Tấm Gương Tự Học Của Bác Và Ý Nghĩa Đối Với Bản Thân

Thảo luận trong 'Học Tập' bắt đầu bởi Thuỳ Chi, 17 Tháng mười hai 2019.

  1. Thuỳ Chi

    Thuỳ Chi Well-Known Member

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    387
    Tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định tạo nên tri thức cho mỗi con người. Muốn sống có ích cho bản thân cho xã hội, cho đất nước thì mỗi con người chúng ta phải có tri thức.

    Bằng tấm gương tự học và học tập suốt đời, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo nhất là đối với thế hệ trẻ. Theo tư tưởng của Người việc học phải thường xuyên và lấy việc tự học làm cốt. Việc học tập chính là các hoạt động tiếp thu tri thức của mỗi cá nhân, là tiền đề quan trọng dẫn tới sự phát triển ở mỗi con người. Quá trình học tập bao gồm học tại trường, lớp, học ở sách vở ở những giai đoạn nhất định của cuộc đời và tự học là việc không ngừng nghỉ suốt cả cuộc đời mỗi người.

    Là một các bộ quản lý giáo dục nay đã có tuổi tham gia công tác khuyến học với chức năng nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cho mọi người. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi luôn ý thức phải vận động, tuyên truyền mọi tâng lớp trong xã hội hiểu rằng: Việc học có thể học ở mọi lúc, mọi nơi, không chỉ trong trường lớp mà có thể học ngoài cuộc sống xã hội hàng ngày. Người lao động, người nông dân cũng có thể tham gia học tập dưới nhiều hình thức, nhiều thời gian khác nhau, con người còn sống còn phải học. Đây là biện pháp tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống xã hội. Nếu ai không chịu khó học thì sẽ bị lạc hậu, mà lạc hậu thì sẽ bị đào thải, tự mình đào thải mình.

    Về đối tượng phải học? Theo Bác Hồ, ai cũng phải học, không kể người sang hay hèn; giàu hay nghèo; không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, dân tộc, tuổi tác.. Từ đó tạo nên một Xã hội học tập là một xã hội mà mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời; mọi người được tiếp cận những cơ hội học tập thuận lợi và lấy tự học cùng với ý chí, nghị lực phấn đấu kiên trì của mình là chính để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội; mọi người không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, trình độ đều thấy học tập là nhu cầu của cuộc sống, luôn cần phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc.

    Khi đã xác định việc học là một nhu cầu thiết yếu thì tự giác ai cũng phải học. Người cho rằng, vấn đề cốt lõi nhất của việc tự học là để nâng cao hiểu biết và để áp dụng những kiến thức đó vào làm việc, học phải đi đối với hành. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý mỗi người phải học tập với thái độ nghiêm túc, hết sức khiêm tốn, thật thà, biết đến đâu nói đến đó, không được tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Bác nghiêm khắc phê phán tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cao, tự đại.

    Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc tự học sẽ giúp mỗi người nhớ lâu và vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích vào cuộc sống. Và, tự học còn giúp cho mỗi người trở nên năng động, sáng tạo, không phụ thuộc vào người khác, từ đó hạn chế những khuyết điểm và hoàn thiện bản thân. Tự học trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Phương pháp tự học của Bác Hồ là: Muốn nâng cao kiến thức trong quá trình tự học, mỗi người cần phải biết cách tận dụng triệt để thời gian và những điều kiện, phương tiện có sẵn trong xã hội, như thư viện, câu lạc bộ, sách báo, viện bảo tàng, các buổi nói chuyện, hội thảo..

