Hình Ảnh Và Thông Tin Các Loại Tiền Won Của Hàn Quốc

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Admin, 27 Tháng sáu 2016.

  1. Admin

    Admin Cho đi là còn mãi Thành viên BQT

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    1,067
    Ở Hàn Quốc người sử dụng phổ biến cả tiền giấy và tiền xu. Tiền xu có 5 loại mệnh giá là đồng 10 won, 50 won, 100 won và 500 won với kích cỡ khác nhau; và tiền giấy có 4 loại mệnh giá, gồm tờ 1.000 won, 5.000 won, 10.000 won và 50.000 won.

    Các mệnh giá đang áp dụng trong lưu thông:

    – 1 Won: tiền kim loại bằng nhôm, màu trắng.

    – 5 Won: tiền kim loại bằng hợp kim đồng và kẽm, màu vàng.

    – 10 Won: tiền kim loại bằng hộp kim đồng và kẽm màu vàng (hoặc hợp kim đồng và nhôm màu hồng).

    – 50 Won: tiền kim loại bằng hợp kim đồng, nhôm và nickel, màu trắng.

    – 100 Won: tiền kim loại bằng hợp kim đồng và nickel, màu trắng.

    – 500 Won: tiền kim loại bằng hợp kim đồng và nickel, màu trắng.

    – 1.000 Won: tiền giấy, màu xanh da trời.

    – 5.000 Won: tiền giấy, màu đỏ và vàng.

    – 10.000 Won: tiền giấy, màu xanh lá cây.

    - 50.000 Won: tiền giấy, màu trắng và vàng.

    Won là đơn vị tiền tệ của Đại Hàn Dân Quốc được sử dụng chính thức từ ngày 9/6/1962. Tên đầy đủ của nó là Won Đại Hàn Dân Quốc. Mã ISO 4217 của đồng Won Hàn Quốc là KRW. Ký hiệu quốc tế là ₩ (chữ W với hai gạch ngang qua). Won là cách viết chệch từ chữ Weon (원, Viên), nhưng từ ngày 9/6/1962 Ngân hàng Hàn Quốc tuyên bố sẽ không dùng chữ Hán cho chữ này nữa. Trước đó tiền tệ của Hàn Quốc gọi là Hwan (환, Hoàn)

    Như vậy, đồng 10 won là đồng tiền mệnh giá nhỏ nhất và thường không sử dụng nhiều trên thị trường, thậm chí cũng không sử dụng được để nạp thẻ xe bus hay mua hàng trên máy bán hàng tự động. Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn rất có ích trong 1 số trường hợp nhất là khi bạn mua những mặt hàng mà giá thành hơi lẻ 1 chút. Đồng 50.000 won là đồng tiền mệnh giá cao nhất và bắt đầu được đưa vào lưu thông trên thị trường từ năm 2009, tuy nhiên do trị giá cao nên nó cũng không được sử dụng phổ biến trong mua bán hàng ngày.

    Đồng xu 10 won

    Những hình vẽ trên đồng tiền Hàn Quốc đều liên quan đến một biểu tượng văn hóa cụ thể của quốc gia này. Trên đồng 10 won, bạn có thể nhìn thấy hình tháp Dabo (Đa Bảo Tháp – 다보탑) – tòa tháp tiêu biểu của ngôi chùa nổi tiếng Phật Quốc tự (Bulguksa) ở thành phố Gyeongju. Ngôi chùa nằm ở tỉnh Bắc Gyeongsang này được biết tới là một biểu tượng tôn giáo, văn hóa của Hàn Quốc và đã được UNESCOcông nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Nơi đây đang lưu giữ 7 quốc bảo của Hàn Quốc trong đó có tháp đá Dabo nói trên cùng với tháp Seokga (Thích Ca Tháp), cầu Cheongun (Thanh Vân Kiều – Cầu Mây Xanh) và tượng Phật bằng đồng dát vàng.

    [​IMG]

    Đồng 10 won được in hình Đa Bảo Tháp.

    Đồng xu 50 won

    Nếu đồng 10 won được khắc hình ảnh một di tích văn hóa, lịch sử thì trên đồng 50 won lại là hình ảnh bông lúa – biểu tượng của nền nông nghiệp lúa nước. Mặc dù ngày nay đã trở thành 1 quốc gia công nghiệp phát triển, nhưng người dân Hàn Quốc chưa bao giờ quên truyền thống nông nghiệp của đất nước mình và cho đến bây giờ, cây lúa vẫn đóng vai trò rất quan trọng với đời sống người dân nơi đây.

    [​IMG]

    Đồng 50 won và hình bông lúa, tượng trưng cho nền nông nghiệp lúa nước của Hàn Quốc.

    Đồng xu 100 won

    Tiếp theo đồng 50 won, đồng 100 won được in hình tướng quân Yi Sun Shin (Lý Thuấn Thần). Ông sinh năm 1545 và mất năm 1598, ông được biết đến là một viên tướng thuỷ quân nổi tiếng của triều đạiJoseon, lập nhiều chiến công trong các trận chiến chống lực lượng hải quân Nhật Bản thời chiến tranh Nhật – Triều (1592-1598). Yi Sun Shin là một vị tướng yêu nước, nhà chiến lược tài ba của hải quân triều đại Joseon. Không chỉ có vậy ông còn được vinh danh là 1 trong 10 tướng quân vĩ đại nhất trong lịch sử hải quân thế giới. Nếu như người Việt Nam vẫn tự hào tưởng nhớ tới tướng quân Ngô Quyền với chiến thắng lừng lẫy đánh đuổi quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 thì trong trái tim của người Hàn Quốc luôn ngự trị hình ảnh của Yi Sun Shin với các trận thắng liên tiếp đánh bại hải quân Nhật. Chiến thắng vang dội và mang tầm ảnh hưởng lớn của ông có thể kể đến như trận thắng đầu tiên trước quân Nhật vào năm 1592 tại hải phận Okpo, trận Myeongnang năm 1596, trận Noryang năm 1598… Chiến thắng hải quân của ông giúp triều đại Joseon kiểm soát được vùng biển cũng như đánh bại được quân Nhật với việc cắt đứt được nguồn cung cấp cho quân đội Nhật đang chiếm đóng tại Hàn lúc bấy giờ.

