Tiền ảo có được xem là tiền tệ hay không? Ngày nay, môi trường công nghệ thông tin ngày càng phát triển lên, dẫn đến có nhiều người bắt đầu manh nha đến những loại hình đầu tư mạo hiểm mới. Điển hình hiện nay chính là tiền ảo - một cơn sốt mới giữa các loại hình đầu tư mạo hiểm. Chuyện giao dịch tiền ảo, tiền điện tử ngày càng phát triển hơn, và trở thành một phạm vi rất lớn và được rất nhiều người tiếp nhận, lưu truyền rộng rãi. Thế nhưng có một điều mà nhiều người thắc mắc đó là, liệu tiền ảo có được xem là tiền tệ lưu hành quốc gia hay không? Bởi lẽ, các thông tin về tiền ảo ngày một nhiều và rối loạn, nhiều người cũng bắt đầu tìm kiếm các thông tin liên quan, và những chuyện quốc gia nào chấp nhận, quốc gia nào cấm tiền ảo cũng xuất hiện nhiều hơn. Vậy thì cụ thể vấn đề này là thế nào? Tiền ảo có được xem là tiền tệ hay không? Nói một cách đơn giản thì tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số có giá trị, được xây dựng dựa trên các hệ blockchain khác nhau. Trên cơ bản, một thứ xuất hiện trên không gian mạng có lẽ sẽ không mang bất cứ giá trị nào, nhưng khi nó có tác dụng trao đổi, giao dịch thì bản thân nó sẽ mang một giá trị nhất định. Tương tự, tiền ảo cũng có giá trị của bản thân mình. Cũng vì tính chất đó, nên cơ bản, nhiều người nghĩ rằng một khi tiền ảo đã có giá trị của mình thì nó hẳn nên được xem xét tương đương như một loại tiền tệ. Tuy nhiên, sự thật là tùy theo từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ mà tiền ảo mới có một sự đánh giá riêng biệt. Có những quốc gia đã đi đầu trong việc chấp nhận tiền điện tử, nhất là đồng tiền vua - Bitcoin như một loại tiền tệ lưu hành hợp pháp của quốc gia. Điển hình nhất chính là El Salvador, quốc gia đã chính thức công nhận Bitcoin như một loại phương tiện thanh toán và lưu hành tại đất nước mình vào tháng 9 năm 2021. Chỉ với một lệnh vừa công bố ấy, đã từng khiến cho thị trường tiền điện tử nói chung và Bitcoin nói riêng phát triển đến mức vượt trội, gần như phủ xanh thị trường liên tục. Thế nhưng không phải quốc gia nào cũng công nhận tiền ảo, nếu đi đầu của nhóm quốc gia chấp nhận tiền ảo là El Salvador thì Trung Quốc lại là quốc gia có phản ứng gay gắt nhất với tiền ảo. Nếu như năm 2017, Trung Quốc chỉ mới ra lệnh cấm sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ lưu hành và thanh toán thì vừa rồi, Trung Quốc gần như đã cấm cửa tất cả các hoạt động liên quan đến tiền ảo, bao gồm cả khai thác, kinh doanh và đầu tư tiền ảo. Các quốc gia chấp nhận tiền ảo như một loại tiền tệ lưu hành của quốc gia Như đã đề cập ở trên, El Salvador là một quốc gia đi đầu trong việc chấp nhận Bitcoin và tiền ảo trong việc thanh toán và lưu hành trên quốc gia của mình. Sau một năm khi El Salvador chính thức chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ chính thức của nước mình thì Cộng hòa Trung Phi cũng nối gót theo đó. Kể từ khi các nhà chấp hành luật tại Quốc hội Cộng hòa Trung Phi bỏ phiếu về việc nhất trí hợp pháp hóa Bitcoin và các loại tiền điện tử khác thì Bitcoin và tiền ảo được xem như là một đồng tiền pháp định, sử dụng song song với đồng CAF Franc Trung Phi - tiền tệ chung của Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC). Các quốc gia không chấp nhận tiền ảo như một loại tiền tệ lưu hành của quốc gia Nếu như nhắc đến các quốc gia không chấp nhận tiền ảo, hoặc thậm chí là cấm tiền ảo thì phải nhắc đến Trung Quốc đầu tiên. Cụ thể, năm 2017, khi tiền ảo đang dần phát triển thì chính phủ Nhân dân Trung Hoa đã có động thái ban hành các điều luật liên quan đến tiền ảo, trong đó chủ yếu là không cho phép thanh toán và sử dụng tiền ảo như tiền tệ lưu hành của quốc gia. Cách đây không lâu, các nhà cầm quyền Trung Quốc cũng chính thức ban hành cấm tiền điện tử trong lãnh thổ quốc gia của mình. Điều này có nghĩa rằng, bất kể các hoạt động nào liên quan đến tiền điện tử, đều sẽ bị cấm trên lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm cả đầu tư, kinh doanh và khai thác. Hành động này đã khiến cho giá Bitcoin bị tụt giảm mạnh trong một khoảng thời gian và số lượng khai thác Bitcoin cũng giảm mạnh bởi thị trường Trung Quốc có rất nhiều "trang trại" khai thác Bitcoin. Không chỉ Trung Quốc, mà Cộng hòa Liên bang Nga cũng không chấp nhận các loại tiền điện tử này. Văn phòng Công tố của đất nước này đã