Tết Trung Thu Tiếng Anh Là Gì?

Thảo luận trong 'Học Tập' bắt đầu bởi Admin, 19 Tháng tám 2019.

  1. Admin

    Admin Cho đi là còn mãi Thành viên BQT

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    1,065
    Trên thế giới chỉ có tất cả 13 quốc gia thuộc Châu Á tổ chức ngày lễ trung thu cho nên đối với người nước ngoài như Châu Âu, Mỹ nếu chưa từng đến Châu Á du lịch thì họ vẫn còn khá xa lạ với ngày lễ này. Dưới đây là các từ vựng tiếng anh về ngày tết trung thu cho các bạn tham khảo để có thể trò chuyện, giới thiệu với các bạn bè quốc tế về ngày lễ độc đáo này của Việt Nam và các dân tộc Châu Á.

    Tết Trung thu: Mid-autumn festival

    Tết Trung Thu theo âm lịch Châu Á là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, đây đã trở thành ngày tết của trẻ em còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he.. và được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích.

    Tết Trung Thu là lễ hội tại các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore, ngày này cũng là ngày nghỉ lễ quốc gia tại Đài Loan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

    [​IMG]

    Bánh Trung thu: Moon cake

    Bánh trung thu là tên gọi chỉ được dùng ở Việt Nam cho loại bánh nướng có nhân ngọt thường được dùng trong dịp Tết Trung thu. Bánh trung thu thường có dạng hình tròn hay hình vuông, chiều cao khoảng 4–5 cm, không loại trừ các kích cỡ to hơn, thậm chí khổng lồ. Ngoài ra, bánh trung thu còn có nhiều kiểu dáng khác nhưng phổ biến hơn là kiểu lợn mẹ với đàn con, cá chép.. Bánh trung thu có tên gọi khác trong tiếng Trung là nguyệt bánh, tiếng Anh là moon cake.

    [​IMG]

    Cây đa: Banyan

    Tết trung thu tại Việt Nam thường gắn liền với sự tích Cây đa, chú Cuội và chị Hằng. Cây đa là một hình ảnh trên Mặt Trăng do người xưa và các em nhỏ nghĩ ra dựa trên một truyền thuyết "chú Cuội ngồi gốc cây đa" được mọi người nhắc đến trong ngày Rằm tháng Tám. Lúc trăng tròn, những chỗ lõm của Mặt Trăng được nhìn thấy có hình dạng nối liền giống như một cây đa nên câu chuyện này ngày càng được mọi người biết đến với những hình ảnh đó. Trong ngày Trung Thu, chú Cuội và chị Hằng là hai nhân vật chính mà các em nhỏ quan tâm tới.

    [​IMG]

    Chú cuội: The man in the moon

    Cuội vào rừng đốn củi tình cờ phát hiện ra một con hổ mẹ dùng một loại lá cây có thể "hoàn sinh" cho hổ con bị chết. Thế là Cuội đánh cây thuốc này về, dọc đường, Cuội gặp một cụ ăn mày bị chết đói, Cuội ta liền nhai vài lá bón vào miệng cụ già thì lạ thay cụ già sống lại. Cụ già nói cho Cuội rằng đây là cây đa thần rất quí, phải trồng nó nơi cao ráo và quan trọng là không tưới nước bẩn và đổ rác vào gốc nó.

    Về nhà, Cuội dặn vợ như lời ông già nói, nhưng vợ Cuội thì đãng trí, ở bẩn nên hay đỏ rác vào gốc cây đa thần vì thế cây đa thần bật rễ và bay lên cao. Đúng lúc đấy, Cuội về liền móc rìu vào thân cây định kéo xuống nhưng cây vẫn bay lên trời và kéo theo cả Cuội. Cây đa bay lên mãi, cho tới tận cung trăng. Chính vì vậy mà ngày nay ta thấy trên mặt trăng có một cây đa rất to và tin rằng có chú cuội bao đời vẫn nhớ nhà, trông ngóng về hạ giới.