    [​IMG]

    Đồng 100 won được in hình chân dung của tướng quân Yi Shun Sin, vị tướng vĩ đại nhất của triều đại Joseon.
    Tướng quân Yi Sun-shin từng khích lệ tinh thần quân sĩ bằng khẩu lệnh Liều thì sống, sợ thì chết. Một trận thủy chiến đã đi vào sử sách như một chiến công huyền thoại khi ông đã chỉ huy lực lượng hải quân đánh bại 133 chiến hạm của quân Nhật trong khi đó lực lượng của ông chỉ có 13 tàu chiến nhỏ. Chiến công hiển hách nhất này thể hiện tinh thần chiến đấu quả cảm của binh lính cũng như tài thao lược của ông.

    [​IMG]

    Tướng quân Yi Shun Sin – Vị tướng tài ba nhất trong lịch sử triều đại Joseon.
    Ông chính là người đã chế tạo thuyền chiến bọc thép đầu tiên trên thế giới mang tên Geobukseon hay còn gọi là Tàu Con Rùa. Nhờ việc huấn luyện kĩ càng lực lượng hải quân cùng sức mạnh của tàu Con Rùa mà ông đã lập nên chiến công hiển hách đầu tiên khi chạm chán với quân Nhật vào năm 1592. Vỏ tàu được ghép bởi các tấm gỗ nhỏ. Phía trên sàn tàu được ghép bằng những tấm gỗ chữ thập đan chéo nhau, để một lối đi nhỏ vừa đủ một người đứng. Các phần còn lại của con tàu được cài những mũi chông nhỏ. Phía đầu con tàu treo một chiếc đầu rồng, phía đuôi treo một chiếc đuôi rùa. Hai bên thân trái, thân phải của tàu được khoét 6 lỗ để đặt súng đại bác. Khi tiếp giáp quân giặc, con tàu nhanh chóng tách ra trở thành đội tiên phong trong hạm đội. Bất kỳ tên giặc nào trèo lên hoặc nhảy xuống sẽ bị chết bởi những mũi chông được ghép quanh thân tàu. Khi các tàu chiến của giặc bị tấn công bất ngờ, chúng sẽ không còn đường thoát bởi những viên đại bác được bắn ra đồng loạt. Chính vì thế mà Yi Sun-shin và lực lượng hải quân của ông là nối khiếp sợ của quân địch.

    [​IMG]

    Geobukseon – Tàu Con Rùa, tàu chiến nổi tiếng do tướng Yi Sun Shin phát minh ra.
    Bị trúng đạn của hải quân Nhật và hi sinh trong trận Noryang năm 1598 để lại sự tiếc nối và nỗi đau mất mát lớn cho người dân Hàn Quốc. Trước khi chết ông còn dặn dò đừng để mọi người biết mình chết. Vì sợ rằng quân lính mất tinh thần chiến đấu còn quân địch thì sẽ thêm phần phấn chấn. Trước đó, ông đã lãnh đạo cuộc chiến nhấn chìm hơn 10 nghìn quân địch xuống biển Noryang, kết thúc cuộc chiến 7 năm chống quân Nhật xâm lược. Người anh hùng này còn để lại cho hậu thế cuốn nhật ký vô giá ghi lại toàn bộ cuộc sống chiến tranh trong 7 năm của ông, từ ngày 1 tháng 1 năm 1592 đến ngày 17 tháng 11 năm 1598, tức 2 ngày trước khi ông mất.

    Đồng xu 500 won

    Đồng tiền xu có mệnh giá lớn nhất 500 won được in hình chim hạc. Đây là 1 biểu tượng quen thuộc với nhiều quốc gia phương Đông, còn đối với Hàn Quốc, con chim hạc trên đồng xu 500 won này tượng trưng cho sự phát triển và trường tồn mãi mãi.

    [​IMG]

    Đồng 500 won với biểu tượng là con hạc, tượng trưng cho sự trường tồn.

    Đồng 1.000 won

    Nếu trong các loại tiền xu của Hàn Quốc, chỉ có duy nhất đồng tiền mệnh giá 100 won có in hình người thì đối với tiền giấy, các hình vẽ trên đó đều là hình các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đất nước này. Đồng tiền giấy mệnh giá nhỏ nhất là 1.000 won được in hình nhà triết học Nho giáo và là người thầy giáo vĩ đại nhất thời Joseon – Yi Hwang (이왕) (1501-1570). Sinh năm 1501 tại huyện Ye-an (ấp Dosan, quận Andong ngày nay), Yi Hwang mồ côi cha và sống với mẹ từ khi lên 2. Yi Hwang luôn được mẹ nhắc nhở phải có cử chỉ cao đẹp và cố gắng học hành hơn người dù hoàn cảnh khó khăn.

    Quyết không để sự nghèo đói và không cha làm cho người đời miệt thị, Yi Hwang nỗ lực chú tâm vào việc học hành. 12 tuổi, Yi Hwang chính thức học Luận Ngữ, một trong bộ Tứ thư kinh điển của Nho giáo và tiếp tục theo học tại Viện giáo dục danh tiếng nhất thời Joseon, Viện Sungkyunkwan khi 22 tuổi. 11 năm sau đó, ông đỗ đạt qua các kỳ thi cử và giữ nhiều trọng chức như tổng quản, thái sư, quan bộ thư. Nhưng Yi Hwang đã quyết định rời chốn quan trường để trở về quê hương. Ông được triều đình trọng vọng đến mức giao phó nắm giữ 140 chức trách trước khi từ giã cõi đời ở tuổi 70. Yi Hwang đã từng 79 lần xin từ chức và nói rõ nguyện vọng, ông không coi trọng quyền cao chức trọng, vinh hoa phú quý mà muốn theo đuổi con đường học vấn để giữ cử chỉ cao đẹp. Ông có hiệu là Toe Gye (Thôi Khê) có nghĩa là“lui về trên núi” bởi dẫu mang trong mình tài năng lỗi lạc và được triều đình hết mực trọng vọng nhưng ông không màng đến danh lợi chốn quan trường mà chỉ mong được lui về ẩn cư, dạy học nơi quê hương.

