Tùy bút là một thể loại văn xuôi hiện đại trong văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc. Trong nền văn xuôi hiện đại của Việt Nam, thể loại tùy bút được biết đến rất sớm và có đóng góp to lớn vào sáng tác của các nhà văn tên tuổi như Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thạch Lam.. Trong chương trình học tùy bút, cũng được đề cập tới. Vậy tùy bút là gì, đặc điểm ra sao, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay. Định nghĩa tùy bút: Tùy bút được hiểu là thể loại thuộc loại hình kí, trong đó tác giả ghi chép lại các sự việc được quan sát và suy ngẫm về cảnh vật, con người xung quanh một cách trung thực. Tùy là tùy ý, bút là cây viết. Tùy bút là viết tùy thích theo ý thích của mình, không có chủ đề gì cả, thường là miêu tả cảm xúc của tác giả về vấn đề gì đó. Về thể loại tùy bút, được coi là lối chơi độc tấu của cái tôi trữ tình, là tùy theo hứng mà viết: Sự thực, việc thực chảy qua ngòi bút dạt dào cảm xúc của nhà văn nên thấm đẫm chất thơ. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa, với những nét bản sắc riêng. Đó là cái phần tinh hoa, tinh túy được kết tinh lại trải qua suốt quá trình tồn tại và phát triển của một cộng đồng. Tuy nhiên, xét trên đại thể, các nền văn hóa thường không tồn tại độc lập hay tách biệt mà luôn có ảnh hưởng qua lại, giao thoa với nhau. Trong điều kiện lịch sử, xã hội gần giống nhau, giữa những thành tố văn hóa của các dân tộc có thể có liên quan ít nhiều hoặc cùng chịu sự chi phối từ những nguyên tắc mang tính phổ quát. Việt Nam và Trung Quốc nằm chung trong khu vực văn hóa các quốc gia có sử dụng Hán tự. Các giai đoạn của tiến trình lịch sử - xã hội ở hai nước mang nhiều nét tương đồng. Hệ tư tưởng Tam giáo đã thống trị thế giới tinh thần cả hai dân tộc trong suốt thời kỳ Trung đại. Về sau, văn minh phương Tây mới được du nhập và tiếp biến để làm nên những giá trị mới ở thời kỳ hiện đại. Xét riêng lĩnh vực văn học, có thể thấy quá trình hiện đại hóa đã diễn ra khá mạnh mẽ và triệt để từ đầu thế kỷ XX đến nay. Trong văn học hiện đại, ý thức cá nhân được khẳng định, kéo theo hàng loạt thay đổi về bút pháp và nghệ thuật thể hiện. Trên cơ sở kế thừa và cách tân, hệ thống thể loại văn chương dần trở nên đa dạng, linh hoạt và tự do hơn. Thơ ca truyền thống lược bớt yếu tố cách điệu, tượng trưng để tăng cường chất hiện thực, đời thường. Văn xuôi Trung đại (tản văn, tiểu thuyết chương hồi) cũng từng bước đổi mới về thi pháp, nhằm đáp ứng thỏa đáng những yêu cầu đặt ra từ cuộc sống hiện đại. Tùy bút là một thể loại văn xuôi giàu chất trữ tình, ra đời và có nhiều thành tựu đáng kể ở thời kỳ hiện đại. Sự hình thành, quá trình phát triển của nó trong văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên, tùy tiện mà là kết quả tất yếu từ một quá trình biện chứng, luôn tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Do đó, việc khảo sát hiện tượng văn học này không chỉ nhằm mục đích khẳng định những giá trị vốn có, mà quan trọng hơn, sau khi so sánh để chỉ ra những nét tương đồng và dị biệt, có thể rút ra những quy luật khách quan ngỏ hầu định hướng phù hợp cho sự phát triển các nền văn học của chúng ta ở tương lai. Đặc điểm của thể loại tùy bút Tùy bút là tác phẩm văn học có từ lâu ở nước ta và Trung Quốc, phát triển đến đỉnh cao trong văn học hiện đại. Thiên cổ kì bút Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỉ XVI) và Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (thế kỉ XVII) rồi đến những trang hoa tùy bút của hàng chục nhà văn nổi tiếng từ đầu thế kỉ XX đến nay đã khẳng định vị trí