Tác Phẩm Nào Cũng Xây Dựng Bằng Những Vật Liệu Mượn Ở Thực Tại

Thảo luận trong 'Học Tập' bắt đầu bởi Thuỳ Chi, 28 Tháng chín 2020.

  1. Thuỳ Chi

    Thuỳ Chi Well-Known Member

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    387
    "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ".

    Trích: "Tiếng nói của văn nghệ" - Nguyễn Đình Thi

    Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua tác phẩm "Vội vàng" của Xuân Diệu và "Chí Phèo" của Nam Cao.

    GỢI Ý

    1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học nghệ thuật và yêu cầu đối với người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. 0, 25

    2. Giải thích 0, 75

    - Tác phẩm: Đứa con tinh thần, sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ.

    - Nghệ sĩ: Người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.

    - Vật liệu mượn ở thực tại: Hiện thực là chất liệu để xây dựng nên tác phẩm.

    - Ghi lại cái đã có rồi: Sao chép y nguyên cuộc sống như nó vốn có.

    - Muốn nói một điều gì mới mẻ: Tác phẩm thể hiện cách nhìn và cách khám phá riêng về hiện thực đồng thời gửi gắm những thông điệp của người nghệ sĩ.

    - Cặp quan hệ từ: Không những.. mà còn: Chỉ quan hệ bổ sung.

    => Ý kiến khẳng định vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học và đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

    3. Lí giải vấn đề. 1, 50

    3.1 Vì sao tác phẩm nào cũng xây dựng bằng chất liệu mượn ở thực tại? 0, 75

    - Thực tại đời sống là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có sáng tác văn chương. Không có cuộc sống sẽ không có sáng tạo nghệ thuật.

    - Thực tại đời sống là đề tài vô tận cho văn chương khai thác và phản ánh, là nguồn chất liệu vô cùng phong phú sinh động cho nhà văn lựa chọn và sử dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nó còn là cái nôi nuôi dưỡng nhà văn, là mảnh đất nhà văn sống và hình thành cảm xúc.

    - Văn học trở thành tấm gương phản chiếu thực tại đời sống để qua tác phẩm, người đọc có thể hình dung được "sự sống muôn hình vạn trạng". Không bám sát đời sống, nhà văn sẽ không thể cho ra đời những tác phẩm văn học giàu "chất sống". Nếu thoát li thực tại văn chương sẽ rơi vào siêu hình, thần bí.

    3.2 Vì sao nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ? 0, 75

    - Không thể đánh đồng thực tại đời sống với văn chương vì làm như vậy là hạ thấp văn chương và không hiểu về giá trị của những sáng tạo nghệ thuật.

    - Nếu chỉ ghi lại những cái đã có rồi sẽ không thỏa mãn được nhu cầu lí giải những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Người đọc sẽ chỉ thấy trong tác phẩm văn học những điều họ đã thấy được ở ngoài cuộc đời, khi đó văn chương sẽ không còn cần thiết, người đọc chỉ cần sống với cuộc đời thực là đủ. Vì thế tác phẩm văn học sẽ nhạt nhẽo, vô vị thiếu sức cuốn hút.

    - Thực tại đời sống được cảm nhận dưới con mắt của người nghệ sĩ bao gồm những điều mà mọi người đều thấy và cả vấn đề mà người khác chưa thấy - những điều sâu sắc và mới mẻ luôn phát sinh từ cuộc sống.

    - Những chất liệu thực tại cần sự sắp xếp và tái hiện, sáng tạo trên cơ sở những gì đã có để từ những mảng rời rạc của đời sống tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật. Đó là nhờ tài năng và công phu lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ.

    - Sáng tạo nghệ thuật thuộc lĩnh vực tinh thần mà đặc trưng của nó là tính cá thể hóa cao độ, đòi hỏi nhà văn phải đem đến cho văn chương một tiếng nói riêng, phong cách riêng, nếu không tác phẩm sẽ rơi vào quên lãng.

    - Thực tại đời sống được người nghệ sĩ ghi lại không phải là sự phản ánh một cách máy móc, rập khuôn mà được phản chiếu qua tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc mãnh liệt của tác giả trước hiện thực. Người nghệ sĩ không chỉ phản ánh cuộc sống mà còn gửi gắm, kí thác những ước mơ khát vọng về cuộc đời. Qua tác phẩm ta thấy được thông điệp tinh thần người nghệ sĩ gửi vào tác phẩm.