    [​IMG]

    Yi Hwang – Người thầy giáo vĩ đại nhất của triều đại Joseon.
    Học thuyết Nho giáo ở Trung Quốc sau khi được sáng lập bởi Khổng Tử và phát triển, mở rộng bởi Mạnh Tử đã trở thành tư tưởng chính thống của phương Đông. Chu Hy thời nhà Tống đã tổng hợp học thuyết này thành Tân Nho giáo, nghiên cứu những vấn đề căn bản của con người và vũ trụ. Sau đó, Yi Hwang đã phát triển và sáng lập thuyết Minh triết, coi đạo lý là đặc tính căn bản của Nho giáo. Thế kỷ 16, thuyết Minh triết vốn coi trọng kiến thức trải nghiệm đã tạo nên một dòng mới cho Tân Nho giáo. Toe Gye coi việc học hỏi một điều gì đó chính là việc giác ngộ đạo lý của cuộc sống, hiểu thêm về con người, cuộc đời và thông qua đó tìm được hình ảnh thật của chính mình. Lấy học thuyết Lý Khí (coi Nguyên lý và Sinh khí của một vật như 2 yếu tố có quan hệ tương hỗ “một mà hai, hai mà một”) làm tư tưởng chủ đạo, Yi Hwang đã xây dựng Trường Yeongnam tại tỉnh Gyeongsang, thành lập điện Dosan, tận tâm với việc nghiên cứu và đào tạo hậu duệ. Ông được biết đến như một nhà triết học giáo dục vĩ đại nhất thời Joseon. Toe-gye luôn giữ thái độ khiêm tốn của một học giả. Ông không hề phân biệt vai vế khi tranh luận học vấn với các nhà triết học thuộc thế hệ sau như Ki Dae Seung, Lee Yi. Toe Gye xứng đáng được gọi là “Chu Hy của phương Đông”.

    Trên thực tế, trọng tâm tư tưởng triết học của Toe-gye có thể được thể hiện ngắn gọn bằng một từ “kính”, tức là chỉ sự tôn trọng, khiêm tốn của mình đối với tất cả mọi người và vạn vật. Tuy nhiên, từ “kính” lại được thay bằng từ “hài hòa” khi áp dụng vào thế kỷ 21. Vì nếu tất cả con người và giới tự nhiên cùng sống dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau thì sẽ tạo ra sự hài hòa trên thế giới, theo đó giải quyết được những biến đổi khí hậu, mâu thuẫn xã hội hay tranh chấp giữa các quốc gia. Tư tưởng Nho giáo Toe Gye lần đầu tiên đã gây ảnh hưởng cho người Nhật trong cuộc chiến Nhật – Triều 1592-1598. Ngày nay, các nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu cũng đã và đang tiến hành các Hội thảo khoa học quốc tế về triết học Toe Gye và nghiên cứu tư tưởng đó như một biện pháp giải quyết các vấn đề của thế kỷ 21.

    Phía sau hình học giả Yi Hwang là đại giảng đường chính có tên là Myeongnyundang (명륜당) và hình ảnh hoa mai (매화), loài hoa mà Yi Hwang yêu thích.

    Mặt sau của tờ tiền 1.000 won là phong cảnh 계상정거도 (溪上靜居圖, Khê thượng tĩnh ký đồ) và trường học Dosan, nơi Yi Hwang lui về ở ẩn để nghiên cứu và giảng dạy cho các học trò.

    [​IMG]

    Đồng 1.000 won với mặt trước là chân dung của người thầy vĩ đại Yi Hwang, mặt sau là Khê Thượng Tĩnh Ký Đồ và trường Dosan.

    Đồng 5.000 won

    Ngoài đồng 1.000 won, trên đồng tiền mệnh giá 5.000 won của Hàn Quốc cũng được khắc hình của một học giả Nho giáo nổi tiếng khác thời Joseon là Yi I, hiệu Yulgok (Lật cốc). Cùng với Yi Hwang, Yi I cũng là một học giả hàng đầu của Joseon. Song, nếu như Yi Hwang từ bỏ quan chức, về xây dựng một cộng đồng văn hóa Nho giáo độc lập tại vùng Andong, tỉnh Bắc Gyeongsang thì Yi I lại là người đưa học vấn vào, hiện thực hóa học vấn trong hoạt động chính trị. Cuộc đời của học giả Yi I là cuộc đời của một nhà tri thức chân chính, có con mắt tinh tường và tình cảm nồng cháy luôn hướng về quốc gia, hướng về bá tính.

    Đến năm Yi I 16 tuổi, ông lên núi Geumgang để học về Phật giáo, năm 20 tuổi, đọc sách Luận ngữ, hiểu ra nhiều điều ông mới quay về quê hương Ô Trúc Viên (오죽헌 / Ohjukheon, 烏竹軒). Những tháng năm bôn ba và sự trưởng thành ở con người đã làm nền tảng tích lũy kiến thức, đem lại tài năng trị nước sau này cho vị đại học giả. Thực tế, khi 23 tuổi Yi I từng tìm đến đàm đạo với học giả Yi Hwang lúc này đã 58 tuổi để nhìn nhận lại về hướng đi trong cuộc sống. Yi I đã chọn con đường đến với hiện thực để thực hiện chí lớn của mình. Năm đó ông dự khóa Biệt Thí, đỗ trạng nguyên với bài thi viết về “Thiên Đạo sách”, giải thích lý luận về học thuyết “lý – khí”, coi sự vật trên thế gian là sự kết hợp tuyệt diệu của “lý” và“khí”. Tính đến khóa “Điện Thí”, khóa thi chọn quan văn mà ông tham gia năm 29 tuổi thì tổng cộng ông đã 9 lần tham gia các kỳ khoa cử và tất cả đều đỗ đầu bảng. Cũng vì thế, người ta còn gọi ông là Cửu Độ Trạng Nguyên Công.

