Mẹ Tơm Là Ai?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Zero, 2 Tháng tư 2019.

  1. Zero

    Zero Active Member Thành viên BQT

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    627
    Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển, sinh năm 1880, mất năm 1953, quê ở làng Hanh Cù, nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa. Mẹ lấy chồng cùng quê là cụ ông Vũ Văn Sởn, sinh được 4 người con, trong đó hai người con trai của mẹ đều tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Mẹ là người đã nuôi giấu nhiều cán bộ của Đảng hoạt động cách mạng, trong đó có các đồng chí Tố Hữu, Trần Quyết Thắng, Hoàng Xung Phong, Nguyễn Thị Thái, Lê Tất Đắc..

    Nhà mẹ Tơm còn là nơi cất giấu, in ấn các tài liệu quan trọng, truyền đơn của Đảng, báo Đuổi giặc nước vào đầu năm 1943. Ghi nhận những công lao của Mẹ Tơm, năm 1966, Chính phủ đã tặng Mẹ bằng có công với nước và Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công. Ngôi nhà cũ của Mẹ cũng được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng. Đây là nơi thờ cúng và trưng bày các hiện vật di tích, các tài liệu, tranh ảnh liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của gia đình mẹ Tơm.

    Sau khi chiến khu du kích Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành) thất bại, năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa chuyển về Nga Sơn củng cố tổ chức và in báo "Đuổi giặc nước". Thấy có báo của Việt Minh, bọn mật thám và quan lại truy lùng ráo riết. Tình thế nguy cấp, phải chuyển sang Hậu Lộc tiếp tục hoạt động, ngôi nhà ba gian lợp bằng mái rơm trên cồn cát hoang vắng của gia đình mẹ Tơm được chọn làm căn cứ. Nhà mẹ Tơm trở thành cơ quan Tỉnh ủy lâm thời, mỗi thành viên trong gia đình đều là chiến sĩ.

    Lúc bấy giờ, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời là đồng chí Lê Tất Đắc, sau đó là Tố Hữu, ở nhà mẹ Tơm còn có các đồng chí Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Đặng Hỷ.. Tại đây, cán bộ của ta củng cố tổ chức, xây dựng cơ sở móc nối liên lạc, tiếp tục ra báo "Đuổi giặc nước" in bằng li-tô (khắc lên đá sau đó in ra giấy) và truyền đơn, biểu ngữ.

    Từ khi cán bộ đến hoạt động, nhà mẹ Tơm bề ngoài không có gì thay đổi, tuy nhiên bên trong làn sóng đấu tranh, tình yêu và niềm tin dành cho cách mạng bắt đầu được thổi cuộn. Trong làng có nhà Chánh Tổng hay soi mói nên ông bà Tơm được phân công canh gác cả ngày và đêm, trước và sau nhà. Mọi sinh hoạt, ăn uống của "đại gia đình" nhờ vào sự tảo tần của mẹ Tơm.

    Bữa ăn hằng ngày thường là khoai lang "cõng" ít cơm với cà muối và tép kho mặn. Trồng được mấy vạt rau trên đất cằn, chiều về bà hái mang ra chợ bán cùng với bó củi phi lao, mớ ốc vừa mò được. Dưới đáy rổ rau bà cất báo và tờ truyền đơn, điều kiện thuận lợi bà lại rải khắp nơi. Giác ngộ cách mạng, hai người con trai của mẹ Tơm là Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu cũng từ bỏ nghề đi chăn trâu thuê để làm nghề cắt tóc dạo lấy tiền nuôi các cán bộ đồng thời làm liên lạc, móc nối với các tổ chức, và phát báo, rải truyền đơn.

    Ông Sởn cũng từ bỏ nghề cày thuê ở nhà đan lát. Ngày ngày ông ngồi trước cửa nhà đan rổ rá và canh chừng, hễ có ai đến là ông lại tỏ ra khó chịu vì "đang bận tập trung đan lát", nhờ đó mà cán bộ của ta yên tâm làm việc trong nhà.

    Trong ký ức xa xăm của ông Vũ Xuân Thu, người cháu nội cuối cùng còn sống của mẹ Tơm (năm nay cũng đã gần 70 tuổi) thì cả cuộc đời bà nội ông dành trọn tình yêu cho cách mạng. Dù ngày ấy, ông vẫn là một đứa trẻ nhưng ông hiểu tình yêu thương của bà nội dành cho những cán bộ sống ở đấy.

    Ông kể: "Ngày đó tôi còn nhỏ, thế nhưng vẫn nhớ như in cái dáng người nhỏ thó thấp đi liêu xiêu trong bóng nắng trên những triền cát mỗi lần đi đâu về. Cả cuộc đời bà nội lúc nào cũng vội vã, tất bật chỉ để lo cho cán bộ. Số tiền cắt tóc, bán rau, bán củi, bán rổ rá của mọi người trong gia đình đều được bà nội gom góp, dành dụm vào hai cái hũ sành, một hũ đựng gạo và một hũ đựng tiền. Mỗi ngày bà chắt chiu một chút, số gạo tiền này được dành nuôi cán bộ những ngày mưa bão, ốm đau. Bà ân cần chăm sóc các anh như chính những đứa con đẻ của mình".

    "Tôi nhớ vào khoảng năm 1951, trên đường ra Hà Nội công tác, ông Lê Tấc Đắc, một người chiến sĩ cách mạng từng được bà tôi nuôi giấu trong nhà mình đã về thăm lại bà. Đó là buổi chiều khi tôi cùng bà chăn bò ở rừng cây phi lao bên bãi cát. Nhìn thấy bà, ông ấy đã xúc động chạy lại ôm chầm lấy bà như một người con sau bao ngày xa cách nay được gặp lại. Bà và ông Đắc nhìn nhau, nước mắt nghẹn ngào mà không nói lên lời".

    "Nhìn thấy người mẹ còm cõi, vẫn bộ quần áo nâu vá víu, ông ấy thương bà lắm. Ông Đắc lấy từ trong ba lô mấy mét vải lụa biếu bà may quần áo. Đêm hôm đó, ông Đắc cùng người cận vệ về nhà tôi ngủ lại. Mọi người tâm sự đến 4h sáng thì bác tôi tiễn chân ông Đắc qua đò sang Nga Sơn (Thanh Hóa) để đi ra Hà Nội" - ông Thu nhớ lại.

    Những năm sau đó, khi bị giặc phát hiện, nhà mẹ bị đốt cháy, hai con trai của mẹ bị giặc bắt đi tra tấn. Cán bộ phải dời địa điểm sang nơi khác. Sau cách mạng tháng 8 thành công, chồng của mẹ Tơm qua đời trong một cơn bạo bệnh ở tuổi 62. Không lâu sau đó, giữa trưa hè nắng cháy rát bàn chân đầu năm 1953, mẹ Tơm cũng theo chồng trở về cát bụi.

    Cho đến bây giờ, bộ tông đơ cắt tóc dạo ngày ấy, những hũ sành, hòm đựng đựng tiền, gạo, quần áo và tư liệu của bộ đội vẫn được lưu giữ trong căn nhà lưu niệm của mẹ. Dù căn nhà của mẹ ngày đó khi bị phát hiện đã bị giặc đốt phá thành tro bụi nhưng quân thù không thể đốt được những kỷ vật hằn tình yêu thương của mẹ Tơm với cán bộ cách mạng.

    [​IMG]

    Nhà Mẹ Tơm tại Thanh Hóa.

    Tìm về làng quê Hanh Cát ven biển ngày nào. Xóm làng đã nhiều đổi thay, nhưng những câu chuyện về mẹ Tơm vẫn còn đó, như tiếng thì thầm của lịch sử. Dù đã cuối hạ, nắng miền ven biển vẫn khiến khách bộ hành cảm thấy bỏng rát, nắng cháy. Thoảng trong gió có mùi tôm cá đặc trưng của những làng quê biển, ấy là khi chúng tôi tìm về đến ngôi nhà của mẹ Tơm xưa, giờ đây là di tích cách mạng ở thôn Đông Thành, xã Đa Lộc (Hậu Lộc). Ngôi nhà gỗ tinh tươm với vườn cây trĩu quả đã nhanh chóng làm dịu đi cái nóng ngoài kia. Ở nơi này, những hiện vật lại kể cho chúng tôi nghe câu chuyện nuôi giấu cách mạng của mẹ Tơm hơn 70 năm trước đây.

    Có lẽ, khi còn sống, mẹ Tơm (tên thật là Nguyễn Thị Quyển) chẳng bao giờ ngờ đến mình lại được hậu thế nhắc nhớ nhiều đến vậy. Bắt đầu từ khi, mẹ dang đôi bàn tay gầy guộc, dãi dầu sương gió của mình để che chở, chào đón những người chiến sĩ cách mạng Tố Hữu; Lê Tất Đắc.. mẹ đã trở nên phi thường giữa cuộc đời rất đỗi bình thường. Câu chuyện về việc nuôi giấu cách mạng của mẹ Tơm như thước phim quay chậm, dần dần hiện hữu qua lời kể của những người còn sống.

    Đó là vào những năm 1942, khi các đồng chí chiến sĩ cách mạng vượt khỏi vòng giam cầm của giặc Pháp, tìm ra phía Bắc để xây dựng cơ sở liên lạc. Lúc bấy giờ, hai người con trai đầu của mẹ Tơm làm nghề đi cắt tóc dạo đã được cách mạng giác ngộ, hai anh sẵn sàng đi theo cách mạng. Và chính hai anh đã đưa các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc cùng một số đồng chí khác về gia đình thuyết phục mẹ Tơm đồng ý cho các đồng chí trú ẩn và hoạt động. Bác Vũ Xuân Thu, cháu nội Mẹ Tơm tự hào kể lại: Lúc ấy, bà nào đã biết Việt Minh, Cách mạng là gì đâu. Nhưng nghe nói các đồng chí về đây tìm cách đánh Pháp, đuổi Nhật là bà đồng ý ngay. Cách mạng với cả gia đình mẹ cũng bắt đầu từ đó.

