Tác Hại Của Truyện Ngôn Tình Với Giới Trẻ

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Bảo Long, 21 Tháng năm 2020.

  1. Bảo Long

    Bảo Long Member

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    187
    Tác động khôn lường của truyện ngôn tình

    Nghỉ hè là khoảng thời gian quý báu để học sinh, sinh viên nghỉ ngơi, chuẩn bị cho năm học mới. Trong khi nhiều bạn trẻ chọn đi du lịch cùng gia đình, nhận việc làm thêm hay tham gia các khóa học hè thì có không ít người dành trọn thời gian này đọc truyện ngôn tình. Dù không phải là hình thức giải trí tiêu cực nhưng phương pháp đọc không khoa học kết hợp với việc để tâm trí đắm chìm, ảo tưởng vào truyện ngôn tình của nhiều bạn trẻ đang tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe và tinh thần.

    Sức hấp dẫn khó chối từ

    Có nguồn gốc từ Trung Quốc và xuất hiện tại Việt Nam khoảng năm 2006, truyện ngôn tình ngày càng thu hút sự chú ý của giới trẻ. Truyện không ngừng tăng mạnh về số lượng, chủ yếu là tiểu thuyết, nhấn mạnh yếu tố lãng mạn trong tình yêu đôi lứa và những khát vọng thể xác của con người. Mô-típ thường thấy của truyện là tình yêu giữa chàng trai đẹp, tài ba, xuất thân giàu có, tính cách lạnh lùng với một cô gái thường dân nhưng đầy cá tính, nỗ lực. Từ đó nảy sinh tình cảm bất ngờ, diễn biến tình yêu lôi cuốn và kết thúc ám ảnh là công thức giúp truyện ngôn tình "thu phục" giới trẻ. Cốt truyện có thể xa rời thực tế, không gò bó bởi bất cứ quy tắc về không gian hay thời gian, lại được trau chuốt bằng nhiều chi tiết, tràn đầy tình cảm nên dễ chạm đến trái tim độc giả, nhất là nữ giới.

    [​IMG]

    Thư viện tỉnh có nhiều đầu sách hay, kinh điển, nhưng thưa thớt người đọc, trong khi không ít bạn trẻ đang bị thu hút bởi truyện ngôn tình

    Gần đây, nhiều truyện ngôn tình còn được chuyển thể thành các phim điện ảnh và truyền hình. Tại Trung Quốc, dòng phim ngôn tình chiếm trọn các "khung giờ vàng" trên nhiều kênh truyền hình lớn, đánh bại phim kiếm hiệp. Ở Việt Nam, truyện và phim ngôn tình được phát trực tuyến trên nhiều trang web, liên tục cập nhật các tác phẩm mới khiến giới trẻ háo hức. Nhiều nhà phát hành sách trong nước còn mua bản quyền để xuất bản phục vụ người đọc, coi đây là "miếng bánh sinh lời" không thể bỏ qua.

    Bạn Nguyễn Thị Huyền, sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước cho biết: "Không giống các thể loại văn học quen thuộc trong trường học, truyện ngôn tình đem đến cho tôi những cảm xúc rung động tinh tế nhất. Lời văn thủ thỉ, gần gũi khiến câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn người đọc vào thế giới của nhân vật. Với những truyện được đầu tư về tuyến nhân vật, theo trình tự thời gian đảo ngược, tôi cảm giác truyện giống như hồi ký của bản thân".

    Ngày nay, áp lực công việc, học tập và cuộc sống khiến nhiều bạn trẻ trở nên trầm tính, hướng nội và lãnh cảm. Đọc truyện ngôn tình là cách họ lựa chọn để cân bằng cuộc sống, khỏa lấp những ước mơ ẩn giấu trong tâm hồn. Bạn Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước cho biết: "Thanh niên thích đọc ngôn tình do những thay đổi cảm xúc truyện mang lại. Tôi rung động mãnh liệt trước các truyện tình đã đọc, với câu nói kiểu:" Anh yêu em bằng cả sinh mệnh và trí tuệ "(Hãy nhắm mắt khi anh đến, tác giả Đinh Mặc) hay" Nếu biết có một ngày anh yêu em nhiều như thế, anh nhất định sẽ yêu em từ cái nhìn đầu tiên "(Yêu em từ cái nhìn đầu tiên của Cố Mạn).. Với tôi, truyện ngôn tình mang lại hy vọng về tình yêu, hạnh phúc viên mãn".