    [​IMG]

    Đồng 5.000 won với mặt trước là chân dung của học giả Nho giáo Yi I, mặt sau của đồng tiền là trái bí và hoa mào gà.
    Thế kỷ 16 ở Joseon cũng là giai đoạn thế thường có nhiều sự lẫn lộn đảo điên. Kỷ cương, phép tắc của tầng lớp cai trị bị buông lỏng và do đó, tình hình chính trị rơi vào hỗn loạn, sự suy yếu về kinh tế của người dân trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng. Để chỉnh đốn lại mọi việc, cứu giúp dân sinh, Yi I đã lập ra hương ước và đưa ra phương án cải cách gọi là Xã hội canh trương luận. Về đại thể, đây là phương án cho thấy nhà nước cần phải có chỉnh sửa về chế độ cho phù hợp với thời cuộc, giống như để duy trì được ngôi nhà tổ tiên để lại thì cần có thợ giỏi để thay và sửa các trụ cột trong nhà. TrongSeonghakjipyo (Thánh Học Tập Yếu) Yi I biên soạn năm 1575, ông muốn sửa chữa các vấn đề sai trái bằng những lời nói ngay thẳng, chẳng hạn như có câu: “Vua phải coi dân như trời nhưng thứ người dân coi như trời lại là lương thực để ăn.” Ông cũng đã đưa ra “Thập vạn dưỡng binh thuyết”, cho rằng phải chuẩn bị về quân sự, nuôi dưỡng lực lượng với 100 nghìn binh sĩ vì Joseon bấy giờ đang yếu, trong vòng 10 năm tới quốc gia sẽ khó tránh khỏi họa chiến tranh. Tuy nhiên, sự phân tranh bè phái giữa nhómDongin (Đông Nhân) và Seoin (Tây Nhân) trong triều Joseon cuối cùng đã khiến Yi I phải từ bỏ quan chức mà chưa thực hiện hết được ý đồ.

    Đến năm 48 tuổi, sau hơn 20 năm làm quan, Yi I đã trở về quê và 1 năm sau đó, năm 1584 ông đã qua đời. Về sau vua Injo (Nhân Tổ) mới thương tiếc, ban cho ông tên thụy là “Văn Thành” để tưởng nhớ tới công đức của ông. Chủ trương đầy tính cải cách và thực tiễn của ông về sau đã trở thành kim chỉ nam, dẫn dắt, hình thành nên học phái Kiho (Kì Hồ học phái), nhóm các nhà Nho học ở một số địa phương theo tư tưởng của Yi I. Yi I đã trở thành người có công hiến to lớn cho sự phát triển của Nho học thời Joseon, thành sức mạnh hoạt động của giới học giả sau này. Tinh thần dựa vào nghĩa binh để hiện thực hóa xã hội của ông cũng đã được tiếp nối bởi các vị tướng lĩnh nghĩa quân chống ngoại xâm mà đứng đầu là học giả Song Si Yeol của giai đoạn cuối thời Joseon. Học thức sâu rộng vô bờ và ý chí sắt đá của Yi I cho tới nay vẫn luôn là yếu tố thức tỉnh về mặt tinh thần và là tiêu chí trong cuộc sống của người dân Hàn Quốc.

    Phía sau chân dung Yi I là hình ảnh nơi ông sinh ra Ô Trúc Viên, nay ở Gangneung, và những bụi tre mọc quanh khu nhà.

    Mặt sau của tờ tiền là hình ảnh trái bí và hoa mào gà (맨드라미), đây là hình ảnh được trích trong tác phẩm bình phong 8 bức, vẽ cây cỏ và côn trùng có tên là Thảo Trùng Đồ (초충도,草蟲圖), một trong những tác phẩm nổi tiếng của bà Shin Saimdang.

    Đồng 10.000 won

    Trên đồng 10.000 won là chân dung vua Sejong (Thế Tông Đại đế) – vị vua thứ 4 của triều Joseon, người sáng lập ra chữ Hangeul. Ông là vị vua được kính trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc và cũng đã được đúc tượng, đặt ở quảng trường Gwanghwamun cùng với tướng quân Yi Sun Shin. Vua Sejong sinh ngày 15 tháng 5 năm 1397, là con trai thứ ba của vua Taejong. Nếu chiểu theo luật thời Joseon lúc bấy giờ là chỉ có con trai cả mới được quyền kế vị ngai vàng thì ông không phải là người sẽ được lựa chọn để nối ngôi cha. Nhưng hoàng tử cả Yangryeong Daekun (Dương Lệnh Đại Quân) bị than phiền là có nhiều hành động kỳ dị không xứng làm vua, còn hoàng tử thứ hai Hyoryeong Daegun (Hiếu Lệnh Đại Quân) đã nhường quyền kế vị cho em và năm 1418 Sejong chính thức được trao quyền vương thế tử. Tháng 8 cùng năm, tiếp nhận vương quyền từ vua cha Taejong và lên ngôi vua vào năm 22 tuổi.

    [​IMG]

    Hoàng đế Sejong – Vị vua anh minh nhất của triều đại Joseon
    Truyền rằng ngay từ thủa nhỏ vua Sejong đã ham đọc sách tới mức từng đọc 100 lần cuốn kinh thư vào năm 1420, khi mới 2 tuổi! Sau khi lên ngôi, ông đã cho tập hợp các nhân tài trẻ tuổi có đức độ lỗi lạc trên khắp cả nước, lập “Tập Hiền Điện” là cơ quan đầu não của nghiên cứu chế độ và phương hướng đưa đất nước theo nho giáo. Kết quả là đã cho biên soạn nhiều cuốn sách như cuốn ‘Nông Sự Trực Thuyết’ là sách dạy cách làm nông nghiệp phù hợp với đất đai của Hàn Quốc, cuốn “Hương Ước Tập Thành Phương” ghi chép cách chữa trị bệnh tật lấy các loại cây thuốc được trồng ở các khe suối của Hàn Quốc. Không những thế chế độ thi tuyển quan lại, thuế má, hình pháp… cũng được sửa đổi bổ sung.