    4. Chứng minh 3, 00

    4.1. Phân tích tác phẩm Vội vàng của Xuân Diệu. 1, 50

    * Chất liệu mượn từ thực tại đời sống.

    - Bức tranh mùa xuân (ong bướm, hoa lá, đồng nội, chim muông, ánh sáng) ; bức tranh hoàng hôn buồn..

    - Thời gian một đi không trở lại, trong cái tồn tại đã có cái mất đi, trong cái thắm tươi đã có dấu hiệu của sự phai tàn, rơi rụng.

    * Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:

    - Cuộc sống hiện lên thật đẹp qua con mắt "xanh non" của nhà thơ. Ông đã phát hiện ra "thiên đường trên mặt đất", bữa tiệc dưới trần gian, thiên nhiên rạo rực trong tình yêu đôi lứa.

    - Quan niệm thẩm mĩ mới mẻ: Con người giữa mùa xuân và tuổi trẻ giữa cuộc đời là chuẩn mực, thước đo của mọi vẻ đẹp (ánh sáng chớp hàng mi; tháng giêng ngon như cặp môi gần).

    - Khẳng định bản sắc của cái tôi cá nhân: Đó là người khổng lồ của khát vọng muốn đoạt quyền tạo hóa; cái tôi gắn bó với cuộc sống trần gian, thèm yêu, khát sống, muốn thâu vào mình mọi hương sắc, mật nhụy của cuộc đời; cái tôi đòi hưởng thụ. Cách hưởng thụ cuộc sống như tận hưởng tình yêu và thi sĩ là tình nhân của cuộc đời.

    - Quan niệm nhân sinh mới mẻ: Hạnh phúc là được tận hưởng cuộc sống tối đa,

    Chạy đua với thời gian, sống tích cực, sống cao độ để tận hưởng từng giây phút của cuộc đời. Tác phẩm truyền đến người đọc thông điệp hãy trân trọng mỗi phút giây của mùa xuân và tuổi trẻ, đừng sống hoài, sống phí.

    * Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ:

    Thể thơ tự do, cấu trúc câu thơ hiện đại (câu vắt dòng, kiểu câu định nghĩa mang tính triết lí). Nhịp hành khúc, giọng quyền uy; sử dụng các biện pháp điệp từ, điệp cấu trúc, liệt kê; nhiều động từ, tính từ mạnh (ôm, riết, say, hôn, cắn; no nê, đã đầy, chuếnh choáng), tất cả tạo nên chất nhạc tươi trẻ, sôi nổi, rạo rực, cuống quýt, vội vàng. Nhạc điệu của thơ là nhạc của "nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này".

    Xuân Diệu xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. 0, 50

    4.2. Phân tích tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. 1, 50

    * Chất liệu từ thực tại đời sống.

    - Bức tranh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng ngột ngạt, đen tối với nhiều mâu thuẫn: Mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ, địa chủ với địa chủ.

    - Cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh và những thành kiến nặng nề ở nông thôn, những người nông dân lạnh lùng xa cách nhau.

    * Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:

    - Khám phá hiện thực ở bề sâu: Viết về cuộc sống của những người nông dân Nam Cao không chỉ đề cập đến nỗi khổ đau về vật chất mà xoáy sâu vào bi kịch tinh thần đau đớn: Bi kịch tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người. Khái quát hiện tượng mang tính quy luật: Chừng nào xã hội còn những áp bức bất công thì những người nông dân bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người sẽ không chấm dứt.

    - Tiếng nói nhân đạo sâu sắc và mới mẻ: Nam Cao vẫn thể hiện niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi họ bị hủy hoại cả nhân hình và nhân tính. Khẳng định tình thương có sức cảm hóa lớn, khơi dậy, đánh thức phần người bị vùi lấp, chà đạp. Trân trọng, đề cao khát vọng được làm người đúng nghĩa.

    * Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ: Kết cấu vòng tròn, trần thuật theo mạch tâm lí, điểm nhìn trần thuật linh hoạt, tình huống truyện độc đáo, xây dựng nhân vật điển hình, kiểu nhân vật đa diện, miêu tả sâu sắc diễn biến tâm lí nhân vật; chi tiết nghệ thuật độc đáo; ngôn ngữ đa thanh; có sự kết hợp hài hòa giữa đối thoại và độc thoại, giữa lời gián tiếp với lời nửa trực tiếp. Nam Cao đã góp phần cách tân văn xuôi Việt Nam.