ban hành quy định cấm sử dụng tiền ảo bởi các lý do liên quan đến bảo mật an ninh cũng như các rủi ro quá lớn mà đồng tiền này mang lại. Đồng thời, Thái Lan cũng cấm việc sử dụng và lưu hành Bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác khi mà các ngân hàng của đất nước này đánh giá rằng tiền ảo không phải là loại tiền tệ có uy tín. Cùng vì thế là các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến tiền ảo có tính chất tương tự tiền tệ như mua, bán, giao dịch trao đổi từ những người hay tổ chức bên ngoài Thái Lan cũng như các quốc gia khác đều bị nghiêm cấm. Có thể thấy, những quốc gia chấp nhận tiền ảo chỉ là một con số rất nhỏ so với mặt bằng chung. Đa phần các quốc gia đều khá e ngại về tiền điện tử, và cũng có các động thái thắt chặt về luật pháp để bảo vệ quốc gia của mình khỏi tiền điện tử, tiền ảo. Ban đầu, khi El Salvador chính thức chấp nhận Bitcoin cũng như tiền ảo, đã có rất nhiều người lên tiếng can ngăn, thậm chí Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng đã kêu gọi El Salvador loại bỏ tiền ảo ra khỏi hệ thống tiền pháp định của nước mình vì các rủi ro quá cao. Tại sao các quốc gia không chấp nhận tiền ảo như một loại tiền tệ Có thể dễ dàng thấy được rằng, đa phần các lệnh cấm được ban hành từ những quốc gia trên đều gắn liền với bảo mật và rủi ro. Dù rằng nhiều người công nhận rằng việc sử dụng tiền ảo khá thuận tiện, không cần lưu thông qua trung gian, hay khó làm giả, khó bị mô phỏng cũng như chi phí chênh lệch khá thấp. Thế nhưng các nhà cầm quyền của các quốc gia luôn e dè với loại tiền điện tử bởi những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn của nó. Đầu tiên, phải kể đến tính chất đặc biệt của tiền ảo - một chuỗi số liệu không có thực thể, không thể cầm nắm giống như các loại tiền tệ, vàng bạc và tài sản khác. Vì thế mà người ta khó có thể chấp nhận và định dạng được tiền ảo. Cũng vì tính chất đặc biệt ấy, tiền ảo khó mà có thể ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, nhiều người cũng không biết nên sử dụng tiền ảo thế nào. Thứ hai, sử dụng tiền ảo bắt buộc bạn phải thực hiện các thao tác khả phức tạp trên các thiết bị điện tử thông minh. Điều này đòi hỏi một kỹ năng nhất định mà không phải ai cũng có thể làm được - điều này khiến cho tiền ảo khó mà có thể phân bố trong thị trường và lưu hành như tiền tệ pháp định. Thứ ba, tiền ảo có tính chất ẩn danh nhất định. Đây là một môi trường rất dễ dàng phát sinh các loại tội phạm liên quan đến không gian mạng, cũng như dễ xuất hiện lừa đảo, trộm cắp và lợi dụng để rửa tiền. Song song đó, do tính chất cập nhật giá liên tục và biến đổi thất thường với biên độ lớn, việc chấp nhận tiền ảo như tiền tệ pháp định có thể khiến một quốc gia lâm vào cảnh khủng hoảng bất cứ lúc nào. Thái độ của Việt Nam đối với tiền ảo Dưới chế độ quản lý chặt chẽ của nhà nước liên quan đến các tác nhân kinh tế, thế nên Việt Nam hoàn toàn không chấp nhận tiền ảo như một loại tiền tệ pháp định. Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Điều này có nghĩa rằng, tiền ảo không nằm trong phạm vi trên và cũng không được công nhận là phương tiện thanh toán của Việt Nam. Mà một trong những chức năng của tiền tệ chính là trao đổi, mua bán và sử dụng làm phương tiện thanh toán. Một khi tiền ảo đã không được công nhận như phương thức thanh toán thì nó không phải là tiền tệ lưu hành tại Việt Nam. Cụ thể hơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản ban hành về việc cấm sử dụng Bitcoin cũng như các loại tiền điện tử tương tự khác để làm tiền tệ lưu hành cũng như thanh toán. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng không được phép sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Do các tính chất đặc biệt của tiền ảo, thế nên Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề liên quan giữa tiền ảo và tài sản. Đầu tiên, khi xét về việc công nhận giá trị tài sản thì pháp luật Việt Nam hoàn toàn không công nhận tiền ảo như một loại tài sản, và không chịu sự đảm bảo của pháp luật dưới tư cách là một tài sản. Do không được công nhận như một loại tài sản ở Việt Nam, nên các nhà đầu tư và kinh doanh tiền ảo cần phải cẩn thận trong các vấn đề bảo mật và bảo vệ tài sản của mình. Trên đây là một số thông tin xoay quanh vấn đề tiền ảo và tiền tệ, mong rằng sẽ giúp ích được cho mọi người.