    [​IMG]

    Huấn Dân Chính Âm – Bảng chữ cái Hàn Quốc do hoàng đế Sejong phát minh ra.
    Khác với vua cha của mình, trước khi quyết định các vấn đề hệ trọng thì ông đều cho tiến hành bàn bạc lấy ý kiến. Ông đi đầu trong việc điều hoà giữa vương quyền và dân quyền, tích cực mở rộng bờ cõi như phái tướng Choi Yun Deok (1376~1554) tới vùng sông Áp Lục, cho tướng Kim Jong Seo (1383~1453) tới vùng sông Duman để khai hoang lập địa, đánh đuổi quân Yo Jin, lập 4 tỉnh 6 trấn và xác lập đường biên giới phía Bắc của Joseon. Sejong Đại đế cũng dành nhiều quan tâm tới lĩnh vực khoa học kỹ thuật như cho chế tác “máy đo lượng mưa” trước phương Tây tới 200 năm, làm ra đồng hồ nước, đồng hồ mặt trời giúp bách tính trong thực tiễn sinh hoạt. Đã điều chỉnh và phát triển nhã nhạc vốn là nhạc tế lễ cung đình du nhập từ Trung Quốc vào thông qua nhạc gia tài ba Park Yeon để cho hợp với âm luật của Joseon.

    [​IMG]

    Hỗn thiên thời kế – Đồng hồ thiên văn thời Joseon, dùng để chỉ ra vị trí của các chòm sao trong vũ trụ.
    Câu mà vua Sejong vẫn thường nói trong thời gian trị vì là: “Dân là gốc rễ của quốc gia đồng thời là mặt trời của quân chủ”. Điều đó chứng tỏ vua Sejong luôn hết lòng vì dân, đã dồn hết sức để xây dựng nên quốc gia vì bách tính. Thành tích tiêu biểu nhất về mặt chính trị của Sejong chính là sáng chế ra Huấn Dân Chính Âm. Lịch sử đã trải qua hàng nghìn năm nhưng tới tận lúc bấy giờ bách tính vẫn không có chữ viết truyền thống của dân tộc mà phải mượn chữ Hán của Trung Quốc. Rất nhiều trường hợp người dân thậm chí không thể đọc nổi bảng yết thị trên chính quốc gia của mình, dù có uất ức cũng không dám kêu than mà chỉ cam chịu. Vì thế, nhằm giúp bách tính không biết chữ Hán cũng có thể dễ dàng đọc được chữ mà ông đã sáng tạo nên 28 chữ cái bao gồm cả nguyên âm và phụ âm căn cứ trên cơ quan phát âm để làm nên loại văn tự có tính sáng tạo độc đáo và tiện lợi, có thể viết được theo âm đọc. Nhưng quá trính sáng chế cũng đã gặp phải những ý kiến phản đối mạnh mẽ cho rằng vốn đã tiếp nhận nền văn vật và chế độ của Trung Quốc giờ nếu sử dụng lời nói và chữ viết riêng của dân tộc mình thì có thể gây khích động tới Trung Quốc, vả lại đã có chữ Idu (loại chữ viết giống như chữ Nôm của Việt Nam) rồi nên không cần hệ thống chữ viết Hangeul.

    [​IMG]

    Đồng 10.000 won với mặt trước là chân dung hoàng đế Sejong, mặt sau in hình Hỗn Thiên Thời Kế.
    Nhưng vua Sejong cho rằng nhất định phải cần một loại văn tự truyền thống vì lòng tự tôn dân tộc dân chủ và tiện ứng dụng thực tế nên đã nỗ lực hết sức để làm nên chữ viết cho bách tính. Huấn Dân Chính Âm hay còn gọi là “Âm chuẩn dạy cho người dân” được ban bố vào tháng 9 năm 1446 âm lịch. Với sự ra đời của Hangeul, bách tính Joseon có được chữ viết của dân tộc mình, cuộc sống trở nên thuận lợi hơn nhiều và chỉ tính riêng đến việc phát triển tiểu thuyết Hangeul của thường dân thôi thì nó đã có đóng góp to lớn vào việc mở rộng nền tảng văn hoá Joseon.

    Vua Sejong đã dành công sức để đạt được những thành quả siêu việt ở nhiều lĩnh vực đa dạng như thế, nhưng từ những năm đầu tiên của tuổi 30 ông đã mắc bệnh phong và băng hà vào năm 1450 thọ 64 tuổi. Nhưng với đức tin “Làm cho bách tính của ta sống đúng nghĩa con người”, ông đã phát triển chính trị nho giáo mang tính lý tưởng và tạo nên kỳ tích cho triều đại Joseon thế kỷ 15. Hậu thế vẫn gọi ông làDaewang (Đại vương), vị vua vĩ đại nhất của triều đại Joseon.

    Mặt sau của tờ tiền 10.000won là Kính thiên văn quang học (광학천체망원경) và đồng hồ thiên văn Hỗn thiên thời kế (Honch’ŏnsikye, 혼천시계, 渾天時計) do Tống Dĩ Dĩnh (송이영, 宋以穎) chế tạo vào năm 1669. Đồng hồ có một quả cầu nằm bên trong các vòng kim loại có đường kính 40 cm. Quả cầu được kích hoạt bởi một cơ cấu đồng hồ, chỉ vị trí của vũ trụ cho ở bất cứ thời điểm nào.

    Đồng 50.000 won

    Một điều thú vị là nếu học giả Yi I – Yulgok được in hình lên đồng 5.000 won thì mẹ của ông, bà Shin Saimdang (신사임당) lại được chọn in hình lên đồng tiền mệnh giá cao nhất 50.000 won. Bà nổi tiếng trong lịch sử với nhiều tư cách, vừa là một nữ nghệ sĩ tiêu biểu của giai đoạn trung kỳ thời Joseon vừa là một người mẹ với nhân cách tuyệt vời đã đào tạo nên một học giả thiên tài.