quan trọng làm phong phú và rạng rỡ nền văn học của tùy bút trong đời sống văn học người Việt. Tùy bút thuộc thể kí được đưa vào giảng dạy từ lớp 7 trong chương trình Ngữ văn phổ thông. Đến nay, giới nghiên cứu và nhà văn vẫn chưa thể rạch ròi được khái niệm và đặc trưng về tùy bút. Không ít người hiểu tuỳ bút là viết tuỳ thích theo ý thích của mình, không có chủ đề gì cả, thường là miêu tả cảm xúc của tác giả về vấn đề nào đó. Đó là lối viết tùy hứng, có cả phân tích, cảm nhận, bình luận.. theo mạch tư duy, cảm xúc chủ quan của tác giả. Lại có ý kiến cho rằng, tùy bút thuộc thể kí ghi lại một cách tương đối tự do những cảm nghĩ của người viết, kết hợp với việc phản ánh thực tế khách quan. Và một số khác lại hiểu, tùy bút vừa có phần văn học vừa có chất báo chí. Chất văn ở những cảm xúc, suy tư có khi sâu sắc, đa nghĩa, có khi lãng mạn, bay bổng; ở sự chọn lọc, trau chuốt từ ngữ, câu văn kĩ lưỡng, tinh tế của người cầm bút. Chất báo chí ở tính cập nhật, khả năng phản ánh nhanh, tức thì sự việc và con người. Mạch xuyên suốt tùy bút là tư tưởng, cảm xúc của người viết. Phần đông hiểu tùy bút, bút kí, kí, hồi kí, nhật kí, kí sự.. là những sáng tác văn học theo hình thức văn xuôi tự sự (tự sự hiểu là kể chuyện) giàu chất trữ tình (trữ tình hiểu là giãi bày cảm xúc chủ quan). Những sự việc, những con người trong tùy bút tuy có thể không kết thành hệ thống theo một cốt truyện, hay theo một tư duy luận lý chặt chẽ, nhưng tất cả vẫn phải tuân thủ trật tự của dòng cảm xúc, cái lôgic bên trong của cảm hứng tác giả. Và tất nhiên là sự việc được kể lọc qua cách nhìn của chủ thể thẩm mỹ vẫn phải chân thực, chí ít phải có một phần sự thật. Thể loại hồi kí, nhật kí, kí, kí sự đòi hỏi người viết chịu trách nhiệm về tính chân xác của những sự việc hay nói gọn là ghi lại người thật việc thật theo chủ quan người viết. Thể bút kí, tùy bút cũng cần sự chân thực của sự việc nhưng không bắt buộc theo mạch trình tự nào và tỉ lệ thực hư bao nhiêu. Đôi khi chỉ một chi tiết hạt cốm xanh mà Thạch Lam làm sửng sốt người ta với bao tri thức về hạt cốm nổi tiếng Làng Vòng, hay hạt ngọc trai trên vòng đeo cổ cô phiên dịch mà Nguyễn Tuân tỉ mỉ cho độc giả biết công nghệ từ hạt cát lạc vào con trai biển thành hạt ngọc trai mê mẩn trên cổ giai nhân. Tùy bút là một thể loại văn học có những đặc trưng rõ nét cả về nội dung và nghệ thuật biểu hiện, đủ sức tồn tại ngang hàng với những thể loại văn xuôi nghệ thuật khác. Đó là một thể loại văn xuôi thực sự tự do, phóng túng, không bị ràng buộc bởi những khuôn khổ quy phạm, cả về nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện. Trong tùy bút, cảm thức chủ quan và phong cách nhà văn được coi trọng hơn cả sự chân thực khách quan của sự việc. Nhà văn theo ngọn bút mà suy tưởng, trần thuật, nhưng thực chất là thả người theo dòng liên tưởng và tưởng tượng, phóng bút theo cảm xúc mà tả người, mà kể việc một cách sâu sắc bằng thứ ngôn ngữ gọt giũa tinh tế và tài hoa mang đậm tính cá nhân. Đọc Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, ta không chỉ có được cảm giác đang triền miên giữa một dòng cảm xúc đằm thắm, dịu nhẹ, thanh tao mà còn hiểu biết thêm, còn ngộ ra bao nhiêu vẻ đẹp có màu sắc văn hóa rất đỗi gần gũi và không phải người Hà Nội nào cũng nhận ra về con người và tạo vật ở đất kinh kỳ. Với 17 món ngon trong tập Miếng ngon Hà Nội (in 1952), người đọc không thể hiểu nổi vì sao nhà văn Vũ Bằng lại am hiểu văn hóa ẩm thực Thủ đô sâu sắc đến thế. Cây bút tài hoa uyên bác Nguyễn Tuân, bậc thầy tùy bút, góp cho văn học Việt Nam hiện đại những áng văn xuôi trữ tình còn lưu mãi tâm thức độc giả xa gần về cuộc sống, về con người, về chiến tranh và hòa bình, về khát vọng hạnh phúc tương lai.. Và hàng trăm tác giả tùy bút của văn học Việt Nam hiện đại tài hoa như Nguyên Ngọc, Võ Phiến, Mai Thảo, Trúc Chi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Băng Sơn.. đã đem đến cho người đọc những giá trị tinh thần tuyệt vời hơn cả tuyệt vời về ngôn ngữ mẹ đẻ, về đất nước và con người Việt Nam. Như thế, tùy bút là tác phẩm văn học tự sự - trữ tình, một thể loại văn xuôi nghệ thuật vừa kể chuyện vừa bày tỏ cảm xúc chủ quan bằng chất liệu ngôn ngữ tiếng Việt tinh diệu của người nghệ sĩ ngôn từ. Sức cuốn hút của tùy bút Những tiêu chí nổi bật của tùy bút sẽ giúp người yêu văn chương đọc hiểu, khám phá những giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mĩ và nội dung nhận thức của tác phẩm. Nếu như kí sự, hồi kí, kí, ghi nhanh.. là những ghi chép chủ quan sự việc, tôn trọng sự thật thì tùy bút, bút kí được mở rộng đề tài và có thể tạt ngang, liên tưởng theo hứng khởi, không cần khuôn thước nào. Kí, hồi kí, bút kí gần gũi với tùy bút ở sự chủ quan của người viết nhưng cách xưng tôi đều gắn với sự chân thực của nội dung hiện thực. Hồi kí chỉ dành cho người nổi tiếng nên dù tác phẩm có hạt sạn nào, sai sót nào người ta cũng dễ dàng bỏ qua trong khi bút kí, tùy bút lại không thể cho phép người viết dễ dãi và mắc sai lầm. Viết tùy bút rất khó là như thế. Người đọc tùy bút dễ bị cuốn theo, cuốn vào những thứ đôi khi lộn xộn, loằng ngoằng của tri thức mới mẻ, của câu chữ phóng khoáng, tài hoa. Đọc vô cùng sướng nhưng xong rồi lại chẳng thể nhớ được là bao. Tùy bút không có cốt truyện cho người ta nhớ, không có mở nút, thắt nút, không có cao trào xung đột như truyện. Nội dung sự việc, sự vật càng sâu sắc, nhiều thông tin hiếm và mới; nghệ thuật dùng từ, viết câu văn hay và đẹp càng cuốn hút. Vì thế, chỉ những nhà văn quý yêu nghề viết, kiến thức uyên thâm, nghiêm túc với bạn đọc và nâng niu từng từ dùng mới có được áng tùy bút hay, xuất sắc sống mãi với thời gian. Tùy bút chính là thể loại văn học có tính báo chí, vừa thông tin vừa trải lòng bằng ngôn từ biểu cảm, giàu hình ảnh và phóng khoáng; bằng kết hợp suy nghĩ, hồi tưởng và xúc cảm về vấn đề nào đó của cuộc sống; bằng trữ tình riêng tư hòa quyện hết liên tưởng này đến liên tưởng khác. Sự việc được kể (tự sự) theo cảm nhận và liên tưởng chủ quan, giãi bày (trữ tình) đã tạo nên đặc trưng nổi bật của thể tùy bút. Yếu tố tự sự và trữ tình luôn đan xen, hài hòa và thống nhất như một chỉnh thể trong tùy bút nói riêng và tác phẩm văn học nói chung không thể rạch ròi, phân tách. Tùy bút là thể văn xuôi nghệ thuật tự sự - trữ tình. Về nội dung, tùy bút không có giới hạn nào về đề tài. Lịch sử, văn hóa, phong tục, thế sự, đời tư hay ngoại cảnh đến tâm cảnh; từ quá khứ, hiện tại và tương lai đều là đối tượng phản ánh của tùy bút. Nếu truyện (tự sự) 'ba phần thực, bảy phần hư' giúp hình tượng hóa, hiện thực hóa tâm hồn và đời sống thì tùy bút lại chú trọng chất chủ quan trong tư tưởng nghệ thuật, ít chịu sự chi phối của ngoại cảnh xã hội nên thả sức bộc lộ cảm hứng nhân văn của nhà văn. Đó chính là giọng điệu, là phong cách riêng của mỗi tác giả tùy bút. Xét về cảm hứng, tình điệu và thẩm mĩ, tùy bút lấy cảm hứng lãng mạn làm chủ đạo. Nhà văn quan sát, cảm nhận và chắt lọc những điều đang diễn ra rồi bằng tài năng, nhiệt huyết và sáng tạo, liên tưởng, tưởng tượng, phỏng đoán.. làm sống dậy một sự việc nào đó để truyền cho người đọc cảm hứng mãnh liệt và tin yêu, cảm hứng sôi nổi và hy vọng. Có khi là