    5. Bàn luận. 0, 50

    - Nhận định đã đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống và nghệ thuật, đồng thời khẳng định vị trí, tài năng của tác giả và giá trị, sức sống lâu bền của tác phẩm qua sự sáng tạo riêng mới mẻ, độc đáo của mỗi tác phẩm.

    - Người nghệ sĩ phải gắn bó với cuộc đời và cảm nhận cuộc sống ở bề sâu mới có thể phát hiện ra những điều mới mẻ nằm trong những chất liệu quen thuộc của thực tại. Người nghệ sĩ cũng cần phải có cá tính sáng tạo thể hiện bản sắc riêng của mình vào tác phẩm từ đó đóng góp cho văn chương những điều mới mẻ. Để làm được điều đó người nghệ sĩ phải có tài năng, lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp.

    - Qua tác phẩm người đọc nắm bắt được hiện thực đời sống, khám phá cái nhìn, cách cảm mới mẻ mang phong cách riêng của người nghệ sĩ.

    - Tiêu chí đánh giá tác phẩm nghệ thuật không chỉ là phản ánh chân thực, thấu đáo bản chất của hiện thực cuộc sống mà còn ở những điều mới mẻ người nghệ sĩ gửi gắm, kí thác vào tác phẩm nghệ thuật của mình.

    Văn mẫu:


    Chứng minh: "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ."

    Đề bài: "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ."

    Nguyễn Đình Thi, "Tiếng nói của văn nghệ"

    Suy nghĩ về ý kiến trên qua một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở.

    Mở bài:

    Nhà thơ Tố Hữu từng nói: "Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học" . Nghĩa là nghệ thuật phải bám sát thực tế đười sống, lấy đời sống làm chất liệu. Bàn về điều đó, trong Tiếng nói văn nghệ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng khẳng định: "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ."

    Thân bài:

    Tác phẩm nghệ thuật nào cũng được xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Chính điều đó làm nên nét đặc trưng riêng của tác phẩm nghệ thuật trong phương thức phản ánh đời sống. Người nghệ sĩ nào khi sáng tác cũng cũng lấy vật liệu mượn ở thực tại – hiện thực khách quan về cuộc sống, con người, xã hội, để xây dựng nên tác phẩm của mình. Có như vậy, tác phẩm của họ mới được công chúng đón nhận, mới đi vào cuộc sống.

    Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đề cập đến nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ: Tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng phản ánh thực tại và là nơi nhà văn nhắn gửi, thể hiện thế giới tình cảm cũng như tư tưởng, quan điểm nhân sinh của mình. Đây cũng là đặc trưng của các tác phẩm văn chương, tạo nên sức cuốn hút, sự lay động tâm hồn, là Tiếng nói của văn nghệ.

    Tác phẩm văn học phản ánh sâu sắc thực tại đời sống, ghi lại cái đã có rồi. Hiện thực cuộc sống luôn được thể hiện rõ nét trong tác phẩm văn học. Chẳng hạn như xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ XVIII hiện lên với những mặt trái của nó – xã hội vô nhân đạo với những thế lực tàn ác chà đạp chà đạp con người, số phận bi thảm của người phụ nữ.. trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du; cuộc sống đói nghèo, bị dồn vào bước đường cùng của người nông dân trong "Lão Hạc" của Nam Cao; không khí sôi nổi, hào hứng trong lao động xây dựng cuộc sống mới trong "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận; cuộc sống chiến đấu gian khổ ác liệt nhưng tràn đầy lạc quan trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật..

    Thế nhưng, văn học phản ánh hiện thực nhưng không phải là chụp ảnh sao chép hiện thực một cách hời hợt nông cạn. Nhà văn không bê nguyên si các sự kiện, con người vào trong sách một cách thụ động, giản đơn. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng cảm hứng. Thai nghén sáng tạo ra một thế giới hấp dẫn, sinh động.. Qua nhân vật ta thấy cả một tầng lớp, một giai cấp, một thời đại, thậm chí có nhân vật vượt lên khỏi thời đại, có ý nghĩa nhân loại, vĩnh cửu sống mãi với thời gian. "

    Tác phẩm văn học là nơi nhà văn nhắn gửi, thể hiện tình cảm cũng như tư tưởng, quan điểm nhân sinh của mình (muốn nói một điều gì mới mẻ) :" Truyện Kiều "của Nguyễn Du thể hiện rõ nét sự bất bình, căm ghét đối với xã hội phong kiến, thái độ xót thương vô hạn của nhà văn đối với những người phụ nữ; qua" Lão Hạc ", Nam Cao nói lên niềm yêu mến, cảm phục đối với những người nông dân nghèo khổ mà giữ được phẩm chất tốt đẹp;" Làng "của Kim Lân chẳng những thể hiện cái nhìn yêu mến, trân trọng mà còn nói lên được sự biến chuyển trong nhận thức và tình cảm của người nông dân trong bổi đầu chống Pháp;" Bến quê"của Nguyễn Minh Châu gửi gắm suy nghĩ, bài học nhân sinh về cuộc đời của mỗi con người.