    Huyện Thanh Sơn là huyện miền núi nằm phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ. Diện tích tự nhiên 62.110.4ha. Dân số của huyện Thanh Sơn năm 2018 trên 13 vạn người. Trên địa bàn huyện có 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó gần 60% là người dân tộc thiểu số. Do lịch sử để lại trình độ dân trí của huyện Thanh Sơn nói chung thấp hơn các huyện khác và không đồng đều giữ các vùng miền. Đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện (dân tộc Mường, dân tộc Dao, dân tộc HMông.. số người không biết chữ ở độ tuổi trên 50 vẫn còn. Mặt khác do điều kiện sống khó khăn, thu nhập thấp nên tư tưởng "phải làm để có cái ăn no bụng đã rồi mới nghĩ đến việc học". Từ nếp nghĩ này các cán bộ, hội viên khuyến học phải tuyên truyền tạo sự chuyển biến về nhận thức: Có học có hơn, học để biết cách lao động năng suất, học để tạo ra nhiều của cải vật chất hơn. Đây là một vấn đề rất thực tế. Chúng ta phải xây dựng được các điển hình, làm gương, làm mẫu biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chính công việc họ đang làm để làm giàu.

    Bản chất của tự học là một quá trình học tập không trực tiếp có giảng viên. Tự học là lao động khoa học, tự tìm hiểu, phân tích những kiến thức trong sách vở, tài liệu để tiến tới làm chủ tri thức. Phải kiên trì, quyết tâm và sự nghiêm túc của người học. Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ các phương tiện phục vụ việc tự học rất phong phú. Mọi người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin khoa học qua các kênh truyền thông chính thống, quan Mạng xã hội nếu biết lựa chọn các thông tin bổ ích. Tại huyện Thanh Sơn hiện có 03 doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh là Bưu điện huyện Thanh Sơn, Viettel post, J&T Express. Tổng sản lượng phát hành báo chí hàng năm đạt trên 600 nghìn tờ. Ngoài ra còn duy trì tốt hoạt động của 22 điểm phục vụ bưu điện, thư viện các xã.

    Mạng Viễn thông đã phủ sóng 100% các xã vùng sâu, vùng xa, dịch vụ viễn thông, dịch vụ Inernet do các doanh nghiệp cung cấp đã phát triển đa dạng với nhiều dịch vụ mới. Nếu như trớc đây dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet chỉ có các dịch vụ cơ bản như điện thoại di động, điện thoại cố định hữu tuyến.. thì nay đã có thêm dịch vụ cố định vô tuyến, dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao, dịch vụ di động 3G, 4G dịch vụ Internet không dây, dịch vụ truyền hình MyTV..

    Đến nay 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có Đài truyền thanh hoạt động, trên 82% khu dân cư có loa truyền thanh hoạt động tốt, tỷ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình tỉnh đạt 100%. Theo thống kê có 38% dân số sử dụng Mạng xã hội như Zalo, Facebook.. Nếu chúng ta biết hướng người dân sử dụng các phương tiện truyền thông trên vào việc tự học, tự tìm thông tin hữu ích sẽ có kết quả rất cao.

    Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt. Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Đặc biệt trong tình hình hiện nay khi cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển nhanh chóng, đòi hỏi mỗi cán bộ, mỗi người dân cần phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với sự phát triển của cuộc sống xã hội.

    Để thường xuyên học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự học và xây dựng Xã hội học tập, trong thời gian tới, tôi thấy cần phải tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

    Thứ nhất: đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tự học, học tập suốt đời trong mọi thành phần trong xã hội, xây dựng một Xã hội học tập. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân về ý nghĩa, tác dụng của việc HTSĐ, xây dựng XHHT dưới nhiều hình thức khác nhau. Phát động phong trào thi đua học tập thường xuyên, HTSĐ rộng khắp nhằm thúc đẩy việc học tập trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng dân cư. Nhân rộng các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" và "Đơn vị học tập" theo hướng thiết thực, hiệu quả.

    Thứ hai: Đổi mới quản lý giáo dục và củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhất là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

    Thứ ba: Tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng dạy và học. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường.