cảm hứng thế sự, đời tư bi kịch sâu lắng buồn vui; có khi là cảm hứng anh hùng ca, mang hơi thở sử thi; cũng có khi lại là cảm hứng lịch sử, cảm hứng châm biếm, hài hước.. Sự lôi cuốn kì lạ của thứ văn xuôi nghệ thuật này phải chăng bởi cái tôi tác giả chiêm nghiệm và day dứt, trăn trở đã hòa đồng với tâm hồn và suy nghĩ của độc giả? Hình thức của tùy bút dễ phân biệt với kí và truyện. Giọng điệu trần thuật uyển chuyển và linh hoạt, hài hòa giữa thơ và văn xuôi tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Ngôn từ chọn lọc, gọt giũa giàu tính nhạc, giàu hình ảnh với bút lực dồi dào và hiểu biết ngôn ngữ sâu sắc của cái tôi nghệ sĩ ngôn từ đã tạo nên những thiên tùy bút sâu về nội dung, đẹp về hình thức để đời. Nhà văn tài năng gửi gắm, chia sẻ và thông điệp cho người đọc về mỗi sự việc, sự vật qua những thủ pháp nghệ thuật so sánh, liên tưởng, tương phản.. Ý nghĩa nhân sinh của sự việc đi vào tâm trí độc giả nhẹ nhàng và thuyết phục, càng đọc càng thấy thú. Tùy bút hay tạp văn, tản văn không theo khuôn mức nào về kết cấu và dung lượng. Theo cảm hứng và mục đích, nhà văn viết về những khoảng khắc, những cung bậc cảm xúc của đời sống thành những chuyện nhỏ. Mỗi tập tùy bút đều in dấu ấn tài năng, tâm huyết và tri thức của từng nhà văn như tập Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) 20 tác phẩm, Sông Đà (Nguyễn Tuân), 14 sáng tác, Miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng) 17 bài.. Phân biệt giữa tản văn và tùy bút Tản văn và tùy bút đều có nguồn gốc từ thời trung đại, tuy nhiên, tùy bút được "ẩn thân" vào thể ký nên chưa biểu hiện rõ ràng. Đến thế kỷ 20, tùy bút mới thực sự hiện diện với tư cách một thể loại văn xuôi hiện đại, rồi từng bước khẳng định sự góp mặt xứng đáng bằng nhiều tên tuổi lớn, nhiều tác phẩm có giá trị. Cả 2 hình thức này đều thuộc thể loại văn xuôi tự sự, trữ tình và đều mang tính chất hư cất: Viết được trên cảm xúc có thật, người viết đã chứng kiến hoặc trải nghiệm qua cảm xúc ấy. Điểm khác biệt giữa tản văn và tùy bút là Tản văn có đề tài rộng lớn bao quát hơn. Tản văn không lấy hiệu quả ở tình tiết, cũng không lấy nhân vật để khắc họa sự hiểu biết, đồng thời cũng không yêu cầu có tình cảm đặc biệt mãnh liệt như thơ, đề tài của tản văn tuy rộng nhưng cái rộng lớn đa dạng của nó là những điều bên ngoài mà tác giả tự mình nhìn thấy, nghe thấy, suy nghĩ, mong muốn, cảm thấy, xúc động và cuộc sống thường nhật cho đến những hiện tượng khác. Nó cũng không đòi hỏi người viết sự "thâm nhập thực tế" một cách trường kỳ và cái nhìn quan sát có tính chủ ý cao như ở tùy bút hay bút ký. Một sự việc xảy ra trên đường phố ồn ào, một tiếng dương cầm vang lên giữa đêm khuya, một sắc hoa ban muốt trắng ở vùng núi cao phía Bắc khi xuân về v. V.. Tất cả những điều chừng như tủn mủn lặt vặt ấy đều có thể là cái cớ cho một tản văn ra đời. Vấn đề còn lại chỉ là sức cảm, sức nghĩ, là độ rộng và chiều sâu trong trường liên tưởng của người viết mà thôi. Tùy bút lại là một nhánh nhỏ trong đề tài bao la của tản văn. Tùy bút mang nét phóng túng nhưng phóng túng này mang đậm cái tôi của nhà văn. Đòi hỏi tác giả phải trải qua hành trình dài, thậm chí là gian nan, vất vả để cho ra một tác phẩm tùy bút hay. Đặc điểm gần như là nguyên tắc của tùy bút là: Coi trọng và phát huy tối đa cảm xúc, phong cách, quan điểm của người viết, tạo cho độc giả có dấu ấn nhận biết tác phẩm tùy bút của tác giả đó. Thể loại tùy bút trong nền văn học Việt Nam hiện đại 2.1. Những vấn đề lý thuyết về thể loại Về khái niệm tùy bút Có vẻ như cách hiểu đơn giản theo cảm tính: Tùy bút