    Văn hóa gia đình theo phụ hệ được biết là rất phát triển dưới triều Joseon nhưng nó chỉ ăn sâu bám rễ vào xã hội từ sau thế kỷ 17, còn giai đoạn giữa thời Joseon cũng đã có nhiều gia đình lấy nơi ở của phụ nữ làm trọng tâm, con gái có thể sống cùng và phụng dưỡng cha mẹ đẻ của mình. Shin Saimdang sinh ra và lớn lên trong một gia đình coi trọng mẫu hệ như vậy và với sự hậu thuẫn tích cực, mua sắm giấy bút của bà ngoại, từ khi 7 tuổi bà đã bắt đầu tự học vẽ tranh. Nhờ có sự giúp đỡ hết lòng này mà Shin Saimdang đã thể hiện được tài năng trời phú, thể hiện được những đường nét tinh tế và sắc màu phong phú qua các bức tranh như vẽ sâu cỏ, cành nho, cây mai, hoa lan v.v…

    [​IMG]

    Đồng 50.000 won với mặt trước in hình Bà mẹ thông thái Shin Saimdang, mặt sau là tác phẩm Nguyệt Mai Đồ của họa sĩ Ngư Mộng Long.
    Tranh của Shin Saimdang nổi tiếng là tinh tế và sống động, tới mức có chuyện kể lại rằng, một ngày, bà vẽ tranh châu chấu đậu trên cành cây Toan tương (hoa lồng đèn) và tặng cho một người họ hàng. Khi người này trải tranh ra, bức tranh trông thực đến mức gà ngoài sân cũng tưởng là châu chấu mà lao vào mổ. Các học giả cùng thời với Shin Saimdang, ai cũng tán tụng, so sánh tài của bà với An Gyeon, một họa sĩ lớn của Joseon giai đoạn trước. Shin Saimdang còn được biết đến là người giỏi về thơ văn, từ nhỏ đã ham đọc kinh thư Nho giáo và văn chương của các bậc thánh hiền, đồng thời vẫn có tài thêu thùa, kim chỉ vượt bậc nên được coi là nữ nghệ sĩ tiêu biểu của giai đoạn trung kỳ thời Joseon.

    Năm 1522, Shin Saimdang kết hôn ở tuổi 19, lấy chồng là Yi Won Su, một quan văn thuộc nhánh họ Yigốc Deoksu. Do phía nhà ngoại không có con trai, nên sau khi kết hôn, được sự đồng ý của nhà chồng và gia đình chồng, Shin Saimdang thường xuyên về sống ở nhà cha mẹ đẻ. Shin Saimdang sinh hạ được 4 người con trai, 3 người con gái và sinh sống ở cả 2 bên nội ngoại như vậy khiến mọi người phải kính trọng, gọi bà là “Vị phu nhân đức hạnh họ Shin”. Sau khi kết hôn, Shin Saimdang dồn hết tâm sức vào việc giáo dục con cái. Với tình yêu thương và sự nghiêm khắc, bà đã dạy dỗ cho các con mình nên người một cách rất tuyệt vời. Cũng vì vậy mà bà đã tự đặt cho mình cái tên hiệu là Saimdang – Sư Nhậm Đường với ý nghĩa là noi theo tấm gương của bà Thái Nhậm, người phụ nữ hiền thục nhất trong lịch sử Trung Quốc, mẹ của bậc thánh quân nhà Chu là vua Văn Vương.

    Đặc biệt, con trai thứ ba của Shin Saimdang tên là Yi I hiệu là “Lật Cốc”, sau khi đỗ thi tiến sĩ ở tuổi 13 đã đỗ đầu tất cả 9 kỳ khoa cử, được gọi là “Cửu Độ Trạng Nguyên Công”, trở thành một học giả lớn của thời Joseon. Bên cạnh đó, Shin Saimdang còn nuôi dạy cho con gái đầu lòng là Mae Chang và con trai thứ tư là Yi Woo cũng trở thành nghệ sĩ tài ba trong lĩnh vực thơ ca và hội họa. Đối với tài đức của Yi I, ở thời Joseon, nhiều người cho rằng đó chính là nhờ quá trình thai giáo của từ mẫu Shin Saimdang.

    Không chỉ là người mẹ hiền, Shin Saimdang còn là một người vợ đảm, hết lòng khích lệ chồng trong sự nghiệp làm quan triều đình. Bà đã làm tròn bổn phận của một người vợ có đạo đức và nhân cách cao quý, luôn hỗ trợ chồng đi theo con đường chính nghĩa. Tuy thời điểm chồng đi nhậm chức Thủy Vận Phán Quan ở tỉnh Pyeongan vào năm 1551, Shin Saimdang đã qua đời ở tuổi 48 nhưng sau đó, tên tuổi của bà lại càng trở nên nổi tiếng, được người đời sau tán dương ca ngợi, trở thành biểu trưng cho người phụ nữ đức hạnh của Hàn Quốc. Chính bởi những phẩm chất đó nên bà còn được biết đến với biệt danh“Bà mẹ thông thái” và là hình mẫu lý tưởng “mẹ hiền dâu thảo” (현모양처) của người phụ nữ Hàn Quốc. Việc đưa hình ảnh một phụ nữ như vậy lên đồng tiền mệnh giá cao nhất đã truyền đi thông điệp của chính phủ Hàn Quốc cổ vũ bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động xã hội.

    Mặt sau của tờ tiền 50.000 won là tác phẩm Nguyệt Mai Đồ (월매도,月梅圖) của họa sĩ thời Joseon Ngư Mộng Long (Omong-nyong) (어몽룡-魚夢龍) và Phong trúc đồ (풍죽도,風竹圖) của họa sĩ Lý Đình (이정-李霆).

    Phần 3 – Những điều thú vị về đồng tiền Hàn Quốc
    1. Danh nhân đầu tiên xuất hiện trên đồng tiền Hàn Quốc (trên đồng tiền giấy 500 Hwan, năm 1956) làTổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Lee Seung Man. Tuy nhiên đến năm 1960, với sự thoái vị của Tổng thống Lee Seung Man, thì số mệnh của đồng tiền này cũng kết thúc tại đây. Trong quá trình sử dụng đồng tiền này, có một sự cố xảy ra là hình Tổng thống Lee Seung Man được in ngay ở chính giữa đồng tiền, nên nhiều khi bị người dân gập lại hay xé rách phần hình Tổng thống để ngầm tỏ ý phản đối chế độ độc tài. Điều này khiến tổng thống tức giận nên vào năm 1958, hình ảnh tổng thống đã được dịch chuyển về phía bên tay phải tờ tiền.

