Cái Tết của mèo con được nhà văn Nguyễn Đình Thi viết năm 1961, là một tác phẩm được yêu thích của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Đó là một truyện ngắn xinh xắn viết về một chú Mèo con non nớt đã vươn mình trở thành mèo như thế nào. Câu chuyện bắt đầu bằng một nét đẹp tình cảm gia đình rất thân thuộc: Bà đi chợ về mua cho cháu một món quà.. Một cái bánh ư? Một món đồ chơi ư? Ồ không, một món quà rất sinh động: Một con mèo nhỏ.. một thú cưng? Bạn đọc hiện đại hôm nay thường nghĩ đến con mèo con như một thứ đồ chơi, một "em bé" để chúng ta vuốt ve, cho ăn sữa và tắm rửa cho nó bằng xà phòng thơm.. Mèo con của nhà văn Nguyễn Đinh Thi lại rất khác! Bạn đọc sẽ được tác giả dẫn dắt vào một không gian cái bếp truyền thống xa xưa, với cái kiềng, bếp tro, với bác nồi đồng, chị chổi rơm, cái chạn bếp.. Trong không khí một đêm đông cổ tích tối tăm, lũ chuột nhắt và con chuột cống dữ tợn xuất hiện. Chúng phá phách, ăn uống, hát hò nghênh ngang như những tên du côn ăn cướp. Chú Mèo nhỏ yếu ớt cùng những nhân vật hiền lành của cái bếp cổ truyền đó tưởng chừng như sẽ bị lũ chuột côn đồ bắt nạt ăn hiếp mãi mãi.. Những trang chữ lại dẫn chúng ta tới một mảnh sân làng quê cổ truyền với cây cau, với hoa đỏ, bướm vàng.. chú Mèo con bắt đầu gặp gỡ với Gián đất, với cụ Cóc Tía với đàn gà, Gà mẹ và ổ trứng.. Mèo con bắt đầu nhận ra mình biết nhảy nhanh, trèo giỏi, mình có móng, có vuốt, có răng sắc.. mình là kẻ có sức mạnh! Thế rồi cuộc va chạm đầu tiên với con rắn Hổ mang để cứu ổ trứng của Gà mẹ đã khiến chú Mèo con phấn chấn.. Mèo con đã tỉnh ngộ, nó không muốn bị bắt nạt nữa. Đêm đông giáp Tết đã đến, trong cái bếp cổ truyền đầy ắp thức ăn thơm lừng. Lũ chuột côn đồ quen mui kéo tới, nhưng nơi đây đã khác trước, lũ chuột không còn tự do hoành hành được nữa, Mèo con đã dám đối đầu đánh lại Chuột cống. Sự dũng cảm của Mèo con đã khiến chị Chổi và bác Nồi đồng vùng dậy góp sức, ra tay! Lũ Chuột đã bị đánh tơi bời trong sự hả hê của bạn đọc. Thế là trong cái Tết đầu tiên của mình, Mèo con được âu yếm hưởng thụ một mùa xuân tươi đẹp thanh bình. Bằng một giọng văn dung dị, đượm chất quê, nhà văn đã thực sự đưa các độc giả về với một không gian hoàn toàn khác, nơi ấy không có khói bụi, không có ồn ã, chỉ có những con người, những vật dung dị. Nhưng trong câu chuyện của Miu con lại ẩn chứa bài học cuộc sống vô cùng ý nghĩa. Đó là bài học về sự mạnh mẽ, vượt qua khó khăn để trưởng thành, để sống xứng đáng với bản thân mình. Xem thêm: Viết review truyện kiếm tiền