe khi mang trả đôi chiếu để lấy lại vài hào. Hay như Mô – đứa long toong của trường được tác giả nhắc đến nhiều lần trong truyện. Khi Thứ rộng rãi với mình, y hay nói xấu tính bủn xỉn của Oanh, nhưng khi Thứ túng thiếu phải tính toán hơn thì y lại tỏ vẻ khinh khỉnh.. Cuộc sống khiến con người thay đổi ngay cả trong cách đối xử với nhau. Ngoài ra, đọc Sống mòn ta còn thầy thấp thoáng hình ảnh của người phụ nữ với những tính cách đa dạng, khác nhau trong từng nhân vật: Người thì cam chịu cuộc sống hiện tại (vợ Thứ, bà Học, vú em, Hà), người thì muốn chạy theo những gì có lợi cho bản thân (vợ anh xe, vợ San). Nhưng dù có theo cách nào đi nữa thì những người phụ nữ ấy cũng chỉ mong mình có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn trong cảnh nghèo khó. Đối tượng sáng tác của Nam Cao không chỉ là đối tượng ở xã hội như trí thức, nông dân.. mà ông còn sáng tác chính mình. Nhân vật dựa vào cảnh ngộ riêng để viết tuy không hoàn toàn trùng khít với tác giả nhưng mang bóng dáng của nhà văn. Có thể nói Thứ chính là hình dáng của Nam Cao – một thanh niên được học hành có chí hướng và hoài bão. Nam Caođã thành công khi miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội đương thời trước 1945, những "giáo khổ trường tư" là những người trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có hoài bão, tâm huyết và tài năng, muốn xây dựng một sự nghiệp tinh thần cao quý; nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt làm cho "chết mòn", phải sống như một kẻ vô ích, một người thừa trong xã hội. Ông phê phán sâu sắc xã hội phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người, đồng thời nói lên khao khát một lẽ sống lớn, có ích, có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người. Có thể nói, ngôn ngữ là một phương diện đặc biệt thành công trong Sốngmòn. Nam Cao đã xây dựng được một hình thức ngôn ngữ đa thành, giàu tính tạo hình, vừa sinh dộng lại vừa phản ánh rõ nét tính cách nhân vật. Sự thành công về mặt ngôn ngữ của Sống mòn thể hiện ở cả ngôn ngữ kể chuyện lẫn ngôn ngữ nhân vật, cả ngôn ngữ độc thoại lẫn ngôn ngữ đối thoại. Sống mònđược kể ở ngôi thứ ba, nghĩa là không có nhân vật xưng "tôi" nào đứng ra kể lại câu chuyện. Nhưng điều đặc biệt là, ở đây, người kể chuyện không hề tách riêng hẳn ra mà nhiều lúc đứng lẫn vào nhân vật, có khi phân thân, hòa hợp vào nhân vật, làm cho tác phẩm không còn đơn thanh, một giọng mà trở thành đa thanh, phức điệu, tạo nên nét độc đáo cho tác phẩm. Thứ là một nhân vật luôn luôn bị giằng xé bởi những mâu thuẫn. Bởi vậy trong con người y hầu như lúc nào cũng có cuộc giằng co giữa hai tiếng nói: Một bên là tiếng nói tự phê phán của con người giàu lòng tự trọng, có nhân cách, biết yêu thương, biết chia sẻ còn một bên là tiếng nói đầy tự ái của một anh chàng sống che đậy bởi cái giả dối bề ngoài, có khi ôm ấp những lãng mạn viển vông. Chính vì vậy, nhiều lúc, Nam Cao đã chớp lấy tiếng nói thứ nhất của nhân vật để tạo nên giọng điệu trêu chọc, nhạo báng. Vẫn là ngôn ngữ kể chuyện nhưng hóm hỉnh vô cùng, như nhân vật tự nói với chính mình, tự mỉa mai mình. Ngôn ngữ kể chuyện hòa lẫn, không phân biệt với ngôn ngữ độc thoại nội tâm nhân vật: "Y tưởng tượng ra nét mặt của bà Ngọt, bà thợ giặt, những bà láng giềng khác, bàn tán to nhỏ với nhau về những ông giáo với cô giáo bên trường. () Rồi một bà chẩu môi, rên lên, hạ một câu bình phẩm thế mà bấy lâu nay không ai biết, cũng mang tiếng ông giáo với bà giáo, quần áo là, sơ mi trắng, thắt ca vát, giầy tân thời, thứ Năm, Chủ Nhật diện ngất, tưởng mà mỡ lắm, thế mà kì thực bụng chứa đầy rau muống luộc!.. Tiếng cười vỡ lở ra ằng ặc, hi hi, hô hố.. () Y nhớ đến một vài thiếu nữ quen mặt khác, sáng sáng các cô cắp rổ hay xách làn mây đi qua trước cửa trường, y vẫn làm ra vẻ bạo dạn, ra đứng hiên gác