    [​IMG]

    Đồng tiền tai tiếng 500 hwan với hình chân dung tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Lee Seung Man.
    2. Tờ tiền phát hành ngày 16 tháng 5 năm 1962 và bị thu hồi vào ngày 10 tháng 6 cùng năm có in hình hai mẹ con. Đây là hình người vô danh duy nhất trong lịch sử đồng tiền Hàn Quốc.

    [​IMG]

    Đồng tiền yểu mệnh có in hình 2 mẹ con và bị thu hồi sau sau khi phát hành chỉ đúng một tháng.
    3. Năm 1972, đồng tiền giấy mệnh giá 10.000 won đầu tiên đã được phê duyệt in hình Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni chính (tại Seokguram, Am Thạch Quật, cao 3,45m và được đặt trên một bệ hình hoa sen). Đầu tóc búi thành nhiều búi xoăn nhỏ, đầu đội một chiếc cà sa đặc biệt, những vùng nổi lên trên đỉnh đầu biểu trưng cho Trí tuệ Tối cao. Dưới vầng trán rộng là đôi lông mày hình trăng lưỡi liềm và ánh mắt hé mở nhìn ra phía Biển Đông. Áo choàng của Đức Phật được treo bên vai phải; họa tiết của phần áo che cánh tay trái và ngực được miêu tả rất thật. Đức Phật được mô tả ngồi quàng chân, hai tay đang ở vị trí bhumisparsha mudra, là cử chỉ khi Đức Phật trong lịch sử báo cho chúng sinh biết Ngài đã chánh đẳng chánh giác. Tuy nhiên, hình ảnh này sau đó đã bị phản đối vì mang tính tôn giáo quá sâu sắc. Do vậy đến năm 1973, hình ảnh này đã được thay bằng biểu tượng vua Sejong và Cần Chính Điện (Cung Cảnh Phúc). Do có sự thay đổi này mà tờ tiền mệnh giá 10.000 won phát hành muộn hơn một năm so với đồng 5.000won.

    4. Năm 1972, hình ảnh Học giả Yi I hiệu Yulgok (tờ 5.000 won) và hoàng đế Sejong (10.000 won) do điều kiện trong nước chưa đủ để tin nên đã nhờ công ty thiết kế của Anh thiết kế. Do đó vào thời kỳ này, hình ảnh của Học giả Yi I và vua Sejong được thiết kế theo phong cách Tây phương có mắt to và mũi cao. Phải đến 5 năm sau, tức năm 1978 thì hai danh nhân này mới được vẽ lại theo hình ảnh gần gũi với người dân Hàn Quốc hơn và được sử dụng cho đến ngày hôm nay.

    5. Năm 2009, hai tờ tiền có mệnh giá lớn nhất là tờ 50.000 won và tờ 100.000 won đã được phát hành. Tờ 50.000 won như ta đã biết có in hình của Shin Saimdang. Tờ 100.000 won có in hình của Kim Gu (김구 金九, Hán Việt: Kim Cữu, sinh ngày 29 tháng 8 năm 1876 – 6 tháng 6 năm 1949), là tổng thống thứ 6 và là tổng thống cuối cùng của Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân quốc, là một nhà chính trị, nhà giáo dục, lãnh đạo của phong trào độc lập Triều Tiên chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản đối với Triều Tiên tồn tại từ năm 1910 đến năm 1945, và là nhà hoạt động thống nhất đấu tranh cho thống nhất Triều Tiên từ khi đất nước này chia cắt năm1945. Ông cũng có bút danh là Baekbeom (백범 白凡), ông được xem là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử Triều Tiên.

    6. Tờ tiền có mệnh giá 100.000 won dự định sẽ phát hành vào năm 2015

    [​IMG]

    Đồng 100.000 won dự định phát hành vào năm 2015 với chân dung của cố tổng thống Park Chung Hee. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc đưa chân dung Park Chung Hee lên đồng tiền.
    7. Bộ đồng tiền kỷ niệm (기원기념주화,Commemorative Coins) phát hành năm 1970 của chính phủ Hàn Quốc.

    [​IMG]

    Bộ đồng tiền kỷ niệm (기원기념주화,Commemorative Coins) phát hành năm 1970 của chính phủ Hàn Quốc.
    8. Đồng tiền vàng chúc mừng sinh nhật Kim Jung Il của Triều Tiên

    [​IMG]

    Đồng tiền kỷ niệm ngày sinh của chủ tịch Bắc Triều Tiên – Kim Sung Il
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng ba 2017
  2. Admin

    Admin Cho đi là còn mãi Thành viên BQT

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    1,067
    Ý nghĩa của những hình vẽ được in trên đồng tiền won của Hàn Quốc

    Câu Hỏi:

    Mình đã theo dõi chương trình khá nhiều lần và cảm thấy rất thích vì qua đây được hiểu biết thêm nhiều về văn hóa Hàn Quốc. Tuy nhiên, mình có 1 thắc mắc nhỏ, theo như mình biết, mục đích chương trình là giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về cuộc sống sinh hoạt tại Hàn Quốc. Vậy nếu mình muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Hàn Quốc thì có được không? Ví dụ, mình rất thích tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, các đặc trưng văn hóa của Hàn Quốc…thì có thể gửi email về chương trình để hỏi những điều đó không? Nếu được thì nhân tiện đây, mong chương trình có thể giới thiệu về ý nghĩa của những hình vẽ được in trên đồng tiền won của Hàn Quốc. Mình nghĩ đồng tiền chính là biểu tượng của 1 quốc gia nên những hình in trên đó chắc chắn có ý nghĩa rất đặc biệt và mình rất mong được giải đáp.

    Xin cảm ơn chương trình.