là những trang văn xuôi ở đó nhà văn tùy theo ngòi bút mà đưa đẩy - lâu nay đã được nhiều người yên tâm thừa nhận. Ngay cả Nguyễn Tuân - nhà văn sáng tác tùy bút hàng đầu của Việt Nam - cũng có lần thừa nhận: "Nguyên tắc quan trọng nhất của tùy bút là không có nguyên tắc gì cả". Cách hiểu này đặt cơ sở trên một nét đặc trưng nghệ thuật của thể tùy bút là luôn coi trọng và phát huy tối đa cảm xúc, quan điểm chủ quan ở người nghệ sĩ. Tuy nhiên, những điểm bất cập và chưa thỏa đáng cũng nảy sinh từ chính sự giản đơn ấy. Bất kỳ sáng tác văn chương có giá trị nào cũng đều bắt đầu từ những cung bậc cảm xúc đậm màu sắc chủ quan, chứ không riêng gì tùy bút. Để cho ngọn bút có thần thì cảm xúc ở người nghệ sĩ phải chân thành, phải thăng hoa đến độ mãnh liệt. Mặt khác, một cách hiểu không thỏa đáng về khái niệm tùy bút sẽ rất dễ dẫn đến lẫn lộn giữa lối viết phóng khoáng, tự do với lối viết tản mạn, bịa đặt tùy tiện; đồng thời cũng không chỉ ra được bản chất và vai trò của yếu tố chủ quan trong tùy bút. Bởi vì: "Những sự việc, những con người trong tùy bút tuy có thể không kết thành một hệ thống theo một cốt truyện, hay theo một tư duy luận lý chặt chẽ, nhưng tất cả vẫn phải tuân thủ trật tự của dòng cảm xúc, cái lôgic bên trong của cảm hứng tác giả. Và tất nhiên là sự việc được kể lọc qua cách nhìn của chủ thể thẩm mỹ vẫn phải chân thực" [11; 1888] Nếu coi tùy bút là một cách viết hay một kiểu bút pháp thì chỉ mới dừng lại ở mức độ cảm tính trong nhận thức, chưa bao quát hết đối tượng. Tùy bút còn là một thể loại văn học có những đặc trưng rõ nét cả về nội dung và nghệ thuật biểu hiện, đủ sức tồn tại ngang hàng với những thể loại văn xuôi nghệ thuật khác. Từ góc nhìn từ nguyên học có thể tìm thấy những giả thiết đáng tin cậy, góp phần vào việc xác định khái niệm và phân định loại hình của tùy bút. Trong Hán Việt từ điển giản yếu, từ "tùy bút" được Đào Duy Anh giải nghĩa là "tùy thời mà biên chép". Nghĩa là thể loại này không chỉ bộc lộ cảm xúc chủ quan của người viết mà còn phải chịu sự chi phối từ hoàn cảnh khách quan. Còn từ "bút", ngoài nghĩa cái dùng để viết, có thêm nét nghĩa nữa là biên chép. Vậy thì phải chăng từ "tùy bút" - trước khi được sử dụng để định danh cho một thể loại văn xuôi Việt Nam hiện đại - vốn đã được hình thành từ Thuyết Văn Bút thời Lục triều, trong lý luận văn học cổ điển Trung Quốc? Vào buổi sơ khai của việc phân loại, một số nhà lý luận Trung Quốc đã chia văn chương thành 2 loại: Có vần và không vần. Ở chương Tổng thuật của tác phẩm Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp có viết: "Kim chi thường ngôn, hữu Văn hữu Bút, dĩ vi vô vận giả Bút dã, hữu vận giả Văn dã" (Ngày nay thường nói: Có Văn có Bút, cho không vần là Bút, có vần là Văn). Thời Lưu Tống, trong Nhan Quang Lộc tập, Nhan Diên Chi lại chia văn chương ra làm 3 loại: Ngôn, Bút, Văn. Trong đó, "Bút" có phạm vi rộng hơn, bao gồm cả truyện ký [5; 29, 30] Dù mới chỉ là giả thiết, nhưng thiết nghĩ những thông tin trên đủ cơ sở để củng cố một mối hoài nghi mang ý nghĩa khoa học: Không thể tiếp tục hiểu rằng "bút" là ngòi bút và "tùy bút" là tùy theo ngòi bút mà đưa đẩy. Từ trong nguồn gốc phương Đông, tùy bút đã được xác định là một thể loại văn xuôi thực sự tự do, phóng túng, không bị ràng buộc bởi những khuôn khổ có tính quy phạm, cả về nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện. Qua nghiên cứu, chúng tôi còn nhận thấy có sự gần gũi giữa thể loại tùy bút của Việt Nam với thể loại essay trong văn học phương Tây. Nhà văn Pháp Michel Eyquem de Montaigne (1533-1592) được xem ông tổ của