    [​IMG]

    Chị Hằng: Moon goddess

    Hằng Nga hay còn gọi Chị Hằng, là một nữ thần Mặt Trăng theo truyền thuyết, có thể xem là một trong những nữ thần nổi tiếng nhất trong các truyện thần thoại Đông Á của Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong nghệ thuật Đông Á, Hằng Nga thường xuyên là đề tài của nhiều tác phẩm hội họa, ca kịch cổ tích trong truyền thuyết Trung Hoa. Phần lớn truyền thuyết đều hình dung nàng có một dung mạo xinh đẹp phi phàm và đều gắn liền với tình duyên cùng Hậu Nghệ, một vị anh hùng huyền thoại thời cổ, người được cho là đã bắn rụng 9 mặt trời để giúp dân chúng. Về sau nàng được Tây Vương Mẫu tặng thuốc trường sinh, song do hiệu lực của thuốc quá lớn khiến nàng bay lên trời và đến Mặt Trăng, về sau truyền thuyết này được gọi là Hằng Nga bôn nguyệt.

    Trong văn hóa Việt Nam, Chị Hằng thường được trẻ em Việt Nam nhắc đến như một người bạn của chú Cuội, dựa theo cổ tích Cây đa và Chú Cuội rất nổi tiếng, gắng liền với Tết trung thu, nên hình tượng Chị Hằng và Chú Cuội đa phần rất được yêu mến bởi trẻ em.

    [​IMG]

    Thỏ ngọc: Jade Rabbit, Moon Rabbit, Rabbit in the Moon

    Ngày xưa, tương truyền là có 3 vị thần tiên đã hóa thành những ông lão tội nghiệp đi lang thang để xin thức ăn của 3 con vật là cáo, khỉ, thỏ. 2 con cáo và khỉ thì có đủ thức ăn để cứu giúp, chỉ riêng một mình thỏ là không có gì trong tay. Vì thế, thỏ đã tự nhảy vào đống lửa ngay bên cạnh mình, tự nướng mình để làm thức ăn cho 3 ông lão. Các vị thần đã vô cùng cảm động trước tinh thần của thỏ nên đã đưa thỏ lên cung trăng, làm bạn với Hằng Nga và từ đó thỏ có tên là Thỏ ngọc.

    [​IMG]

    Đèn lồng: Lantern

    Treo lồng đèn đã và đang là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam từ xa xưa, lồng đèn không thể thiếu trong các gia đình và hàng năm, lễ hội treo lồng đèn thường được tổ chức rầm rộ vào các dịp lễ tết như tết năm mới, tết trung thu. Theo các nhà nghiên cứu biểu tượng văn hoá của thế giới thì: ý nghĩa biểu trưng của cái đèn gắn với ý nghĩa của sự toả sáng. Ngọn đèn là một biểu tượng của con người. Việc cúng dâng đèn vào một điện thờ cũng có nghĩa là tự hiến dâng mình, đặt mình dưới sự bảo vệ của các đấng vô hình và các thần bản mệnh.

    Tại Việt Nam, mỗi năm có hai mùa lồng đèn là tết Trung thu. Dịp tết Trung thu, lồng đèn đa dạng mẫu mã màu sắc được bày bán chủ yếu cho trẻ em chơi theo truyền thống, dịp Giáng sinh thì các nhà thờ đặt hàng người thợ những chiếc đèn hình ngôi sao. Nghề làm lồng đèn nhìn tuy đơn giản nhưng cần nhiều công phu và đòi hỏi người làm phải khéo tay.

    Hiện nay đèn lồng tre và giấy kính truyền thống Việt Nam đang chịu cạnh tranh lớn từ các mặt hàng đèn lồng nhựa xuất xứ từ Trung Quốc, phần lớn là do giá thành. Theo giới sản xuất hàng nhựa, do giá rẻ nên nhiều khả năng lồng đèn Trung Quốc được sản xuất từ nhựa kém chất lượng, chứa nhiều thành phần kim loại nặng có thể ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng, nhất là đối với trẻ em.