    Thứ tư: Đổi mới việc quản lý nhà nước đối với việc xây dựng XHHT. Các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục đóng vai trò là người tổ chức phát động phong trào học tập thường xuyên, HTSĐ; phối hợp với Hội khuyến học các cấp có các biện pháp khuyến khích người dân học tập, trước tiên người dân có các hiểu biết đơn giản cần thiết về con người, về thế giới tự nhiên và xã hội phù hợp, thiết thực với cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất; giúp người học thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, lạc hậu

    Thứ năm: Tham mưu với các cấp ủy và chính quyền có văn bản chỉ đạo việc phối hợp của Hội khuyến học các cấp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia xây dựng XHHT.

    Thứ sáu: Các cấp có thẩm quyền hàng năm phân bổ nguồn kinh phí xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích người học. Tạo điều kiện cho người học có thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất.. khi tham gia học tập nâng cao trình độ.

    Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay và cả mai sau vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của dân tộc ta. Tư tưởng và tinh thần tự học của Người mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên hoàn thiện bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội.

    [​IMG]

    Tiểu luận về tấm gương tự học của bác

    Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học và kết quả của sự tự học đã góp phần to lớn trong việc làm nên cuộc đời đầy oanh liệt của Người.

    Tấm gương về tinh thần tự học của Hồ Chí Minh cũng chứa đựng những bài học và lời khuyên bổ ích phương pháp, cách thức tổ chức quá trình tự học của bản thân mỗi người. Nhận thức và làm theo tấm gương tự học Hồ Chí Minh là một trong những việc làm hữu ích trong việc thực hiện cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cũng như cuộc vận động "mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo" trong ngành giáo dục của chúng ta.

    1. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện. Tự học đã làm nên thiên tài Hồ Chí Minh. Người là hiện thân của một chí hướng học tập và tu dưỡng suốt đời vì mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

    Hồ Chí Minh không được học nhiều ở nhà trường nhưng Người đã bù vào đấy bằng một quá trình tự học, tự nghiên cứu kiên trì, liên tục không mệt mỏi. Từ trải nghiệm trong cuộc sống và trong hoạt động cách mạng, Người coi thực tế là trường học lớn nhất của cuộc đời mình.

    Tấm gương sáng ngời về tự học, tự nghiên cứu được thể hiện trong tất cả các chặng đường hoạt động cách mạng đầy gian khổ của cuộc hành trình tìm đường giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.

    2. Tháng 5 năm 1908, vì đã dẫn đầu một nhóm học sinh Quốc Học Huế tham, gia đoàn biểu tình chống thuế của nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế và vì đã cùng các bạn đi hết nhóm này đến nhóm khác, đọc cho những người biểu tình nghe những bài thơ yêu nước, kêu gọi mọi người kiên quyết đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân, nên sau sự kiện đó, Nguyễn Tất Thành không được học ở trường Quốc Học nữa, đồng thời chấm dứt luôn những tháng năm đi học ở thời niên thiếu của mình.

    Từ đây, người thanh niên giàu lòng yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu một cuộc sống lao động tự lập, tự học để nêu chí lớn, để tìm đường và trở thành người dẫn đường cho cách mạng Việt Nam.

    Để tiếp tục thực hiện hoài bảo của mình, Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh, tạm xa những học trò thân yêu lên đường sang phương Tây với tên Văn Ba trên chiếc tàu biển của Pháp mang tên "Đô đốc Latusơ Tơrevin". Công việc của Người trên tàu là phụ bếp. Đây là công việc vô cùng vất vả vì nhà bếp phải phụ vụ cho 800 người ăn, nhưng Người vẫn giành thời gian cho việc tự học.

    Quá trình tự học của Người trong khoảng thời gian trên tàu với nghề phụ bếp đã để lại nhiều câu chuyện cảm động và sâu sắc về tấm gương tự học và sáng tạo. Những người cùng làm với anh Ba trên tàu đã kể về tinh thần say mê học tập của anh Ba với lòng khâm phục sâu sắc: Mỗi ngày đến 9 giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử, nhưng trong khi chúng tôi nghỉ hoặc đánh bài thì anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm.