essay, có tác phẩm tiêu biểu: Tập Essais (xuất bản năm 1580). Trong Từ điển văn học (bộ mới), tựa đề tác phẩm này được dịch là Tùy bút (11; 1000). Ở Tập bài giảng nghiên cứu văn học, Hoàng Ngọc Hiến đã phân tích thật thấu đáo những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của ét-xe (từ trang 19 đến trang 26). Ét-xe được dịch là tiểu luận - một tiểu loại thuộc thể ký: "Trong nghiên cứu văn học Việt Nam đương đại, ký là một thuật ngữ được dùng để gọi tên một thể loại văn học bao trùm nhiều thể hoặc tiểu loại: Bút ký, hồi ký, du ký, phóng sự, tùy bút, tản văn, tạp văn, tiểu phẩm (ét-xe)" Trên thực tế, trong hệ thống thể loại văn xuôi Việt Nam, sự góp mặt của tiểu luận (ét-xe) với tư cách một thể loại độc lập, bằng những thành tựu đặc sắc, là chưa được thừa nhận. Với tùy bút thì tình hình khác hẳn. Đóng góp của nó đã thực sự có ý nghĩa để làm nên sự phong phú, rạng rỡ cho diện mạo nền văn học hiện đại. Tất nhiên, không thể đồng nhất hoàn toàn ét-xe với tùy bút. Vẫn có thể chỉ ra những nét dị biệt (Ví dụ: Ét-xe không có hư cấu, non-fictional). Nhưng trong nỗ lực xác định để khu biệt những đặc trưng nghệ thuật của thể loại tùy bút thì việc tham khảo, đối chiếu với ét-xe là một hướng nghiên cứu có ý nghĩa khoa học. Mặt khác, khi tra cứu phần giải thích từ "essay" trên Internet, chúng tôi nhận thấy hầu hết các định nghĩa đều thống nhất với nhau rằng: Đây là một thể loại sáng tác văn chương ngắn gọn, súc tích; bộc lộ cảm xúc và quan điểm của cá nhân tác giả. Ví dụ: "A relatively brief literary composition, usually in prose, giving the author's views on a particular topic" (17) ; "A short literary composition that reflects the author's outlook point" (18) ; "A short literary composition on a single subject expressing a personal view" (19). Trong quan niệm về thể loại văn học của phương Tây, essay còn được xem là những sáng tác ra đời từ cách viết tự do, lệch chuẩn (free writing), không giống với nhiều dạng văn xuôi theo quy cách cố định: "Often brief in scope and informal in style, the essay differs from such formal expository forms as the thesis, dissertation, or treatise" (20). Không chỉ xuất hiện trong văn chương, cấu trúc essay còn được vận dụng ở nhiều lĩnh vực khác: "C'est un genre litéraire qui se prête bien à la réflexion philosophique, mais il y a également des essais d'autres domaines: Essais historiques, essais scientifiques, essais politiques, etc.." (21). Những đặc điểm này - theo ý kiến của các nhà nghiên cứu - cũng chính là yêu cầu không thể thiếu ở tùy bút: "Nét nổi bật trong tùy bút là qua việc ghi chép những con người và sự việc cụ thể có thực, tác giả đặc biệt chú ý đến việc bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức đánh giá của mình về con người và cuộc đời" (4; 434). Nhà phê bình Vương Trí Nhàn trong bài viết ở Tạp chí Văn học số 6-1997 cũng đã khẳng định: "Được gọi là tùy bút, là những tác phẩm mà ở đó nổi lên trên bình diện thứ nhất những phẩm chất riêng, cốt cách riêng của tác giả. Chỉ những người muốn làm rõ cái giọng điệu độc đáo của riêng mình, những người thích tự biểu hiện, tự phân tích, đồng thời là những bút pháp vừa giàu chất hình tượng, vừa có khả năng viết chặt chẽ như châm ngôn.. những người đó mới đi vào tùy bút". So với một số thể loại khác, đội ngũ sáng tác của tùy bút còn khá khiêm tốn: "Trong văn học Việt Nam từ trước Cách mạng đến nay, số lượng nhà văn đứng được ở thể tùy bút không nhiều" (4; 401). Nhưng rõ ràng với tư cách một thể loại văn chương, tùy bút đã có quá trình hình thành và phát triển, kế thừa và cách tân, với những