Quy định về tiền điện tử ở Việt Nam Đi đôi với sự phát triển của nhân loại là sự phát triển vượt bật của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Những thành quả vô cùng to lớn mà các cuộc cách mạng công nghệ mang đến đã góp phần phục vụ lợi ích con người. Cùng với sự ra đời của nhiều sản phẩm mới, các phương thức thanh toán, giao dịch và đa dạng các loại hình tài chính mới cũng được ra đời. Với sự phát triển lớn mạnh vượt bậc của khoa học công nghệ, sự đột phá của công nghệ thông tin, tiền ảo đang được phát hành và được sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn như sự ra đời của tiền điện tử (tiền điện tử [E-money], tiền ảo [Virtual currency], tiền mã hóa [Crytocurrency] ) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Tính từ năm 2017, giá trị của các đồng tiền ảo và Bitcoin tăng lên một cách chóng mặt và không ngừng thay đổi. Những người quan tâm lĩnh vực tiền ảo ngày càng nhiều. Không những Việt Nam mà cả thế giới cũng bắt đầu quan tâm và đầu tư vào thị trường tiền ảo thông qua phát hành tiền ảo, giao dịch, đầu tư cũng như lưu trữ. Cùng với lượng người tham gia ngày càng tăng, nhiều thách thức mới cũng phát sinh. Điều này đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý, cũng như đòi hỏi các nhà chuyên môn và luật pháp Việt Nam ban hành và điều chỉnh hệ thống pháp luật, những luật lệ chuyên biệt cho thị trường đầu tư tiền điện tử. Tiền điện tử là gì? Tiền điện tử là một dạng tiền tệ được lưu trữ, giao dịch dưới các hình thức điện tử, được sự công nhận của chính phủ. Tiền điện tử không phải tiền giấy hay xu, không thể cầm nắm, và chỉ được giao dịch qua các thiết bị trung gian như ví điện tử, internet, các thiết bị điện tử, tài khoản ngân hàng, hay thẻ ATM, v. V. Tiền điện tử là tiền hoặc các tài sản tương đương tiền được lưu trữ, quản lý, trao đổi hay giao dịch thanh toán trên các hệ thống thiết bị điện tử kỹ thuật số, đặc biệt là qua mạng internet. Có thể được lưu trữ tiền điện tử trong cơ sở dữ liệu trên Internet, cơ sở dữ liệu máy tính điện tử, trong tệp kỹ thuật số hoặc trong thẻ có giá trị lưu trữ. Tiền điện tử còn được định nghĩa là giá trị được lưu trữ, sản phẩm trả trước. Thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng. Tiền điện tử không có hình thức vật chất của tiền giấy và tiền xu, mặc dù có các đặc tính tương tự như các loại tiền khác. Và tiền điện tử cho phép thực hiện các giao dịch gần như tức thời. Các loại tiền điện tử gồm có: Tiền điện tử E-money, tiền ảo Virtual currency, tiền mã hóa Crytocurrency. Tiền điện tử E-money: Có nhiều người nhần lẫn giữa tiền trong ví điện tử: VNPay, Momo, hay AirPay và tiền ảo. Tuy nhiên, ví điện tử không phải đồng tiền ảo. Ví điện tử là một dạng thanh toán trung gian không cần dùng tiền mặt, một hình thức lưu trữ một giá trị tiền tệ bằng đúng giá trị tiền gửi. E-money có thể thanh toán qua các phương tiện như: Ví momo, airpay, internetbanking. Tiền ảo - Virtual currency: Một loại tiền điện tử không được kiểm soát, không được phát hành bởi Chính phủ. Tuy nhiên, tiền ảo được phát hành, quản lý và kiểm soát bởi các nhà phát hành tư nhân, nhà phát triển hoặc tổ chức sáng lập. Tiền ảo được lưu trữ và giao dịch thông qua phần mềm được chỉ định, ứng dụng di động hoặc máy tính hoặc thông qua ví điện tử chuyên dụng. Nó cho phép chuyển quyền sở hữu qua biên giới chính phủ. Nó có thể được sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ vật chất, với một vài hạn chế nhất định. Tiên ảo thường được giao dịch cho một loại tiền kỹ thuật số khác bằng cách sử dụng các chiến lược và kỹ thuật kinh doanh chênh lệch giá. Tiền mã hóa - Crytocurrency: Một tài sản kỹ thuật số được sử dụng như một trung gian trao đổi, bản chất phi tập trung, không được ban hành bởi bất kỳ tổ chức hay ngân hàng trung ương nào, nằm ngoài sự can thiệp hoặc thao túng của Chính phủ. Bitcoin cũng chính là loại tiền mã hóa phổ biến và có giá trị nhất. Quy định về tiền điện tử tại Việt Nam Tính hợp pháp của tiền điện tử đang là vấn đề cần cân nhắc và suy xét của hệ thống pháp luật thế giới bao gồm cả Việt Nam. Những người tham gia vào thị trường tiền ảo này cũng hết sức quan tâm đến những quy định và những điều chỉnh về các quy định này của pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn như, họ muốn biết có những luật lệ gì, điều chỉnh như thế nào, các hoạt động tiền ảo ở Việt Nam có được công nhận không, hoạt dộng như thế nào để không phạm pháp, pháp luật bảo vệ người tham gia vào thì trường này như thế nào, lợi ích cũng như những hạn chế