Gương vỡ lại lành là câu thành ngữ ẩn dụ chỉ về sự đoàn tụ sau khi chia tay đường ai nấy đi, hàn gắn lại mối quan hệ đã đổ vỡ, làm lành sau khi xích mích, đánh nhau của các đôi tình nhân yêu nhau, các cặp vợ chồng. Câu thành ngữ này bắt nguồn từ một câu chuyện có thật về một tình yêu chân thành. Sự tích Gương vỡ lại lành Chuyện xảy ra vào thời Nam Bắc Triều (420-581), lúc đó miền bắc Trung Quốc nằm trong nhà Tùy, ở miền nam Trung Quốc cùng lúc tồn tại nhiều nước nhỏ. Nước Trần với đô thành ở Kiến Khang (thành phố Nam Kinh hiện nay) là một trong những nước nhỏ này. Nhà Tùy luôn để mắt đến các nước nhỏ ở miền nam, luôn muốn nam chinh thống nhất cả Trung Quốc. Từ Đức Ngôn là quan thị tùng của nhà vua Trần Thúc Bảo nước Trần, ông lấy công chúa Lạc Xương – em gái của nhà vua làm vợ. Nàng nổi tiếng tài sắc vẹn toàn, hai người đằm thắm với nhau. Nhưng, lúc đó, triều chính nước Trần hủ bại, Từ Đức Ngôn dự đoán, dù sao nước Trần cũng sẽ bị diệt vong, cho nên ông hết sức lo lắng. Từ Đức ngôn và công chúa Lạc Xương. Ảnh minh họa Một hôm, ông buồn rầu nói với vợ rằng: "Tai họa thiên hạ rối loạn có thể xảy ra nay mai, khi đó anh phải bảo vệ nhà vua, vợ chồng chúng mình buộc phải ly tán. Nếu chúng ta sống, thế nào cũng có dịp gặp lại nhau. Chúng ta nên để lại một đồ làm chứng để sau này gặp lại ." Công chúa Lạc Xương đồng ý nhận xét và đề nghị của chồng. Từ Đức Ngôn bèn lấy một cái gương đồng hình tròn bẻ thành hai phần, một nửa tự mình giữ lại, một nửa đưa cho vợ, bảo vợ phải giữ cẩn thận, và nói với vợ rằng: "Nếu chúng ta ly tán, cứ đến ngày rằm tháng riêng hàng năm, em nhờ người khác đưa nửa cái gương này đến chợ rao bán. Nếu anh vẫn còn sống, thì anh sẽ đi dò la tin tức của em, lấy nửa cái gương của anh làm bằng chứng, đoàn tụ với em". Không lâu sau, Tùy Văn Đế Dương Kiên đã thống nhất miền bắc Trung Quốc, quả thật mở cuộc tấn công vào đô thành Kiến Khang của nước Trần. Nước Trần bé nhỏ bị tiêu diệt, nhà vua nước Trần bị giết, Từ Đức Ngôn buộc phải chạy trốn. Tùy Văn Đế khen thưởng những người có công đánh chiếm nước Trần, công chúa Lạc Xương bị bắt và đem thưởng cho đại thần Dương Tố làm vợ lẽ. Từ Đức Ngôn chạy trốn, được tin vợ đã đến kinh đô Đại Hưng nhà Tùy (Tây An tỉnh Thiểm Tây hôm nay), bèn lặn lội đường dài đến đó, và dò la chỗ ở cụ thể của vợ. Mỗi khi đêm khuya tĩnh mịch, ông cầm nửa cái gương, nhớ lại thời gian hạnh phúc sống bên vợ. Công chúa Lạc Xương, vợ ông tuy sống cuộc sống xa hoa trong quan phủ Dương Tố nhưng trong lòng vẫn nhớ chồng, thường xuyên đem nửa cái gương ra xem, nhớ lại việc xưa. Vào ngày rằm tháng giêng, Từ Đức Ngôn đến kinh thành náo nhiệt, nhìn thấy một ông già đang bán một nửa gương với giá đắt, dĩ nhiên không có người bằng lòng trả giá đắt mua một nửa gương, cho nên ông già đi đi lại lại ở kinh thành. Từ Đức Ngôn giả vờ muốn mua gương của ông già, quan sát tỉ mỉ nửa gương đó, quả thật đó là nửa gương của vợ. Hóa ra ông già là đầy tớ của nhà Dương Tố, công chúa Lạc Xương nhờ ông già đến ra chợ bán gương tìm chồng. Từ Đức Ngôn bèn viết một bài thơ cho ông già mang về. Bài thơ viết rằng: "Kính dữ nhân câu khứ Kính quy nhân vị quy Vô phục Thường Nga ảnh Không lưu minh nguyệt huy" Tạm dịch: "Gương và người cùng đi, Gương về người không về. Trăng thiếu bóng Hằng nga, Ánh sáng kia vô nghĩa" Lạc Xương đọc bài thơ trên một nửa gương, nàng khóc than trong nhiều ngày liền, đau xót vì đã phụ chồng. Chứng kiến tình yêu chân thành của hai người, Quốc công vô cùng cảm thông. Ông nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ có được tình yêu đó ở nàng. Vì vậy ông đã gửi thư cho Đức Ngôn, đề nghị ông đến rước nàng về. Nhờ đó công chúa và chồng có thể đoàn viên. Vợ chồng đoàn tụ "gương vỡ lại lành". Ảnh minh họa Câu chuyện trên được tìm thấy trong cuốn Bản Sự Thi (本事詩), cuốn sách tập hợp các truyện ngắn được biên soạn bởi Mạnh Khải (孟棨) trong triều đại nhà Đường (618-907 SCN) Câu chuyện chính là nguồn gốc của câu thành ngữ: "Gương vỡ lại lành". Nghĩa ẩn dụ của câu thành ngữ là sự tái hợp của vợ chồng sau khi phải ly tán. Thành ngữ sau được dùng để chỉ sự tái hợp, hòa giải của những cặp đôi phải chịu cảnh chia ly hay tan vỡ. Văn học đời sau dùng "Gương vỡ lại lành" chỉ vợ chồng ly tán được đoàn tụ, dùng "Gương vỡ khó lành" chỉ vợ chồng buộc phải ly tán bởi nguyên nhân khách quan.