đặc trưng nghệ thuật chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cả phương Đông và phương Tây. Còn có thể hiểu tùy bút như một kiểu bút pháp tự do, phóng túng, tài hoa, không thuộc sở hữu riêng của sáng tác văn chương. Cách hiểu này không phổ biến và chỉ có ý nghĩa gợi mở thêm hướng nghiên cứu. * Xác định loại hình nghệ thuật của tùy bút Mặc dù là một thể loại văn xuôi mang rõ nét khá nhiều đặc trưng nghệ thuật, nhưng trên thực tế hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào riêng cho tùy bút. Trong các tác phẩm lý luận văn học, do những biểu hiện có tính chất trung gian, tùy bút bao giờ cũng được nhắc tới với tư cách là một tiểu loại của thể loại ký, bằng sự dè dặt nhất định. Quan điểm trong việc xác định loại hình của tùy bút cũng chưa thấy có được sự nhất trí cần thiết. Có thể nhận thấy nổi lên hai quan điểm vừa tương đồng vừa có chỗ chưa nhất trí với nhau về vấn đề này: 1- Tùy bút là một tiểu loại văn xuôi giàu chất trữ tình, nhưng phái sinh từ ký (một biến thể của tự sự) ; 2- Tùy bút là một thể văn xuôi thuộc loại trữ tình. Cả hai quan điểm trên đều thừa nhận sự tồn tại thường trực của chất trữ tình trong tùy bút, nhưng cách nhìn nhận về vai trò, mức độ của yếu tố tự sự thì có điểm khác nhau. Các tác giả của quyển Văn học Việt Nam thế kỷ XX xếp tùy bút vào loại ký: "Tùy bút là một thể thuộc loại hình ký có lối viết phóng khoáng, tự do và chủ quan nhất.. So với các tiểu loại khác, tùy bút giàu chất trữ tình hơn cả, tuy vẫn không ít yếu tố chính luận và chất suy tưởng triết lý" [4; 434] . Trong quyển Lý luận văn học-vấn đề và suy nghĩ, Nguyễn Văn Hạnh cũng xếp tùy bút vào hệ thống các thể ký: "Các thể ký chủ yếu có mặt cả trong văn học cổ điển và hiện đại là ký sự, bút ký, tùy bút, nhật ký" [8; 99] . Khác hẳn với các ý kiến trên, trong quyển Lý luận văn học, Nguyễn Xuân Nam lại dứt khoát xếp tùy bút vào loại trữ tình: "Tác phẩm trữ tình không phải chỉ có thơ trữ tình, mặc dù nó là tiêu biểu nhất. Ngoài thơ trữ tình còn có tùy bút, thơ văn xuôi, ca trù, từ khúc.. Tùy bút là thể loại văn xuôi phóng khoáng. Nhà văn theo ngọn bút mà suy tưởng, trần thuật, nhưng thực chất là thả người theo dòng liên tưởng, cảm xúc mà tả người, kể việc" [15; 188] . Trong quyển Tam diện tùy bút, quan điểm của Trần Thanh Hà có vẻ dung hòa, mềm dẻo hơn: "Tùy bút thuộc thể ký, vì vậy nó cũng mang những đặc điểm cơ bản của thể loại này.. Xét từ gốc gác và bản chất, ký không nhằm thông tin thẩm mỹ mà thông tin sự thật.. Thế nhưng tùy bút không nhằm thông tin sự kiện mà thông tin tâm trạng. Trong tùy bút, sự thật bên ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ mà chủ yếu là chủ thể bộc lộ nội tâm.. Điều này làm cho tùy bút đậm chất trữ tình và chỉ có thể xếp nó vào loại trữ tình" [7; 10, 11] . Xem tùy bút là một thể loại linh hoạt, không thể quy kết thỏa đáng vào một loại hình nghệ thuật nào, tác giả đã phần nào tiếp cận được bản chất của vấn đề. Văn chương bao giờ cũng phải mang tính khuynh hướng, thể hiện rõ nhất ở cách người nghệ sĩ tiếp cận và nghiền ngẫm hiện thực. Đằng sau mỗi bức tranh đời sống bao giờ cũng thấm đẫm những vui buồn, suy tư, day dứt rất chủ quan, nhất là trong tác phẩm thuộc loại trữ tình. Nhưng riêng với tùy bút - một thể loại thường khi xuất hiện những chất liệu còn phập phồng hơi thở của cuộc sống thực - thì việc xếp yếu tố khách quan xuống hàng thứ yếu, chỉ có ý nghĩa như một phương tiện để giãi bày, có vẻ chưa thỏa đáng. Bản thân các chi tiết, sự kiện, số phận.. đã tồn tại như một cấp độ ý nghĩa trong nhận thức, nhiều khi hết sức sâu sắc và có mối liên