Tam Tòng Tứ Đức Công Dung Ngôn Hạnh Là Gì?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Zero, 30 Tháng tư 2020.

  1. Zero

    Zero Active Member Thành viên BQT

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    627
    Thời xa xưa, lúc chính quyền phong kiến còn đang thống trị xã hội lúc bấy giờ, người phụ nữ đã phải bị áp đặt về cách sống bởi "Tam tòng, tứ đức".

    Đề cập sớm nhất về "tam tòng" có thể là sách "Lễ ký". "Tam tòng" còn có nghĩa là "tam theo", trong câu: "Tại gia tòng phụ (在家從父), xuất giá tòng phu (出嫁從夫), phu tử tòng tử (夫死從子)". Có nghĩa là: "Phụ nữ là phải theo người, lúc nhỏ theo cha anh (huynh), lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con" (婦人, 從人者也;幼從父兄, 嫁從夫, 夫死從子) *.

    Điều này yêu cầu người phụ nữ phải biết dựa vào đàn ông. Trước khi xuất giá, ở nhà thì phải dựa cha anh. Một khi đã lấy chồng thì dù sướng hay khổ, sống hay chết đều là người nhà chồng. Còn khi chồng chết thì phải theo con của mình, chớ không nương nhờ ai được nữa.

    Bên cạnh "Tam tòng", "Tứ đức" cũng là điều không thể thiếu của mỗi người phụ nữ, gọi là bốn đức tính. Tứ đức gồm phụ công (婦功), phụ dung (婦容), phụ ngôn (婦言) và phụ hạnh (婦行). Gọi tắt là: Công dung ngôn hạnh.

    "Tứ đức" xuất từ sách "Nữ giới" được Ban Chiêu ở thời Đông Hán sáng tác. Ban Chiêu am hiểu kinh điển Nho gia, lại dạy dỗ hậu phi trong cung về phụ đức, kinh sử, lại là người góa chồng từ thời trẻ, lại thủ tiết kiên quyết không tái hôn. Bà đã viết "Nữ giới" để răn dạy những người con gái của mình. Sau này, "Nữ giới" lại trở thành quyển sách giáo khoa mẫu mực cho phụ nữ ở thời phong kiến noi theo hàng nghìn năm lịch sử.

    "Công" ý chỉ tài năng của người phụ nữ, tức là: May, vá, thêu, dệt, bếp núc, kinh thương. Nếu nhà có điều kiện, họ còn được học về cầm, kỳ, thư, họa (đánh đàn, chơi cờ, đọc sách, vẽ tranh). Cũng là "Công" trong "Nữ công gia chánh".

    "Dung" tức dung nhan, dáng vẻ của người phụ nữ. Rằng phải mềm mại, yểu điệu, thướt tha. Đứng có dáng đứng, ngồi có dáng ngồi.

    "Ngôn" nghĩa là lời ăn tiếng nói phải dịu dàng dễ nghe, khoan thai, mềm mỏng, có thưa có dạ.

    "Hạnh" trong "Đức hạnh", tức là tính nết của người phụ nữ phải đoan trang, hiền hậu, hiếu thảo, nết na, nhu mì, chính chắn, không cay nghiệt, nghịch ngợm. Rằng phải biết kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, phải hiểu cách ở chung với bên nhà chồng, xử lí nhà cửa gọn gàng sạch sẽ.

    Bởi thế, "Tứ đức" là thước đo mà nam giới đặt cho người phụ nữ, yêu cầu họ phải giữ gìn, noi theo suốt đời. Điều đó được xem như cách mà giai cấp thống trị phong kiến sử dụng để giáo hóa người phụ nữ với mục đích ổn định xã hội, bảo vệ quyền lợi tuyệt đối của giai cấp thống trị và vai trò của nam giới.

    Cũng không hẳn vì thế mà "Tứ đức" bị coi là điều xấu, rằng người phụ nữ hiện đại phải vứt bỏ nó đi bởi bình đẳng giới. Theo góc nhìn của tác giả, "Tứ đức" là những tiêu chuẩn không thể thiếu để một người phụ nữ trở nên tốt hơn.

    Trước hết, ta phải hiểu "Bình đẳng giới" nghĩa là gì đã, nó không có nghĩa là làm cho phụ nữ giống đàn ông và ngược lại. Trên đời không có sự bình đẳng tuyệt đối. Bình đẳng giới chỉ là một phương thức bảo vệ quyền lợi, cơ hội, trách nhiệm và vị thế trong gia đình và xã hội của phái nữ trước phái nam sau khi bi chèn ép mấy nghìn năm bởi chế độ phong kiến được thống trị bởi nam giới.

    Thế nhưng lại có những người cho ra những suy nghĩ lệch lạc về quyền bình đẳng. Họ cho rằng phụ nữ phải bỏ hết những tu dưỡng, sự yếu đuối đi để mà trở nên mạnh mẽ, ra sức làm việc sao cho không thua kém đàn ông, rằng phái mạnh có thể làm gì thì họ đều có thể làm được. Họ đua đòi, chạy theo nam giới để chứng tỏ bản thân và khinh thường những người con gái không giống họ. Đó là sai lầm.

    Từ khi sinh ra, phụ nữ đã bất lợi về sức lực. Cấu tạo sinh lí của họ khác với đàn ông. Theo đuổi, đấu tranh để bảo vệ, chăm sóc gia đình là sứ mệnh của giống đực trong khi thiên chức của giống cái là mang thai, nuôi dưỡng con cái. Điều đó xuất hiện từ thuở nguyên thủy xa xưa, đó là cách mà tiền nhân sinh tồn. Một chủ ngoại và một chủ nội, một bên sẽ đi săn, một bên sẽ nhóm lửa, nấu ăn. Họ không hoàn hảo nhưng lại bổ sung cho nhau mà kéo dài giống nòi tới bây giờ.

    Vì thế, phụ nữ thời nay vẫn giữ "Tứ đức" thì không có gì là xấu, chỉ cần họ biết cách độc lập, trau dồi bản thân thì sẽ sống rất tốt mà không cần phải dựa vào ai, phải đuổi theo ai. Tuy nhiên hàm ý và nội dụng của "Tứ đức" đã thay đổi:

    Chữ "Công" xưa được hiểu là nữ công. Nay lại chỉ rằng người phụ nữ phải có công ăn việc làm, có thể không dư dả nhưng cần đủ để tự sống một mình, không ỷ lại ai.

    Chữ "Dung" và "Hạnh" nay được hiểu rộng hơn, nó còn là sự kết hợp của vẻ ngoài và tâm hồn. Rằng chúng ta phải biết giữ cho thân thể khỏe mạnh, bồi dưỡng tâm hồn bằng cách học hành, đọc sách để tăng thêm hiểu biết, mở rộng tầm mắt. Chỉ khi chúng hòa quyện với nhau thì phụ nữ chúng ta mới chạm đến cái đích cuối của chữ "Dung" và "Hạnh" thật sự.

    Chữ "Ngôn" lại một phần nào thể hiện kỹ năng ăn nói của người phụ nữ. Rằng lời nói phải có giá trị, bao hàm kiến thức. Nói sao cho đủ thuyết phục, vừa dễ nghe lại vừa phản ánh tính cách, tài năng của bản thân. Ca dao có câu:

    "Người thanh nói tiếng cũng thanh

    Chim kêu khẽ đánh bên vành cũng kêu"

    "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

    Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe"

    Tóm lại, "Công dung ngôn hạnh" là bốn phẩm chất không thể thiếu ở người phụ nữ dù có ở thời đại nào.
     
Từ Khóa:
Đang tải...