    [​IMG]

    Đèn ông sao: Star-shaped lantern

    Mang hình ảnh của một ngôi sao năm cánh, đèn ông sao là món đồ chơi dân gian phổ biến nhất của trẻ em Việt Nam trong dịp Tết trung thu. Theo đó, chiếc đèn ông sao đêm Trung thu có liên quan đến chuyện tình của một đôi trai gái. Ngày xưa, họ quen nhau và yêu nhau qua những bức thư do chú hạc trắng chuyển tới. Họ chưa một lần gặp nhau.

    Cứ như thế, ngày tháng trôi đi, họ tâm sự với nhau đủ thứ chuyện. Rồi đến một ngày kia, cả hai quyết định gặp nhau. Chàng trai vô cùng hạnh phúc. Nhưng chàng cũng cảm thấy lo lắng vô cùng vì có một linh cảm rằng, người nàng thực sự yêu không phải là chàng. Thấu hiểu nỗi lòng của chàng, ông Bụt hiện lên và tặng chàng một vật thật mềm giống như da người. Ông dặn chàng đeo nó lên mặt khi gặp người yêu, để nàng không nhận ra mình. Bụt còn đưa thêm một vật nữa để dùng khi trời tối.

    Vào ngày ước hẹn - đêm Trung thu, chàng trai đeo vật mà ông Bụt tặng cho, để đến gặp người yêu. Khi gặp cô gái, chàng sững sờ trước vẻ đẹp của nàng. Nhưng chàng không thể đến bên nàng khi xung quanh nàng có rất nhiều các chàng trai khác. Hôm nay, nàng đã hẹn gặp với nhiều người. Chàng đứng từ xa, giơ vật mà ông Bụt cho lên. Các vì sao trên trời bỗng sà xuống, gắn chặt vào vật đó thành một cái đèn như ngôi sao để chàng quan sát. Chàng thấy nàng ngồi riêng với một người tuấn tú. Nhủ thầm nàng đã đùa cợt với tình cảm của mình, chàng lặng lẽ bỏ đi.

    Thất vọng về mối tình đầu, chàng trai dồn hết tâm trí vào sự nghiệp, rèn luyện và học hành. Cuối cùng, chàng cũng thành công và lên ngôi vua của vương quốc. Để kỷ niệm cho nỗi buồn lớn nhất của cuộc đời, vua cho tổ chức lễ hội vào đêm Trung thu. Những người dự hội đeo một vật giống như ông Bụt tặng chàng trai thuở trước, tay cầm những chiếc đèn để soi sáng xung quanh.

    Vị vua này làm như vậy để tôn vinh những tấm lòng nhân ái. Và điều đặc biệt là những người dự hội chỉ là các em nhỏ. Vua nói rằng, trẻ em có tâm hồn trong sáng và chân thành, không mặt nạ nào che giấu được. Chúc cho các em trưởng thành và mang lại hạnh phúc cho người khác.

    [​IMG]

    Đèn cá chép: Carp-shaped lantern

    Rước đèn đêm Trung thu, đã là tục lệ và nguồn vui của mọi người, nhất là thiếu nhi. Tục lệ này có từ Trung Quốc cổ xưa. Thời nhà Tống (960-1269), chuyền lan một huyền thoại là: có con cá chép vàng, tu luyện thành tinh, thường hóa phép thành người, để trêu và lừa phụ nữ. Thấy thế, ông Bao Công bày cho mọi nhà mang đèn Cá Chép và nhiều loại hình con gia súc, gia cầm khác, treo trước cửa nhà, để cá quỷ không dám đến nhũng nhiễu, làm hại. Từ đó, trung thu đến, nhà nhà thả cá chép xuống ao hồ và treo nhiều loại đèn, có đèn hình cá chép và cho trẻ rước đèn Ông Sao vui chơi dưới vầng trăng toả sáng tươi đẹp.