    Và cũng từ hôm đó, ngày ngày ông ở nhà đan rá, rổ canh chừng người lạ đến nhà. Còn mẹ Tơm, bà đi chợ mua thức ăn, gạo và phía dưới chiếc rổ bao giờ cũng có cả xấp truyền đơn. Giặc Pháp và tay sai đâu có thể ngờ được, một cụ bà già yếu lại hăng hái hoạt động cách mạng đến vậy. Không những hoạt động cách mạng, gia đình mẹ còn có những kế hoạch giúp đỡ cách mạng rất cụ thể. Mỗi ngày trước khi nấu cơm, mẹ đều bớt lại một ít vào chiếc hũ sành, để phòng khi cần dùng đến.

    Rồi hai người con trai của mẹ cũng vậy, hàng ngày đi cắt tóc dạo, số tiền cuối ngày hai ông kiếm được mẹ lại dành một ít để cho vào hũ cất đi. Hai chiếc hũ sành nhỏ nhắn, một đựng gạo, một đựng tiền đến bây giờ vẫn được gia đình mẹ Tơm lưu giữ những kỷ vật quý giá nhất của mẹ để lại.

    [​IMG]

    Di vật gắn với cách mạng của gia đình mẹ Tơm để lại.

    Mẹ Tơm gan dạ, anh dũng và mẹ Tơm còn yêu thương những đồng chí cách mạng được mẹ nuôi giấu bằng tình yêu của một người mẹ rất đỗi thân thương. Chuyện kể rằng, có một lần mẹ Tơm được người họ hàng cho một bát chè mật. Và mẹ đã dành bát chè mật đó cho đồng chí Lê Tất Đắc và Tố Hữu. Mọi người ngạc nhiên thì mẹ giải thích: Lê Tất Đắc mới bị ốm dậy nên phải ăn để có sức, còn Tố Hữu là người ít tuổi nhất trong các đồng chí ở nhà mẹ, lại gầy gò, ốm yếu nên cũng cần phải được ăn một nửa bát chè. Vậy là thay vì để cho mình, cho chính đứa con dứt ruột đẻ ra, mẹ Tơm lại dành cho những người con cách mạng. Cảm động trước hành động của mẹ, đồng chí Tố Hữu đã làm hai câu thơ:

    "Chè thơm mà đĩa cũng thơm

    Thơm nào bằng đức mẹ Tơm chúng mình"

    Lại có lần, ấy là lúc đồng chí Lê Tất Đắc mới đến nhà mẹ, bị cơn sốt rét hành hạ tưởng chừng không qua khỏi, đồng chí đã dặn mẹ: Khi con chết, mẹ hãy chôn con nhưng đừng đắp mộ để giặc khỏi nghi ngờ. Nhưng mẹ quả quyết, con không thể chết, con phải sống để đánh đuổi giặc Tây, giặc Nhật. Rồi mẹ lấy toàn bộ quần áo cùng những manh chiếu ra để sưởi ấm cho đồng chí, và đi tìm cây thuốc nam để sắc thuốc. Mẹ tận tình với các con, với những đồng chí cách mạng.

    Những ngày tháng che chở, nuôi giấu cách mạng của gia đình mẹ đã được các đồng chí như Tố Hữu, Lê Tất Đắc ghi nhận. Có lẽ vì vậy, sau 19 năm ra đi, năm 1961 có dịp quay trở lại thăm nhà mẹ Tơm, lúc này mẹ không còn, chỉ căn nhà nhỏ ngày xưa là nơi các đồng chí đã từng sống, hoạt động vẫn vẹn nguyên. Mọi kỷ niệm như ùa về trong ký ức người chiến sĩ cách mạng Tố Hữu. Để rồi ngay sau đó bài thơ "Mẹ Tơm" ra đời. Hình ảnh mẹ Tơm đã được nhà thơ tài ba tái hiện đầy sinh động và cũng rất đời thường, trở thành bà mẹ huyền thoại.

    Lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và những cống hiến, hi sinh của gia đình mẹ Tơm cho cách mạng đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện trong bài thơ nổi tiếng Mẹ Tơm. Nhiều người biết đến mẹ Tơm với bài thơ cùng tên. Nhưng có lẽ, chưa nhiều người biết rằng, bài thơ sau khi ra đời, được xuất bản trong tập Gió lộng. Toàn bộ nhuận bút của tập thơ đã được nhà thơ Tố Hữu gửi tặng để xây dựng trạm y tế xã Đa Lộc.

    Nguồn: Báo Dân Trí.
     
Đang tải...