    Sự nghiệp văn chương phong phú mà Người đã để lại cho chúng ta cũng là kết quả của một quá trình tự học kiên trì.

    Với tập thơ "Nhật ký trong tù" tập thơ bằng chữ Hán, Nhà Việt Nam học N. Phêđôrencô - Liên Xô nhận xét: Học chữ Hán cực khó, nắm vững nó, làm được thơ là một hiện tượng lạ, hiếm thấy. Trong lịch sử văn học có một số nhà thơ Nhật Bản gần như sống cả đời ở Trung Quốc cũng chỉ có thể làm được một số bài có tính chất khuôn sáo mà thôi. Ấy vậy mà, "Nhật ký trong tù" - thực sự là một thi phẩm có nội dung sâu sắc, ngôn từ, nhịp điệu phong cách rất riêng..

    Đó là thiên tài phát tiết, nhưng nếu không có quá trình khổ luyện học chữ, học tiếng nước ngoài bền bỉ của Bác thì sẽ không có điều đó.

    Học ngoại ngữ, như sau này Bác nói: Mỗi ngày chỉ cần học 5 từ, một tháng đã học được 150 từ. Tốc độ học của Bác cũng rất nhanh. Đi tìm đường cứu nước, Bác qua 28 nước, có nơi đến và ở với thời gian rất ngắn. Nhưng đi đến đâu Bác cũng học được tiếng nói của họ. Bác biết 14 thứ tiếng, trong đó có thể đọc thông viết thạo được 8 thứ tiếng. Đó là kết quả vượt bậc của một trí tuệ tuyệt vời.

    Đọc lại những bài báo của Nguyễn Ái Quốc khi ở Pháp trong thời gian 1920-1924, số lượng rất lớn, trong đó có "Bản án chế độ thực dân Pháp" nổi tiếng, cho thấy lúc đó, với khả năng tự học, Người đã lĩnh hội được hệ thống tri thức cơ bản về lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa đồ sộ của nhân loại; đặc biệt có khả năng thống kê, sự nhạy cảm sắc sảo về tư duy và nhãn quan chính trị.

    Đọc các tác phẩm của Người, không chỉ vào thời điểm tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc nổi lên như một huyền thoại, một niềm hy vọng của dân tộc, mà cho tới nay những thông tin, tư liệu trong tuyển tập của Người vẫn còn thuyết phục những học giả uyên bác nhất.

    Sau gần 30 năm xa tổ quốc, đầu năm 1941 Người đặt chân lên mảnh đất Pắc Pó, Cao Bằng. Người đã cùng Trung ương Đảng quyết định chọn nơi đây làm căn cứ và chuẩn bị cho một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.

    Từ đó cho đến cuối đời, mặc dù công việc bề bộn, đời sống vẫn còn khó khăn nhưng Bác Hồ vẫn rất lạc quan và không ngừng tự bổ sung kiến thức. Người không chỉ tự học mà còn chú ý nhiều tới việc huấn luyện và đào tạo cán bộ cốt cán của phong trào, luôn luôn hướng dẫn họ tự học để có thể đảm đương tốt các ông việc mà cách mạng giao cho.

    Người dạy: Học tập ở trường của đoàn thể không phải như các trường lối cũ, không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập.

    Với tấm gương tự học và sáng tạo, Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển lên đỉnh cao truyền thống hiếu học của dân tộc. Người đã có những tư tưởng rất sâu sắc và hiện đại về cách học nói chung, đặc biệt là phương pháp tự học nhằm phát huy trí tuệ và phẩm chất nhân cách của mỗi cá nhân.