    [​IMG]

    Múa lân: Lion Dance

    Phong tục múa trống lân bắt nguồn từ Trung Quốc. Hình ảnh con lân đã được người Trung Quốc thờ trong Thái Miếu ngay từ thời Khổng Tử và xếp vào bộ tứ linh là Long - Lân - Quy - Phụng. Theo truyền thuyết của nước này, vào thuở khai thiên lập địa có một con thú ăn thịt người năm nào cũng đến rằm tháng Tám là xuất hiện, tác oai tác quái, làm cho dân làng hoảng sợ. Bỗng, ngày nọ có một nhà sư đến giúp dân trừ ác thú. Nhà sư cho một đệ tử bụng to, mặc bộ đồ đỏ rực, tay cầm chiếc quạt thần phất liên tục để xua ác thú và một số đệ tử khác thì gióng trống khua chiêng dồn dập, làm con ác thú khiếp đảm bỏ chạy.

    Từ truyền thuyết đó, người Trung Quốc cải biên nhiều lần, cuối cùng đã biến con ác thú trở thành con lân, đệ tử bụng to trở thành ông địa và số đệ tử gióng trống khua chiêng trở thành những người đánh trống, đánh xập xèng trong một đội múa trống lân. Ngày rằm tháng Tám hãi hùng trong truyền thuyết trở thành ngày Tết Trung thu của trẻ em. Tết Trung thu kéo dài nhiều ngày vào thời điểm giữa tháng Tám âm lịch hàng năm và múa lân là hoạt động chính trong dịp tết này.

    Dần dần, phong tục múa trống lân và Tết Trung thu phát triển sang nhiều nước khác. Kiểu múa cổ nhất là múa kỳ lân. Đầu kỳ lân có 3 dạng chính: miêu hình, hổ hình và hổ báo hình. Độ to nhỏ của đầu lân và mình lân tuỳ theo kích thước của người múa lân. Còn quy mô thiết kế, chất liệu, thẩm mỹ thì phụ thuộc vào khả năng tài chính của những người tổ chức.

    [​IMG]

    Tò he: Toy figurine

    Tò he là tên gọi của một món đồ chơi dân gian làm từ bột gạo rất độc đáo, gắn với ngày Tết Trung thu của trẻ em vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo các nhà nghiên cứu, món đồ chơi Trung thu này có nguồn gốc từ các loại hoa quả và con giống nặn từ bột gạo để làm đồ cúng lễ, có thể ăn được nên còn gọi là “con bánh”. Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... vì vậy, người ta gọi sản phẩm này là "đồ chơi chim cò". Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc ống, ở đầu có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te, tò te…”. Có thể đây là nguồn gốc của tên gọi tò he.

    Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo tẻ có trộn ít nếp theo tỉ lệ thường là 10 phần gạo, 1 phần nếp, trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Bốn màu cơ bản của tò hè là vàng, đỏ, đen, xanh, theo truyền thống làm từ thực vật: Màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen tro rơm rạ hoặc cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng... Các màu trung gian khác được phối từ bốn màu này.

    Tò he là giấc mơ muôn màu sắc, là thế giới trẻ thơ đầy ngộ nghĩnh được thể hiện qua các nhân vật cổ tích, con thú đáng yêu. Từ những nguyên liệu thân thuộc với ruộng đồng như bột gạo nếp, phẩm màu tự nhiên, que tre, với sự sáng tạo, kỹ thuật điệu nghệ, người thợ nặn ra những con tò he đủ mọi hình dáng, thể hiện được các cung bậc cảm xúc trên khuôn mặt và là món đồ chơi không thể thiếu cho trẻ em vào lễ trung thu.

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng tám 2019
Từ Khóa:
Đang tải...