hệ nội tại với cái mạch trữ tình của tác phẩm. Đọc Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, ta không chỉ có được cảm giác đang triền miên giữa một dòng cảm xúc đằm thắm, dịu nhẹ, thanh cao mà còn hiểu biết thêm, còn ngộ ra bao nhiêu là vẻ đẹp có màu sắc văn hóa của con người và tạo vật ở đất kinh kỳ. Mặt khác, dù có màu sắc trữ tình đậm đà, tùy bút vẫn chưa hội đủ điều kiện để được công nhận là một thể văn xuôi hoàn toàn thuộc loại trữ tình. Bởi theo V. E. Khalizep, trong tác phẩm trữ tình "không có sự tái hiện mở rộng và chi tiết về các sự kiện, hành vi và quan hệ qua lại của con người.. Như vậy là trong trữ tình, người ta trực tiếp thể hiện yếu tố chủ quan của đời sống con người" [14; 198] . Hêghen cũng khẳng định tính chất trực tiếp của tự biểu cảm là một trong những thuộc tính quan trọng nhất của trữ tình: "Anh ta (nhà thơ trữ tình) có thể tìm kiếm sự kích thích sáng tạo và tìm kiếm nội dung ở bên trong bản thân mình, tập trung vào những tình thế, trạng thái, xúc cảm và dục vọng nội tại của trái tim và tinh thần mình. Ở đây bản thân con người trong đời sống nội tâm chủ quan của nó trở thành tác phẩm nghệ thuật" [14; 327] . Trong khi đó, biểu cảm ở tùy bút thường ít nhiều có màu sắc gián tiếp, thông qua việc miêu tả chân thực và sinh động những bức tranh đời sống. Vì những lý do vừa nêu, có lẽ không thể tiếp tục hiểu một cách giản đơn rằng "bút" là ngòi bút và "tùy bút" là "tùy theo ngòi bút đưa đẩy". Tùy bút - từ trong bản chất của thể loại - là những tác phẩm văn xuôi phái sinh từ ký (gần với tự sự) và được viết chủ yếu theo mạch cảm xúc chủ quan của tác giả (gần với trữ tình). Vậy thì tùy bút nằm ở đâu trong hệ thống phân loại văn học truyền thống? Có lẽ đặt nó ở vị trí trung gian giữa tự sự và trữ tình là phù hợp nhất. Bởi các loại hình văn học không bao giờ tồn tại một cách tách biệt với nhau, với những ranh giới không thể vượt qua. Các cách phân loại văn học chỉ mang tính tương đối (Arixtôt chia làm ba loại: Tự sự, trữ tình và kịch; ở Việt Nam xuất hiện nhiều cách chia khác nhau: Chia ba – truyện, thơ và kịch; chia bốn - tự sự, trữ tình, kịch và ký; chia năm - tự sự, trữ tình, kịch, ký và chính luận), vì không một lý thuyết màu xám nào có thể bao quát được trọn vẹn sự đa dạng, xanh tươi của loại thể văn học. Các thể loại trung gian, không thể quy hẳn về một phía nào luôn xuất hiện như một hiện tượng tất yếu; đó là trường hợp của thơ - văn xuôi, kịch - thơ, tùy bút, bút ký, v. V.. L. V. Cherets có đề xuất cách tiếp cận, nhận diện các thể loại trung gian một cách thật xác đáng: "Nhiều khi các tác phẩm tự sự về cơ bản bao gồm những đoạn mang tính chất trữ tình: Những suy nghĩ mang tính cảm xúc của tác giả xâm nhập vào câu chuyện về các biến cố.. Văn học đã biết không ít tác phẩm mà yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình được kết hợp ở mức ngang quyền như nhau. Người ta gọi chúng là những tác phẩm tự sự - trữ tình" [14; 348] . Đến đây, thiết nghĩ đã có đủ cơ sở để khẳng định: Tùy bút là một thể loại văn xuôi thuộc loại tự sự - trữ tình. Vấn đề có thể sẽ phức tạp hơn khi vận dụng quan điểm này để xem xét những tác phẩm cụ thể. (Ví dụ: Làm sao để phân biệt tùy bút với bút ký - một tiểu loại ký cũng thường mang không ít màu sắc trữ tình). Nhưng thiết nghĩ, không thể vì muốn có được một sự tường minh về lý thuyết mà lại gò ép thực tiễn sinh động vào những khuôn mẫu không thực sự phù hợp. Cơ sở lý luận vốn có về loại thể văn chương cần được quan niệm như một hệ thống mở thì mới dung hợp hết những hình thức tồn tại trung gian hoặc mới được sáng tạo ra.