    Viết nên tác phẩm Lão Hạc, nhà văn Nan Cao đã lấy gần như nguyên si thực tại của cuộc sống người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám và hình ảnh nhân vật Lão Hạc cũng được mô ta dựa trên một con người có thật. Trước cách mạng tháng Tám, người nông dân Việt Nam đang ở trong tình trạng cùng khổ, càng về sau càng khó. Đó là một cuộc sống chìm ngập trong cô đơn, đói khát, bị kìm kẹp đến nghẹt thở. Cái đói và cái chết như những bóng ma cứ lỡn quỡn xung quanh và có thể vồ chụp lấy con người bất cứ lúc nào. Lão Hạc dù đã kháng cự đến cùng nhưng cuối cùng cũng thất bại, phải nhận lấy cái chết thảm thương. Nam Cao giống như một thư kí trung thành, có bổn phận ghi lại chân thực hiện thực ấy.

    Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình. Bởi thế, dù có trung thành với hiện thực, nhưng nhà văn không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Truyện ngắn Lão Hạc không chỉ phản ánh cuộc sống thực tại khách quan vốn có mà còn là nơi thể hiện những suy nghĩ chủ quan, hay nói cách khác là tâm tư tình cảm, là tư tưởng của nhà văn Nam Cao. Lão Hạc dù phải chết nhưng cũng quyết giữ lấy nhân phẩm cao đẹp, giữ lấy mảnh vườn cho con trai lão dù lão chưa hẳn đã tin tưởng nó sẽ trở về. Tất cả những gì còn lại tỏng cuộc đời, Lão Hạc chỉ dùng để bảo vệ hai thứ quý giá ấy: Danh dự và đức hì sinh cho con. Đây chính là một điều gì mới mẻ mà nam Cao đã tinh tế phát hiện và phản ánh.

    Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các bậc tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên cũng là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng tác phẩm lớn.

    Tư tưởng trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao là cái tư tưởng được biểu lộ thầm kín. Nam Cao muốn tác phẩm văn học phải là cái sự thực ở đời, người nghệ sĩ không được né tránh điều đó dù có thể làm cho người khác đau lòng vì sự tàn nhẫn của nó. Với ông, phản ánh hiện thực không phải để khinh chê mà là để cảm thông, nâng đỡ, đồng cảm, sẻ chia và tìm kiếm con đường giải thoát cho con người. Với nhân vật lão Hạc, Nam Cao đã dành cho lớp người cùng khổ trong xã hội một tình yêu thương tha thiết, quý trọng nhân phẩm cao đẹp và không ngừng tôn vinh nó.

    Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đề cập đến nội dung có tính chất đặc trưng của tác phẩm văn nghệ nói chung, tác phẩm văn học nói riêng, gợi cho người đọc có phương pháp tiếp cận tác phẩm đúng đắn và sâu sắc. Để có một nội dung sâu sắc, hấp dẫn, nhà văn chẳng những phải có vốn sống phong phú mà còn phải có tài năng nghệ thuật, và quan trọng nhất là tình cảm chân thành, tư tưởng đúng đắn.

    Kết bài:

    Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một phát minh về một hình thức, một khám phá mới về nội dung. Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật (Belinski). Tất cả mọi nghệ thuật đều phục vụ cho một nghệ thuật vĩ đại nhất là nghệ thuật sống trên Trái Đất. Văn nghệ phải vì con người mà nảy sinh và cũng vì con người mà phục vụ. Không có tác phẩm nào có thể trở nên vĩ đại nếu không phản ánh và phục vụ đời sống của con người. Cái phi thực hay siêu thực không thể nào trở nên có giá trị nếu nó không phải là hình bóng của hiện thực. Thế nhưng, cũng không nên là cái hiện thực quá trần trụi và thô tục mà phải được soi chiếu qua lăng kính tâm hồn người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ phải biết sáng tạo. Chỉ có những cái mới mẻ mới có thể tồn tại mãi mãi.
     
    Zero thích bài này.
Từ Khóa:
Đang tải...