Thuyết Thiên Mệnh Và Khổng Tử

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Zero, 17 Tháng sáu 2019.

  1. Zero

    Zero Active Member Thành viên BQT

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    627
    Người Việt Nam chúng ta trước đây bị ảnh hưởng rất sâu đậm thuyết Thiên mệnh của Khổng Tử. Thuyết này cho rằng việc thành bại của mọi hoạt động con người là do mệnh trời. Đẳng cấp cao thấp trong xã hội, sống, chết, số phận giàu, nghèo của con người cũng do Trời, thậm chí trai gái thành vợ, thành chồng, có được hạnh phúc hay không, cũng do trời định đoạt, như:

    "Giai ngẫu tự nhiên thành, lương duyên do túc đế."

    Vợ chồng có tốt đôi hay không là do mệnh trời và do nợ duyên tiền định từ kiếp trước.

    Khổng Tử nói:

    "Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã.."

    Không hiểu được số mệnh thì không phải là người quân tử.

    Hay như Tử Hạ học trò của Khổng Tử nói: Tôi nghe nói rằng:

    Sống chết có số mệnh, giàu nghèo là do Trời

    Thương văn chi hỹ ; tử sinh hữu mệnh, phú quý tại Thiên.

    Quân tử mà Khổng Tử nói đây là người có nhân cách của thời tiền phong kiến và phong kiến.

    Khổng Tử còn nói:

    "Đã biết mệnh trời không thuận, mà cứ làm là không thể thành đạt được."

    Thị tri kỳ bất khả, nhi vi chi dã dư.

    Con người một mặt, phải phục tùng thiên mệnh, mặt khác, phải phục tùng trật tự đẳng cấp trong xã hội, đẳng cấp này cũng do Trời định đoạt: Ai được làm vua, ai được làm quan, ai phải làm dân, và lấy học thuyết Lễ làm căn cứ. Khổng Tử nói: Không học Lễ thì không có chỗ đứng (Bất học Lễ vô dĩ lập), hay:

    "Quân tử hữu tam úy: Úy Thiên mệnh, úy Đại nhân, úy Thánh nhân."

    Người quân tử có ba điều sợ: Sợ mệnh Trời, sợ Vương công đại nhân, sợ lời nói của bậc Thánh nhân.

    Rõ ràng, theo Sỹ Liêm tôi, Khổng Tử đã sử dụng quan niệm Thiên mệnh để bảo vệ cho chế độ đẳng cấp, bảo vệ cho chế độ bất công, mất bình đẳng trong xã hội đương thời. Ông đã dùng thuyết Thiên mệnh như một chiếc đũa thần để "úm ba la xì bùm" cho cái bất hợp lý trở thành cái hợp lý. Mọi cái đều do ý trời! Nhưng tiếc thay, cái chủ nghĩa phong kiến, đẳng cấp thời ấy, sao Trời không giữ nó lại được mà nó phải chuyển sang chủ nghĩa tư bản vậy?

    Ngay như Mặc Tử, người ra đời sau một năm kể từ khi Khổng Tử mất (480-420 trước Công Nguyên), trong thuyết Thượng hiền của ông, cũng đã chỉ trích thuyết Thiên mệnh và "đẳng cấp trời cho" ấy của Khổng. Ông cho rằng:

    "Quan không luôn luôn cao quý, dân không phải lúc nào cũng hèn hạ. Cho nên, dù là người nông phu hay thợ thủ công, nếu có tài năng thì sao lại không cất nhắc họ?"

    Quan vô thường quý, dân vô cung tiện. Cố, tuy tại nông, dữ công tứ chi nhân, hữu năng tắc cử chi.

    Ông phản đối chủ trương dùng người quanh quẩn trong phạm vi quý tộc huyết thống. Ông cho rằng trong xã hội làm gì có loại người suốt đời làm quan, cha truyền con nối, còn loại người khác chỉ biết hết đời cúi đầu làm dân đen, trâu ngựa?

    Đặc biệt lý thuyết Lễ của Khổng Tử có hai mặt: Một mặt dùng để giữ kỷ cương thượng hạ của các đẳng cấp phong kiến, mặt khác, trói buộc, ngăn trở sự sáng tạo của quần chúng lao động bị áp bức, bóc lột. Tôi không rõ tại sao ngày nay các trường tiểu học khắp nơi đều được trương lên sáu chữ nho "Tiên học Lễ, hậu học văn" của thời Khổng Tử ấy? Vậy, chữ Lễ được trương lên đó, có phải là cái Lễ theo thuyết của Khổng Tử không? Hay chữ Lễ ấy được "cắt nghĩa đùi" thành lễ độ hoặc lễ phép gì chăng? Tại sao người ta lại bê nguyên xi cái khẩu hiệu cổ lỗ ở các lớp học thời thượng cổ của Đạo Nho, mà thậm chí người lớn tuổi thời nay ít biết về nho giáo còn không hiểu thấu đáo thay, huống chi trẻ mới thoát thai từ lớp lá bước lên lớp một đã phải lĩnh hội sáu cái chữ nho khó hiểu ấy? Tại sao không dùng một khẩu hiệu nào đó bằng chữ Việt hiện đại mang cái nghĩa đại loại như, phải "Biết kính yêu, tôn trọng thầy, cô", hoặc "Vừa học tập, vừa biết giữ lễ phép với mọi người".. chẳng hạn. Hay tác giả muốn trước khi vào học thì học trò lớp một phải được thầy, cô dạy cho chúng học các quyển sách Lễ do Khổng tử san định, như Nghi Lễ, Chu Lễ, Nhạc Lễ, Lễ Ký.. trước rồi mới học chữ, học khoa học sau, như các lớp học thuộc trường phái Nho giáo ở bên Tàu ngày xửa, ngày xưa chăng? Sự kế thừa, tiếp thụ có chọn lọc và phát triển những quan điểm, quan niệm của các thế hệ trước phải rõ ràng, minh bạch, không thể giải nghĩa tùy tiện "xập xí xập ngầu" được, vì nó rất dễ làm cho tư tưởng con người hiện đại có khuynh hướng phục cổ, kiểu:

    "Thị cổ, phi kim."

    Xưa là đúng mà nay là sai.

    Một cách thủ cựu. Hàn Phi nước Tần cuối thời chiến quốc còn biết nói:

    "Thánh nhân bất kỳ tu cổ, bất pháp thường khả luận thế chi sự, nhân vi chi bị."

    Nhà cầm quyền không nên cố chấp, thủ cựu, không nên hướng về quá khứ mà chủ yếu phải làm sao cho phù hợp với thời đại của mình.

    Ông bà Việt Nam ta thường hay nói, phải biết "Tùng cựu, nghinh tân" (Kế thừa cái cũ, sáng tạo cái mới). Hình thức nguyên xi của khẩu hiệu cũ phản ánh nội dung cũ, vì vậy, bê nguyên xi cái khẩu hiệu cũ ấy, tức làm cho người ta phải hiểu theo nội dung cũ.

    Còn nếu người phụ nữ ngày nay (sao tôi không thoát được phụ nữ. Tôi lại lôi vào rồi. Ý giời) tin vào mệnh trời thì tội gì phải lao tâm, khổ tứ đi tìm hạnh phúc cho mắc công, hãy ngồi chờ đấng quân tử nào đó mà tiền kiếp mình đã hẹn ước và chờ cái Thiên mệnh giáng vào cho thành giai ngẫu, thế là xong! Tôi chỉ lo người phụ nữ ấy suốt đời chẳng có mảnh tình vắt vai làm vốn và không khéo biến thành "bà cô già khú đế" chứ chẳng đùa!

    Cụ Khổng Tử ngày xưa sinh năm 551 và mất năm 479 trước Công nguyên, vị chi ông thọ được 72 tuổi. Tôi không nghe, thấy truyện nào kể rằng cụ không ăn uống gì, cứ tự nhiên sống như vậy cho đến khi Trời bảo đến ngày mỗ, tháng mỗ, năm mỗ.. ông phải mệnh chung, thế là lúc ấy ông mới lăn đùng ra mà thác! Nếu đúng như vậy, thì tôi sẽ dứt khoát toàn tâm, toàn ý.. tin sái cổ vào thuyết Thiên mệnh ấy ngay! Cũng chính vì thế mà tôi rất tâm đắc và triệt để tán đồng với câu nói của Karl Marx (Các Mác) :

    "Con người sống phải ăn, mặc, ở, rồi sau đó mới nghĩ đến làm chính trị, văn học, nghệ thuật, khoa học, kỷ thuật.. thậm chí cả triết học nữa."

    Vì không ăn, mặc, có chỗ ở thì chết queo ra rồi.. còn cái mạng đâu nữa mà chờ Thiên mệnh giáng phúc, giáng họa cho nữa?

    Cụ Hồ dạy cán bộ phải "Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công, vô tư". Chữ Cần, Kiệm được đặt ra hàng đầu, tức phải cố gắng lao động và tiết kiệm. Muốn nước mạnh, dân giàu phải nổ lực lao động và phải tiết kiệm chứ không phải chờ ở mệnh Trời. Rõ ràng. Cụ đặt tính năng động của con người thay cho Thiên mệnh để tự mình quyết định số phận đất nước và số phận từng người.

    Ông bà bình dân ta cũng thường nói "Đói ăn rau, đau uống thuốc", chứ không phải nương nhờ vào thiên mệnh được!

    Tóm lại, Tư tưởng Sỹ Liêm tôi là bài trừ triệt để cái thuyết Thiên mệnh cùng với tinh thần và nội dung của học thuyết Lễ của cụ Khổng, mà mãi đến thời nay di họa của học thuyết ấy vẫn còn tồn tại dai dẳng trong một số người, gây ra nguy cơ làm thui chột tính năng động chủ quan, sự tự thân vận động của con người và thói quen phục tùng mù quáng các đẳng cấp trên, tự thủ tiêu tinh thần và ý chí đấu tranh cho hạnh phúc, lẽ phải!

    Sỹ Liêm.
     
Từ Khóa:
Đang tải...