của hệ thống luật lệ, v. V. Sau đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những quy định này, những kiến nghị được đề xuất nhằm định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật cho phù hợp với thời đại 4.0. Tiền điện tử tại Việt Nam được lưu trữ, giao dịch dựa trên các quy định nằm trong khuôn khổ của các văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức là ví điện tử. Quy định về ban hành, giao dịch và sử dụng tiền điện tử dạng E-money tại Việt Nam Mặt dù chưa có một văn bản pháp lý nào quy định về khái niệm tiền điện tử ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một vài văn bản quy định cho việc phát hành, sử dụng và giao dịch tiền điện tử - dạng ví điện tử hay thẻ trả trước. Chẳng hạn như Luật Ngân Hàng Nhà Nước (2012), nghị định số 101/2012/NĐ-CP, Luật các tổ chức tín dụng (2010) của chính phủ Việt Nam về thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra còn có Thông tư số 19/2016/TT-NHNN và Nghị định số 80/2016/ NĐ-CP bổ sung sửa đổi một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (và được sửa đổi bởi thông tư số 26/2017/TT-NHNN). Theo dự thảo Nghị Định sửa đổi thống nhất quy định về thanh toán không dùng tiền mặt: "Tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: Thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động". Việc thống nhất đưa cả 3 loại hình tiền điện tử vào văn bản pháp lý giúp giới hạn rõ ràng phạm vi của tiền điện tử. Hơn nữa, điều này còn giúp công tác quản lý được thống nhất về một đầu mối là NHNN, từ đó lấp được lỗ hổng trong công tác quản lý đối với mobile money hiện vẫn đang để trống. Ngoài ra, những quy định trong dự thảo liên quan đến tổ chức phi ngân hàng giúp phân biệt rõ giữa tiền điện tử "hợp pháp" với tiền ảo, tiền điện tử "bất hợp pháp". Điều này góp phần vào việc phân biệt rõ tổ chức hoạt động không phép, bất hợp pháp và tổ chức phát hành tiền điện tử hợp pháp (được cấp phép, giám sát hoạt động). Qua đó, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong ngăn ngừa các hành vi tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ phức này, đặc biệt là thị trường tiền ảo Lunar vừa qua. Ngoài ra, những quy định thống nhất còn góp phần hạn chế những ảnh hưởng không đáng có đến chính sách tiền tệ quốc gia và bảo vệ lợi ích của khách hàng. Thông qua dự thảo quy định đối với tổ chức phát hành tiền điện tử phi ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ ký quỹ tương ứng 1: 1 với tiền pháp định, các tổ chức phi ngân hàng sẽ không có số nhân tiền, từ đó bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi tổ chức phát hành tiền điện tử vi phạm quy định hoặc chiếm dụng tiền của khách hàng. Nghị định bổ sung sửa đổi của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (ngày 22/11/2012), quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với những định nghĩa và quy định rõ ràng về "tiền điện tử" giúp giảm thiểu những nhầm lẫn về giữa các loại hình tiền điện tử hiện nay. Điều đó giúp cho công tác quản lý và hoạt động của thị trường tiền điện tử trở nên thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Quy định về ban hành, giao dịch và sử dụng các loain tiền điện tử khác như tiền ảo (Virtual currency) và tiền mã hóa (Crytocurrency) tại Việt Nam Theo quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015, tiền ảo không phải là một loại tài sản. Còn theo quy định của pháp luật tín dụng – ngân hàng, tiền ảo không phải là một loại tiền và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kể từ ngày 1/1/2018, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số hay mã hóa khác làm phương tiện thanh toán là không hợp pháp và bị cấm tại Việt Nam. Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin, các loại tiền mã hóa và các loại tiền kỹ thuật số tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 206 Bộ luật dân sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bên cạnh đó, việc sử dụng các giao dịch liên quan đến tiền số nhằm mục đích rửa tiền còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về "Tội rửa tiền" quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, quy định không đề cập tới việc mua/bán Bitcoin trên các sàn giao dịch quốc tế, cũng như việc sở hữu tài sản Bitcoin của mỗi cá nhân hay tổ chức. Để hiểu thêm chi tiết về các quy định luật pháp liên quan đến việc ban hành, sử dụng, và giao dịch tiền điện tử khác ở Việt Nam hiện nay, hãy đón đọc phần tiếp theo của chúng tôi về những quy định trong sử dụng, ban hành và giao dịch tiền điện tử tại Việt Nam.