    Đọc truyện nhiều có tốt không?

    Việc dành trọn thời gian đọc truyện ngôn tình đã khiến nhiều bạn trẻ phải trả giá đắt, không chỉ là chi phí mua truyện mà còn ảnh hưởng tới thị lực và sức khỏe. Phương Anh, sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp cao su cho biết: "Tôi bắt đầu làm quen và" nghiện "đọc truyện từ những năm học THPT. Ngày đó, do mải mê đọc truyện nên lực học tôi giảm sút và thi rớt đại học. Sau này, trở thành sinh viên và sống xa nhà, tôi càng đắm chìm vào truyện ngôn tình. Với tôi, việc bỏ học, trốn tiết hay thức trắng đêm để đọc truyện là bình thường. Đọc truyện không khoa học làm đầu óc tôi mụ mị, ảnh hưởng đến tư duy và trí nhớ". Dù vậy, Phương Anh không thể bỏ đọc vì theo cô, truyện giúp mang lại khao khát về cuộc sống đẹp như cổ tích.

    "Thay vì chăm chỉ học tập các môn văn hóa, ngoại ngữ hay rèn thêm kỹ năng mềm, tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội, nhiều thanh niên lại ngồi cả ngày bên laptop, điện thoại để đọc truyện ngôn tình. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến tính lan tỏa của phong trào thanh niên, hoạt động đoàn tại các trường học" - Phó bí thư Huyện đoàn Chơn Thành Trịnh Thị Bình chia sẻ.

    Điều đáng lo là gần đây, một số truyện ngôn tình được đăng tải trên internet xuất hiện thêm nhiều chi tiết gợi dục, cảnh "nóng" hoặc cảm giác mạnh. Các chi tiết này được lột tả bằng ngôn từ ướt át, làm sống dậy sự thèm khát dục vọng thầm kín, ám ảnh người đọc. Với nhiều bạn trẻ, việc chọn lọc tác phẩm hay để đọc rất khó khăn, kết hợp với nhận thức chưa đủ chín chắn khiến tâm hồn bị đầu độc, hình thành suy nghĩ thiếu lành mạnh. Nói cách khác, truyện ngôn tình có nội dung phản cảm dễ dàng tác động tới bạn đọc, tạo ra nhiều hệ lụy khôn lường, nhất là làm lệch lạc nhận thức. Đọc nhiều truyện ngôn tình còn khiến không ít người chìm sâu vào thế giới ảo do mạch văn tạo ra, dễ thất vọng trước sự thực không giống như mình hình dung, dẫn đến hành động dại dột. Việc bị ám ảnh vào tình yêu tuyệt đẹp của truyện ngôn tình khiến nhiều bạn trẻ bỡ ngỡ, gặp khó khăn để tìm kiếm người yêu ngoài đời thực.

    Cần hình thành văn hóa đọc lành mạnh

    Hiện nay, "cơn nghiện" truyện ngôn tình vẫn chưa hạ nhiệt, cùng việc tìm kiếm nguồn truyện dễ dàng đòi hỏi giới trẻ cần được định hướng để chọn ra tác phẩm có nội dung phù hợp, chứa đựng giá trị nhân văn. Nói không với các thể loại ngôn tình thô tục, đi ngược giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hình thành phương pháp đọc khoa học để thu nhận những lợi ích tinh thần. Ngoài ra, các bạn trẻ nên rèn luyện bản thân qua các hoạt động xã hội, thể dục thể thao, tích cực trau dồi nhận thức và tăng cường kết nối cộng đồng. Từ đó, giúp bản thân có đủ dũng cảm để trải nghiệm tình yêu, hoàn thiện nhân cách, xây dựng sức mạnh tinh thần, chấp nhận và ứng phó với khó khăn trong cuộc sống.

    Để thị trường sách phát triển bền vững và lành mạnh, các nhà phát hành không vì lợi nhuận mà cổ súy cho việc dịch, xuất bản sách ngôn tình tràn lan. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm duyệt nội dung đăng tải trên các website truyện trực tuyến. Các nhà nghiên cứu cũng cần đánh giá đầy đủ tác động của tiểu thuyết ngôn tình với cuộc sống, đề ra giải pháp chắt lọc giá trị tinh thần của truyện.
     
Đang tải...