    Trả Lời:

    Ở Hàn Quốc người ta sử dụng phổ biến cả tiền giấy và tiền xu. Có 5 loại mệnh giá đồng xu là đồng 10 won, 50 won, 100 won và 500 won với kích cỡ khác nhau và 4 loại mệnh giá tiền giấy gồm tờ 1000 won, 5000 won, 10.000 won và 50.000 won.

    Như vậy, đồng 10 won là đồng tiền mệnh giá nhỏ nhất và thường không sử dụng nhiều trên thị trường, thậm chí cũng không sử dụng được để nạp thẻ xe bus hay mua hàng trên máy bán hàng tự động. Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn rất có ích trong 1 số trường hợp nhất là khi bạn mua những mặt hàng mà giá thành hơi lẻ 1 chút. Đồng 50.000 won là đồng tiền mệnh giá cao nhất và bắt đầu được đưa vào lưu thông trên thị trường từ 2 năm trước, tuy nhiên do trị giá cao nên nó cũng không được sử dụng phổ biến trong mua bán hàng ngày. Hiện nay tỷ giá hối đoái ở Hàn Quốc đang dao động ở mức 1050 – 1100 won/USD, từ đó bạn có thể tính ra giá trị những đồng tiền trên tương đương bao nhiêu USD.

    Những hình vẽ trên đồng tiền Hàn Quốc đều liên quan đến 1 biểu tượng văn hóa của nơi đây. Trên đồng 10 won, bạn có thể nhìn thấy hình tháp Dabo (Đại bảo - 다보탑) – tòa tháp tiêu biểu của ngôi chùa nổi tiếng Phật Quốc tự (Bulguk-sa) thuộc thành phố Gyeongju. Chắc nhiều người trong số các bạn đã từng nghe nói đến ngôi chùa Phật Quốc này rồi phải không? Ngôi chùa nằm ở tỉnh Bắc Gyeongsang này được biết tới là 1 biểu tượng tôn giáo, văn hóa của Hàn Quốc và đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Nơi đây đang lưu giữ 7 quốc bảo của Hàn Quốc trong đó có tháp đá Dabo nói trên cùng với tháp Seokga (Thích Ca), cầu Cheongun (Cầu mây xanh) và tượng Phật bằng đồng dát vàng.

    Nếu đồng 10 won được khắc hình ảnh một di tích văn hóa-lịch sử thì trên đồng 50 won lại là hình ảnh bông lúa – biểu tượng của nền nông nghiệp lúa nước. Mặc dù ngày nay đã trở thành 1 quốc gia công nghiệp phát triển, nhưng người dân Hàn Quốc chưa bao giờ quên truyền thống nông nghiệp của đất nước mình và cho đến bây giờ, cây lúa vẫn đóng vai trò rất quan trọng với đời sống người dân nơi đây.

    Tiếp theo đồng 50 won, đồng 100 won được in hình tướng quân Yi Sun-shin (Lý Thuấn Thần) – một danh tướng vĩ đại trong lịch sử Hàn Quốc, người đã chế tạo ra tàu Con Rùa (거북선) bọc thép đầu tiên trên thế giới để chống lại quân Nhật. Với công lao chống ngoại xâm và tài năng về quân sự như vậy, ông đã được dựng tượng ở nhiều nơi trong đó có bức tượng đồng nổi tiếng đặt tại quảng trường Gwanghwamun.

    Đồng tiền xu có mệnh giá lớn nhất 500 won được in hình chim hạc. Đây là 1 biểu tượng quen thuộc với nhiều quốc gia phương Đông, còn đối với Hàn Quốc, con chim hạc trên đồng xu 500 won này tượng trưng cho sự phát triển và trường tồn mãi mãi. Nếu trong các loại tiền xu của Hàn Quốc, chỉ có duy nhất đồng tiền mệnh giá 100 won có in hình người thì đối với tiền giấy, các hình vẽ trên đó đều là hình các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đất nước này. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tiếp về các nhân vật đó nhé.

    Đồng tiền giấy mệnh giá nhỏ nhất là 1000 won được in hình nhà triết học Nho giáo và là người thầy giáo vĩ đại nhất thời Joseon - Yi Hwang (1501-1570). Ông có hiệu là Toe-gye (Thôi Khê) có nghĩa là “lui về trên núi” bởi dẫu mang trong mình tài năng lỗi lạc và được triều đình hết mực trọng vọng nhưng ông không màng đến danh lợi chốn quan trường mà chỉ mong được lui về ẩn cư, dạy học nơi quê hương.

    Dường như để chứng minh cho truyền thống học thuật từ ngàn đời xưa nên ngoài đồng 1000 won, trên đồng tiền mệnh giá 5000 won của Hàn Quốc cũng được khắc hình của 1 học giả Nho giáo nổi tiếng khác thời Joseon là Yi Yi hiệu Yulgok (Lật cốc). Còn hình vẽ trên đồng 10.000 won là chân dung đức vua Sejong (Thế Tông Đại đế) – vị vua thứ 4 của triều Joseon, người sáng lập ra chữ Hangeul. Ông là vị vua được kính trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc và cũng đã được đúc tượng, đặt ở quảng trường Gwanghwamun cùng với tướng quân Yi Sun-shin.

    Một điều thú vị là nếu học giả Yi Yi Yulgok được in hình lên đồng 5000 won thì mẹ của ông, bà Shin Saimdang (신사임당) lại được chọn in hình lên đồng tiền mệnh giá cao nhất 50.000 won. Bà nổi tiếng trong lịch sử với nhiều tư cách, vừa là 1 nữ nghệ sĩ tiêu biểu của giai đoạn trung kỳ thời Joseon vừa là 1 người mẹ với nhân cách tuyệt vời đã đào tạo nên 1 học giả thiên tài.

    Chính bởi những phẩm chất đó nên bà còn được biết đến với biệt danh “Bà mẹ thông thái” và là hình mẫu lý tưởng “mẹ hiền dâu thảo” (현모양처) của người phụ nữ Hàn Quốc. Việc đưa hình ảnh 1 phụ nữ như vậy lên đồng tiền mệnh giá cao nhất đã truyền đi 1 thông điệp của chính phủ Hàn Quốc cổ vũ bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động xã hội.
     
Đang tải...