nhìn họ để được thấy họ rất tự nhiên. Những lúc ấy chắc mặt y cũng phải vênh váo lắm đấy chứ chẳng chơi đâu! Rõ thật dơ! Giáo khổ trường tư mà cũng đòi nhìn mắt gái tân thời! Liệu lương có đủ tiền cho người ta mua phấn đánh không. Bụng toàn rau muống luộc đấy, ai mà còn chẳngbiết!". Sự chuyển đổi điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật, từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất đã khiến khoảng cách giữa người đọc và nhân vật được thu hẹp lại, người đọc như đang tham gia vào câu chuyện, là một đối tượng tiếp xúc trực tiếp, nhìn nhận, đánh giá nhân vật. Trong Sống mòn, độc thoại nội tâm xuất hiện khá dày đặc, dai dẳng, kéo dài gây cảm giác bức bối. Các đoạn độc thoại nội tâm hòa quyện với ngôn ngữ kể chuyên khiến Sống mòn cứ như trôi đi theo tâm tưởng của nhân vật Thứ và theo cách kể chuyện đầy biến hóa của tác giả. Sự hòa quyện này cũng góp phần làm nên sức cuốn hút, hấp dẫn độc giả tham gia tác phẩm. Qua những độc thoại nội tâm của Thứ, mọi thói do dự, nhỏ nhen, ích kỉ, sĩ diện hão của người trí thức tiểu tư sản nghèo được phơi bày chân thực và sắc nét. Nhân vật như tự trải lòng mình qua từng trang sách. Họ tự khám phá mình, dằn vặt, mổ xẻ mình. Những ganh ghét, ích kỉ hiện lên không cần che đậy qua những cuộc độc thoại nội tâm dài. Và cũng từ đây, bi kịch tinh thần của Thứ, của những người trí thức bị cuộc sống ghì sát đất thể hiện với đầy cay đắng, chua xót. Độc thoại nội tâm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tái hiện những giằng xé của hai tiếng nói trong con người Thứ, khiến Sốngmòn vừa hiện thực vừa nhân văn, đề cập những khoảng tối trong tính cách của con người do hoàn cảnh đưa đẩy nhưng lại thấm đẫm tinh thần nhân đạo cao cả. Đọc Sống mòn, ngôn ngữ đối thoại tuy xuất hiện không nhiều bằng ngôn ngữ độc thoại nội tâm và ngôn ngữ kể chuyện nhưng cũng rất thành công, tạo ra sự hấp dẫn riêng. Nam Cao có biệt tài sử dụng ngôn ngữ nhân vật gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân lại vừa có hồn, khắc họa đặc sắc tính cách nhân vật. Đọc những đoạn đối thoại trong tiểu thuyết này, người đọc có thể thấy chân dung các nhân vật hiện lên sắc sảo, sống động. Đó có khi là thứ ngôn ngữ ỡm ờ, không đầu không đuôi của bọn thằng ở, con sen nơi máy nước đầu đường: - Rõ thối nhà anh lắm! - Sao mà thối? Chỗ bạn máy nước với nhau, tôi hỏi thế đã sao chưa. - Ai khiến hỏi? - Thì thôi! Hì.. hì.. hì! [..] - Có muốn tôi bẹp mẹ cái thùng của chị không? - Làm gì thế? - Làm cái chơi! Mô vội quát to: - Nhờ anh em một tí! Nhà tôi đấy! [..] - Đây rồi! Xách ra! Hà đặt nốt chiếc thùng nữa. Tiện tay! Một anh con trai đứng gần Hà, sỗ sàng: - Tiện tay! Anh Mô ạ, tiện tay anh hộ cô ấy luôn cái nữa! Đó có khi là thứ ngôn ngữ đáo để của người đàn bà ghen hộ kẻ khác, có khi là ngôn ngữ oán trách vừa đáng giận, vừa đáng thương của người bà, người mẹ vì khổ quá mà lạnh lùng, mà khó chịu với cháu dâu, con dâu.. Ngôn ngữ đối thoại còn giúp Sống mòn khắc họa rõ nét tính cách nhân vật. Những đoạn đối thoại của Thứ với Oanh, San, Mô khiến người đọc hình dung đầy đủ từng nhân vật. Các nhân vật soi chiếu vào nhau, cùng nhau thể hiện trọn vẹn tính cách của mình. Như vậy, ngôn ngữ đa thanh, phức điệu, giàu tính tạo hình, giàu sức sống chính là một thành công của Nam Cao về phương diện ngôn ngữ trong Sống mòn. Nó cũng góp phần tạo nên tính hấp dẫn, độc đáo cho tác phẩm, là một khía cạnh không thể không nhắc đến khi nghiên cứu tiểu thuyết này. Thời gian và không gian trong sáng tác của Nam Cao khi đi vào nghệ thuật được soi rọi bằng tư tưởng, tình cảm, được nhào nặn và trở thành một hiện tượng nghệ thuật mang đậm cá tính sáng tạo của nhà văn. Vì vậy, nó không chỉ đơn giản là không gian, thời gian vật chất mà còn là một phương thức biểu hiện thế giới tinh thần, hiện thực đời sống.