    Theo Người, trong quá trình học tập phải "nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ chín chắn, kỹ càng, mạnh dạn đề xuất vấn đề và thảo luận cho thông suốt", phải "lấy tự học làm cốt" và "tự động học tập". Đây là một trong những cống hiến to lớn và quý giá của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận dạy học của nước ta.

    Để tự học và tự học thành công, theo Hồ Chí Minh điều quan trọng hàng đầu là xác định rõ mục đích học tập và xây dựng động cơ học tập đúng đắn, tiếp theo là phải tạo điều kiện và tận dụng mọi điều kiện, hoàn cảnh "học ở nhà trường, học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học nhân dân". Đó là cách giúp quá trình tự học mang lại hiệu quả cao và tạo ra thói quen học tập suốt đời.

    Đồng thời phải có kế hoạch sắp xếp thời gian một cách chặt chẽ, phải bền bỉ, kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại, khi học đến đâu thì ra sức thực hành đến đó. Những quan điểm trên về tự học của Hồ Chí Minh thực sự là di sản tư tưởng quý báu, nó vừa phản ánh giá trị truyền thống của dân tộc, lại vừa tiêu biểu cho tư tưởng giáo dục tiến bộ của thời đại.

    Tư tưởng của Người không chỉ phản ánh quy luật phát triển của nền giáo dục hiện đại trên thế giới mà còn hiện thân cho ước nguyện chân chính và sâu sắc của quảng đại quần chúng nhân dân lao động của nước ta về quyền lợi và hạnh phúc được học tập.

    3. Suy ngẫm về tấm gương sáng ngời về quá trình tự học Hồ Chí minh, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa lớn lao của các cuộc vận động lớn trong ngành giáo dục của chúng ta những năm gần đây, đặc biệt là cuộc vận động "mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo". Cuộc vận động thực sự góp phần thổi thêm luồng sinh khí trong công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục nước ta.

    Dạy học là một nghề cao quý trong những nghề cao quý, nhưng cũng là một nghề đòi hỏi rất nhiều năng lực và phẩm chất đạo đức. Để xứng đáng với niềm đợi mong của toàn xã hội, để mỗi bài giảng trên lớp thực sự là nhịp cầu nối những bến bờ tri thức và là con đường chỉ dẫn cho học sinh tự mình đi tìm chân lý, mỗi thầy giáo cô giáo không còn cách nào khác là phải không ngừng tự học và sáng tạo; không thể bằng lòng với những gì mình đang sở hữu trong biển cả tri thức mênh mông.

    Tấm gương tự học kiên trì của người thầy giáo sẽ luôn có ý nghĩa song hành cùng với những điều mới mẻ có được trong mỗi bài giảng nhờ quá trình tự đào sâu tri thức và cập nhận thông tin.

    Kết quả của quá trình tự học không chỉ giúp cho bài dạy trên lớp trở nên sinh động và hiệu quả mà quan trọng hơn, tự học đã trở thành một phần quan trọng trong việc tạo nên phẩm chất và uy tín của người thầy. Đối với các em học sinh, tấm gương tự học của thầy giáo mới thực sự là bài học có ý nghĩa nhất trong mọi bài học, là nguồn cổ vũ và điểm tựa giúp học sinh vượt qua những giây phút nản lòng trong bước đường chiếm lĩnh tri thức.

    Vì vậy, những lời chỉ dẫn quý báu và những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ suốt đời và hết sức thành công của Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn nguyên giá trị to lớn. Và từ suy ngẫm về tấm gương tự học sáng ngời của Hồ Chí Minh để tự mình rút ra những bài học quý báu vận dụng vào quá trình tự tu dưỡng của chính mình đó cũng là cách để mỗi giáo viên thể hiện sự hưởng ứng nhiệt tình đối với cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh."


    Xem thêm:

    Đăng bài kiếm tiền tại nhà *hot*

    Cách kiếm tiền miễn phí trên Binance
     
    Admin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 21 Tháng bảy 2023
Từ Khóa:

Chia sẻ trang này

Đang tải...